Mùa thu vàng khắp miền Tây Bắc

Lam Linh, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Nếu hỏi mùa thu này bạn thích đi đâu nhất, câu trả lời với chúng tôi không một phút đắn đo đó chính là những cung đường "vàng" tuyệt đẹp của Tây Bắc.

Xa ngái Mù Cang Chải

Đường lên xứ Mù duy nhất một con đường quốc lộ 32. Từ Hà Nội vượt qua đèo Khế để sang đất Yên Bái rồi từ đó, cứ theo con đường này qua Nghĩa Lộ mà thẳng đến với Mù Cang Chải. Trước khi đến với những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, hãy dừng chân lại với Tú Lệ, thưởng thức xôi nếp nương với gà đồi thơm phức, trước khi vượt con đèo Khau Phạ ngoằn nghoèo gần 20km để đến với xứ Mù.

Những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu ngả vàng trên các cánh đồng. Người Thái lập bản dưới vùng thấp, trồng nếp nương trong thung lũng Tú Lệ. Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất tại Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người H’Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch.
 
Những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ, đùa nghịch bên những hàng rào. Xa xa, vài chiếc lán được dựng để canh lúa. Người Mông sống trên cao, họ chỉ xuống để trông lúa rồi lại lên tít trên cao ở. Mảnh đất Yên bái với những tầng đất dễ dàng sụt lở lại có những ruộng bậc thang vững chắc và tuyệt đẹp đến thế.
 
Những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm
 
Mùa gặt...

Thung lũng Tú Lệ đẹp hơn cả cái tên gọi.

Hoàng Su Phì – Bát ngát mùa vàng

Đến với Hoàng Su Phì, bạn sẽ được thỏa sức tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thư giãn thoải mái trong bầu không khí trong lành với núi rừng trùng điệp và tiếng suối róc rách reo vui. Hoàng Su Phì có 4 làng văn hoá, du lịch là Nậm Hồng, Giàng Thượng, Phìn Hồ và Làng Giang.
 
Đường lên Hoàng Su Phì chạy theo quốc lộ 2, vượt qua Tuyên Quang, quãng đường hơn 200km. Nằm giữa lưng chừng núi, những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tốt tươi, vàng ươm suốt dọc thung lũng. Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn cho những tour du lịch cộng đồng, đặc biệt là đến với khu du lịch sinh thái Pan Hour bên dòng suối Thông Nguyên yên bình và lãng mạn.
 
Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Giang.
 
Nụ cười duyên  của thiếu nữ người dân tộc nơi đây.

Bồng bềnh trong biển mây Y Tý

Đường tới Y Tý được chia là ba. Một đường bắt đầu từ dưới chân đèo Ô Quy Hồ dốc ngược lên. Một đường được đi xuyên từ Bát Xát – Bản Vược qua Mường Hum mà vào và đường thứ ba là từ tận A Mú Sung, điểm gần sát với Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt xuyên xuống.

Con đường xuyên bản vượt núi cao, băng rừng sâu, chạy sát sạt ven những vách đá dựng đứng không rào chắn. Rừng nối rừng. Lác đác có một vài bản nhỏ trên những con đường gập ghềnh. Vùng đất Y Tý nằm sâu trong núi, tứ bề là núi cao, quanh năm mây mù che phủ. Trên độ độ cao 2.000 mét, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San có đỉnh cao tới 2.660 mét, hiếm khi thấy được ánh mặt trời soi đủ cả ngày. Bởi thế nhiều người gọi Ý Tý bằng cái tên "vùng đất mù sương”.

Phiên chợ sớm đông đúc người qua lại. Đủ cả các dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông, Giáy với những bộ trang phục sặc sỡ. Người mang theo đám trẻ, người cưỡi ngựa, kẻ đi bộ hành, đi với vợ xuống phiên chợ giữa núi rừng Tây Bắc. Có cảm giác như người ta đang cưỡi mây xuống chợ khi ánh nắng mặt trời càng làm vẻ đẹp của thung lũng mây thêm huyền ảo. Chợ tan, người vãn, các cô gái dân tộc vẫn còn nấn ná ở lại, nghỉ chân trên những tảng đá ven núi, cùng nhau nói chuyện, hong nắng, ngắm cảnh mây trời và thêu thùa. 

Y Tý thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.
 
Gia đình người Mông hoa.
 
Đường lên thung lũng mây.

“Săn lúa” Pù Luông

Tháng 6 và tháng 9 là thời điểm đẹp nhất trong năm của Pù Luông, khu bảo tồn thiên nhiên nằm giữa hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa chừng 150km. Pù Luông có thể được đi vào bằng cả hai đường, từ Thanh Hóa sang hay từ Hòa Bình tới. Đây là lúc các cánh đồng lúa tại các bản trong Pù Luông đồng loạt trĩu nặng trên các cánh đồng thoai thoải dọc những con suối tạo nên khung cảnh nên thơ hiếm có.

Có thể đến Pù Luông bằng ô tô nhưng phương tiện ưa thích của các bạn trẻ đến Pù Luông là xe gắn máy. Một chuyến offroad xuyên rừng hay những cung đường trekking men theo sườn núi sẽ để lại cho bạn những ấn tượng tuyệt vời về cảnh sắc và con người nơi đây.

Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo quốc lộ 6 qua thành phố Hòa Bình rồi chạy thẳng qua Mai Châu, Co Lương và cứ thế chạy theo đường 15C.

Người dân tộc Thái sống trong Pu Luông trên những ngôi nhà cao ráo.
 
Đi gặt.
 
Mùa vàng.
 
Thảo nguyên hoa Mộc Châu
 
Từ Mai Châu – Hòa Bình tiến vào Mộc Châu, chỉ thấy biển tên đã cảm thấy cái lạnh đeo bám lấy người đi đường. Nhưng bầu trời Mộc Châu lại xanh trong lạ thường và nắng vàng ruộm trên con đường 6 quen thuộc. Đường lên Mộc Châu không khó, con gái đi chầm chậm mà đến vì cảnh sắc đẹp nao lòng chờ đón phía trước.
 
Tạt lại quán bê chao ven đường, thưởng thức đặc sản của núi rừng: nào bê, nào cá suối, nào rau cải luộc chấm xì dầu trứng, nào canh khoai sọ nóng, món rau tập tàng lạ miệng. Ăn xong rồi, đừng quên tráng miệng bằng món sữa chua tuyệt ngon chính hiệu Châu Mộc.

Giới trẻ vẫn say mê đến với Mộc Châu vào những dịp cuối tuần. Chỉ cần 2 ngày là có thể đi được đến Mộc Châu, cách Hà Nội 180km. Từ đây, ngoài thưởng ngoạn cảnh trên những đồi chè, còn có thể đi thăm thú rừng thông, thác Dải Yếm, ghé thăm những bản làng xinh đẹp của người dân tộc Mông nấp mình dưới những rừng hoa và thưởng thức những món đặc sản chỉ có tại nơi đây.

Mộc Châu đẹp cả 4 mùa trong năm.

Những cổng hoa dã quỳ đón chào du khách phương xa.

Cỏ dại ven đường.
Chia sẻ