"Phải lòng" món mì xào giòn ở đại lộ Nguyễn Huệ
Đại lộ Nguyễn Huệ với tôi không chỉ là những dãy cao ốc sang trọng mà còn là nơi tôi đã "phải lòng" món mì xào giòn trong một quán nhỏ xỉn màu thời gian.
Dọc đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn là những dãy cao ốc sang trọng liền kề nhau, là nơi nếu phải đi ngang qua khoảng giữa trống hoác của hai tòa cao ốc, bạn sẽ thấy gió lồng lộng thổi, những cây cổ thụ sống lâu năm cho bóng mát rung rinh tàn lá. Thế nên ít ai biết rằng, ngay trên đại lộ này, còn có một quán ăn cũ kỹ nép trong con hẻm nhỏ xập xệ, nơi những viên gạch hai bên bức tường già cỗi đã xỉn màu thời gian.
Nếu không nhìn thấy tấm biển nhỏ bé ghi dòng chữ Quán ăn 53 cũng nhỏ bé, chẳng ai nghĩ rằng đây là nơi rất nhiều thế hệ người Sài Gòn ghé đến mỗi trưa mỗi chiều. Và dù chỉ vô tình đi ngang, khách bộ hành cũng rất dễ bị quấn quýt bởi cái mùi xào nấu ngào ngạt bay ra thơm nức mũi.
Tôi cũng đã từng là một người trong số họ. Dễ dàng bị cái mùi xào nấu ấy níu chân vào một buổi chiều rảnh rỗi dạo quanh thành phố. Mà thực ra cũng khó có lựa chọn nào khác, vì xung quanh đại lộ này, rất nhiều những nhà hàng, quán ăn sang trọng có giá một bữa ăn bằng nửa tháng lương viên chức.
Khi tôi rẽ vào đây, việc đầu tiên là ố á ngạc nhiên từ những điều tưởng bình thường nhưng chả bình thường một chút nào. Chẳng hạn như chiếc ghế này. Một sự “gia cố” vụng về đến mức buồn cười, nhưng có thể thấy ở đây người ta quý trọng từ những thứ nhỏ nhất. Và lạ thay quán ăn xập xệ cũ kĩ lại cho tôi một sự tin cậy kì lạ. Tự dưng tôi đồ rằng những gì được làm ra từ cái bếp đỏ lửa này - sẽ Ngon!
Ở Sài Gòn, bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp những mô hình quán xá kiểu này: Người ta thường tận dụng lối vào của một con hẻm để “dựng” quán. Quán chỉ đơn giản vài ba chiếc bàn xếp, khoảng 20 chục cái ghế nhựa kê sát tường, bếp đặt khiêm tốn ngay bên cạnh, chừa một lối đi vừa đủ cho người dân của các hộ trong hẻm. Khách vừa ngồi ăn, vừa ngắm một đời sống thường nhật đang chảy phía trong kia.
Ở cái quán này, người ta bán cơm bình dân, với thực đơn khoảng 10 món thay đổi theo từng ngày, phục vụ cho những tòa cao ốc ở xung quanh. Tuy nhiên, đó chỉ là những thực đơn “cộng thêm” khi chủ quán nhận ra nhân viên văn phòng ở quanh đây chính là tiềm năng để họ đầu tư vào “thị phần” cơm bình dân. Trước đây, quán chỉ bán những món đồ chiên xào như mì xào giòn, hủ tiếu xào, hoành thánh chiên, bánh xếp nước, bánh xếp chiên... Và đây mới chính là những món làm nên thương nhớ cho bất cứ ai một lần nếm qua.
Với trường hợp của riêng tôi, tôi thực sự "phải lòng" món mì xào giòn của quán. Công phu “gây thương nhớ” của nó mạnh mẽ đến nỗi nếu đang ngồi văn phòng mà chợt nghĩ đến những sợi mì giòn rụm là thể nào cuối ngày cũng có đứa cố tình lượn đại lộ Nguyễn Huệ.
Với món mì xào giòn, bạn có thể dùng chung với phần nước sốt thập cẩm gồm tôm, thịt, gan heo, bì heo xào cùng cải xanh. Nhưng tôi chỉ thích dùng nước sốt cải xanh xào với tôm sú. Những con tôm to bằng ngón tay cái được lột vỏ chừa đuôi, chẻ lưng để lấy sợi dây đen đen ở sống lưng ra, sau đó đem chiên sơ một lửa rồi mới xào cùng rau cải, nên những con tôm thành phẩm trông đỏ au và săn chắc ngọt lừ.
Dĩa mì dọn ra chia làm 2 góc riêng biệt, một góc để mì vừa chiên còn nóng hổi giòn rụm, một góc là nước sốt cải xào tôm.
Khi ăn, khách sẽ trộn mì vào phần sốt cho cọng mì mềm lại và dùng kèm thứ tương ớt cay cay chua chua ngọt ngọt rất đặc trưng của quán. Mì sau khi được trộn đều với nước sốt vẫn giữ được vẻ giòn rụm.
Quán ăn không có tên gọi, không biển hiệu cầu kì phô trương, nằm lọt thỏm và đầy tương phản trên một đại lộ xinh đẹp rộng lớn nhất nhì Sài Gòn, nhưng ai đã một lần ghé qua, chắc hẳn đều hình không thể quên. Ngồi ăn đây nhìn ra, bạn có thể trông thấy những hàng cây đại thụ trên đại lộ này đã bị đốn nhường chỗ cho một dự án phát triển thành phố. Đại lộ trống hoác, đâu đó là những hố sâu thông báo rằng trước đây ở nơi này đã từng là một gốc cây...