Xử lý đúng cách để tránh ngạt khói và sơ cứu nạn nhân ngạt khói kịp thời trong đám cháy ở chung cư cao tầng

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Song song với việc dùng khăn vải ẩm bịt mũi miệng, chuyên gia khuyên nên cúi người thấp trong khi di chuyển để tránh ngạt khói tối đa.

Các vụ hỏa hoạn xảy ra dù lớn hay nhỏ đều có thể gây ra thương vong về người, trong đó không ít trường hợp nạn nhân tử vong do ngạt khói, khí, hơi độc trước khi chết cháy. Gần đây nhất chính là vụ cháy chung cư cao cấp Cardina Plaza ở thành phố Hồ Chí Minh sáng nay.

Khoảng 1h sáng nay (23/3), tầng hầm ở chung cư Carina Plaza ở số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, Tp.HCM bất ngờ bùng cháy dữ dội. Trong lúc hoảng loạn, hàng trăm cư dân la hét cầu cứu, nhiều người đu dây, nhảy từ tầng cao xuống. Đến 8h sáng nay, có 13 người tử vong do ngạt khói (5 nam, 8 nữ), 27 người bị thương do ngạt khói, hiện đang được cấp cứu tại các bệnh viện.

Xử lý đúng cách để tránh ngạt khói và sơ cứu nạn nhân ngạt khói kịp thời trong đám cháy ở chung cư cao tầng - Ảnh 1.

Khoảng 1h sáng nay (23/3), tầng hầm ở chung cư Carina Plaza ở số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, Tp.HCM bất ngờ bùng cháy dữ dội.

Có thể nói, khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra như CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Hít phải những loại khí này sẽ khiến cơ thể tiêu hao thể lực nhanh chóng, càng vùng vẫy trong lượng khí này, nạn nhân càng dễ bị tử vong. Vậy làm thế nào để xử lý đúng cách để tránh ngạt khói, loại bỏ nguy cơ tử vong?

Xử lý đúng cách tránh ngạt khói khi có đám cháy

PGS.TS Trần Hồng Côn khuyên, khi xuất hiện đám cháy, đầu tiên chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Càng mất bình tĩnh thì nguy cơ bị ngạt khí và ngộ độc khí càng cao. Khi ở trong đám cháy, mọi người phải cố gắng hạn chế hít khói.

Xử lý đúng cách để tránh ngạt khói và sơ cứu nạn nhân ngạt khói kịp thời trong đám cháy ở chung cư cao tầng - Ảnh 2.

Kiếm một chiếc khăn ướt hoặc dùng vải thấm nước rồi bịt quanh mũi, miệng kết hợp di chuyển cúi thấp sẽ giúp bạn chống ngạt khói.

"Cách duy nhất để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn chính là tìm đường thoát thân. Nhưng trước khi chạy tìm đường, bạn cần tìm kiếm một chiếc khăn ướt hoặc dùng miếng vải thấm nước rồi bịt quanh mũi và miệng. Lúc này, khăn ẩm, vải ớt chính là mặt nạ hạn chế khí độc, loại bỏ nguy cơ ngạt khí trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể kéo dài khả năng sống sót trong lúc chờ cứu hỏa giải thoát", chuyên gia cho hay.

Song song với đó, PGS.TS Trần Hồng Côn khuyên bạn nên bò dưới mặt đất, di chuyển cúi thấp hoặc chạy dạt người về phía đường thoát thân. Nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn vì cháy khí thường bốc lên cao.

Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong

Trong trường hợp đưa nạn nhân ra ngoài và có dấu hiệu bị ngạt khói, chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện những bước sau để giúp nạn nhân tránh nguy cơ tử vong:

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói.

Xử lý đúng cách để tránh ngạt khói và sơ cứu nạn nhân ngạt khói kịp thời trong đám cháy ở chung cư cao tầng - Ảnh 3.

Kết hợp hô hấp nhân tạo và ép tim cho nạn nhân hít phải khói trong đám cháy.

- Thông đường thở cho nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo. Cách thực hiện như sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim. 

Cách thực hiện ép tim: Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt trên ngực nạn nhân. Ép tim 30 lần với tần số 100 lần/phút. Ấn sâu khoảng 5 cm. Kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa. Lưu ý là không được ấn vào xương sườn.

- Trong trường hợp xuất hiện thở yếu, tim đập chậm cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ thở oxy cao áp, đẩy CO ra bên ngoài.

Chia sẻ