9 món ngon nhớ đời khi du lịch Sapa
Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc núi rừng tự nhiên, du lịch Sapa còn hút hồn du khách bởi những món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc.
Cơm lam
Cơm lam là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, nguyên liệu chính là gạo nếp được nướng trong ống tre. Khi nướng chín, chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy bên ngoài, chừa lại một lớp lạt tre mỏng vừa tay người bóc khi ăn cơm. Cơm lam phổ biến và được yêu thích bởi vị ngon ấn tượng của gạo nếp, nước suối và hương thơm nhẹ nhàng của tre.
Xôi bảy màu
Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bảy màu của xôi gồm hồng, đỏ tươi, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối và vàng đều được làm từ nhiều loại lá rừng tự nhiên nên xôi mang mùi vị đặc trưng của núi rừng nơi đây. Đồng bào ở đây quan niệm rằng, ăn xôi vào những dịp lễ tết sẽ mang lại nhiều may mắn.
Thịt lợn cắp nách
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương xách lợn hoặc thậm chí cắp vào nách đem bán ở các phiên chợ, cái tên “lợn cắp nách” bắt nguồn từ đó. Đây là giống lợn riêng của người dân vùng cao, lợn con sinh ra được thả rông cho lớn tự nhiên, khoảng một năm lợn nặng trên dưới 20kg thì đem bán lấy thịt. Thịt lợn “cắp nách” rất nổi tiếng và được các nhà hàng sang trọng sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon.
Đồ nướng
Trong khí trời se lạnh nơi đây, bạn chắc chắn đừng quên thưởng thức đồ nướng, thơm ngon và đa dạng như: thịt lợn bản xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút, bò cuộn cải mèo xiên hay bò cuộn nấm kim châm xiên que… Cải mèo là loại rau đặc sản ở đây, vị rau cải đắng lạ đọng lại trên đầu lưỡi sẽ khiến du khách thích thú.
Đào Sapa
Vị ngòn ngọt, chua chua, thanh chát và mùi thơm không lẫn vào đâu được là hương vị độc đáo của quả đào Sapa chính hiệu. Những vườn đào nặng trĩu quả quanh thị trấn luôn hấp dẫn du khách miền xuôi khi ghé thăm Sapa. Một rọ đào Sapa chắc chắn sẽ là món quà quý của đất trời Tây Bắc dành tặng cho bạn bè và người thân.
Thắng cố
Thắng cố là đặc sản của người Mông, thường có ở các bản làng và các phiên chợ của người Mông. Thắng cố Sa Pa chế biến chủ yếu từ ngựa, một nồi thắng cố có thịt, tim, gan, lòng, tiết ngựa và 12 thứ gia vị: thảo quả, quế chi, sả, gừng và nhiều thứ gia vị gia truyền khác, trong đó, cây thắng cố là gia vị thứ 12. Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa thả vào.
Thắng cố thường ăn kèm với các loại rau nhúng cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu… Ăn thắng cố phải uống cùng rượu ngô, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa của núi rừng. Khi đồ ăn thức uống hòa quyện vào nhau sẽ tạo ra một cảm giác dễ chịu và khó quên.
Thịt hun khói
Đây là món ăn phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa. Thịt hun khói được làm từ phần thịt vai và nạc lưng của lợn, trâu, bò, ngựa. Để làm thịt hun khói, người ta phải nọc sạch mỡ và gân, cắt thành các miếng vuông dày 2-3 cm, sau đó ướp lá mắc khén giã nhỏ, muối hột, ớt và hạt chuối rừng giã nhuyễn. Cuối cùng là treo lên gác bếp củi, hơi nóng và khói bếp không chỉ bảo quản thịt không bị hỏng mà còn mang mùi vị rất riêng vào từng thớ thịt. Thịt hun khói xào với cải mèo sẽ là món ăn rất lạ miệng, đủ để níu chân những du khách phương xa.
Gà đen (hay gà ác)
Là loại gà đặc biệt của người Mông có da, thịt và xương màu đen. Thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn mang lại cho người thưởng thức cảm giác rất thú vị. Các nghiên cứu đã chỉ ra, gà đen không những có tác dụng tăng khả năng “chăn gối” mà còn có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh về tim mạch. Món nổi tiếng nhất được chế biến từ gà đen của Sa Pa là gà nướng mật ong. Món gà nướng thơm nức mũi ăn cùng lá bạc hà chấm muối tiêu chanh, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Gà ác rất nhỏ tầm 1,2kg/con có “làn da” đen sì, ai mới nhìn lần đầu thì hơi … ghê. Gà ác có thể chế thành nhiều món nhưng khoái khẩu nhất là gà ác nướng mật ong. Gà ác nướng xong còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn với lá bạc hà chấm muối tiêu chanh là chuẩn luôn. Bất kì du khách nào đến đây mà chưa ăn món này thì chuyến đi Sapa của họ chắc chắn sẽ không thể gọi là hoàn hảo được.
Cá hồi
Cá hồi mới được nuôi thành công ở Sa Pa nhờ vào khí hậu ôn đới, gần giống khí hậu vùng châu Âu và Bắc Mĩ, nơi sinh sống của cá hồi. Không giống với cá hồi nhập khẩu thường béo, thịt bở, cá hồi nuôi ở Sa Pa có thịt chắc, màu hồng đẹp, thớ săn, ít mỡ và giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món khách nhau, nổi bật là gỏi cá hồi, lẩu cá hồi, cá hồi nướng… Nhờ vậy mà cá hồi đang dần trở thành món ăn sang trọng để thiết đãi du khách khi đến với Sa Pa.