Xây dựng nội dung phản cảm phân biệt giàu - nghèo, loạt video triệu views của kênh Youtube kids bị lên án
"Thật sự nếu là 1 - 2 câu chuyện để nói về tình cảm, về lòng vị tha thì không có vấn đề gì cả. Nhưng cả 1 series hết kênh này sang kênh khác cũng giàu với nghèo, dạy trẻ con cách phân biệt giàu nghèo đối xử rất phản cảm".
Trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 phát triển một cách mạnh mẽ với sự lên ngôi của các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… chẳng khó để có thể bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chừng vài tuổi, tay cầm thiết bị thông minh, chăm chú theo dõi diễn biến trên màn hình đến mức chẳng còn để ý đến những gì đang hiện hữu ở thế giới thực xung quanh. Trong vài năm trở lại đây, vấn đề này đã không ít lần dấy lên quan ngại và được mang ra tranh luận một cách sôi nổi.
Chắc hẳn các bậc phụ huynh còn chưa quên được "Thử thách Momo" từng gây xôn xao trong cộng đồng cách đây chưa lâu. Sự kiện này như một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc làm cha làm mẹ trong việc để con cái tự do sử dụng thiết bị thông minh để truy cập vào những nội dung số.
Vừa mới đây, trong một hội nhóm chuyên về công nghệ số, một thành viên đã có dịp đăng tải câu chuyện xoay quanh anh và chính đứa con của mình.
Việc không kiểm soát những nội dung mà con mình có thể xem được đã khiến đứa trẻ vô tình bị tiêm nhiễm những khái niệm chưa hay, qua đó hình thành cách cư xử không đúng mực. Cụ thể, anh viết:
"Gửi tới mấy bác làm câu chuyện này.
Con bé tí nhà em nó mới 5 tuổi, dạo này hay xem Youtube và luôn miệng bảo bật nhà giàu nhà nghèo cho nó xem. Em nghe chưa hiểu lắm nên hỏi nó là nhà giàu nhà nghèo là thế nào? Nó quay ra nói sao dốt thế, nhà giàu có nhà xây gạch, nhà nghèo nhà bằng gỗ; nhà giàu có nhiều tiền mua đồ chơi, nghèo thì ăn mì tôm với chơi bút chì thôi không có tiền mua bút màu. Em bảo nó bật Youtube lên cho em xem như thế nào, vì TV nhà em nói là nó hiện ra ngay.
Đấy 2 trang tràn ngập giàu với chả nghèo. Xong rồi nó xem lại còn nói ở trên lớp các bạn chơi giàu nghèo. Nhà bạn H, bạn P... nghèo nên nhìn bạn bẩn không ai chơi cùng. Em nói là các bạn đều là bạn con, các bạn không có xấu tính nên đừng phân biệt, thế là không tốt. Rồi nó bảo các bạn được bố mẹ mua cho nhiều đồ đẹp, bút đẹp nên con thích chơi với các bạn ý. Hôm nào đi học con chỉ cho bố.
Đi vào phố mà đi đến đâu nó cũng chỉ trỏ bảo nhà này giàu, nhà kia nhà nghèo vì nhà gỗ mà. Đến nhà bác, nó cũng bảo là nhà bác là nhà nghèo (vì nhà gỗ) nhà bố con là nhà giàu (nhà xây). Em xấu hổ quá các bác ạ.
Thật sự nếu là 1 - 2 câu chuyện để nói về tình cảm, về lòng vị tha thì không có vấn đề gì cả. Nhưng cả 1 series hết kênh này sang kênh khác cũng giàu với nghèo, dạy trẻ con cách phân biệt giàu nghèo đối xử rất phản cảm. Các bác nào có gia đình có con nhỏ sẽ hiểu. Nhân đây em xin block những kênh giàu nghèo dài tập, nghe thấy đã thấy bức xúc rồi".
Ngay sau khi được đăng tải, những quan ngại của người cha trong câu chuyện trên ngay lập tức thu hút được đông đảo sự quan tâm của các bậc phụ huynh khác. Và hẳn đây là vấn đề mà không ít bậc làm cha, làm mẹ gặp phải. Vô vàn những ý kiến bình luận bày tỏ sự đồng cảm cũng đã được để lại:
"Không những thế, có những video còn chơi đại ca trấn lột đồ. Nhà em cũng 5 tuổi, sau khi xem xong, cứ bảo suốt mà không nghe nên em cấm xem luôn".
"Đúng là tai hại, tuổi thơ vô tư hồn nhiên của các con không có nữa. Làm ơn tập trung vào làm những kênh dạy trẻ biết tư duy những điều tốt đẹp ý".
"Nói chung là nếu thấy không hợp với lứa tuổi bọn trẻ con thì mạnh dạn vào cho 1 vài cái gậy. Ai cũng thế để cho mấy thanh niên làm tiền có tâm 1 chút".
Thật vậy, chỉ cần nhập cụm từ khoá "nhà giàu, nhà nghèo" vào thanh tìm kiếm trên mạng xã hội nổi tiếng Youtube, người xem đã có dịp nhận về hằng hà sa số những video có nội dung đúng như chủ đề.
Đa phần những video này có phần hình nền được thiết kế ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc bắt mắt để có thể thu hút sự chú ý của đối tượng quan tâm là trẻ em.
Không dừng lại ở đó, những video dạng này luôn có lượt xem cao ngất ngưởng, tầm vào triệu view sau 1 tuần được phát sóng. Kênh gốc của những Youtuber cung cấp nội dung này cũng có lượt theo dõi vượt hơn con số 1 triệu. Bấy nhiêu đó đã đủ chứng minh được độ lan truyền của những video dạng này.
Bước thêm một bước, tiến sâu hơn vào phần nội dung, đối tượng người xem là trẻ em ngay lập tức bị thu hút bởi những bối cảnh kể chuyện được trang trí lung linh, đầy màu sắc. Tình huống diễn ra câu chuyện cũng rất đỗi thân thuộc với các bé, có thể kể đến như lớp học, không khí trong gia đình… Nhân vật kể chuyện cũng hóa thân thành trẻ em và dùng ngôn ngữ, cử chỉ của con trẻ để tạo độ thân thuộc và dễ đồng cảm.
Nội dung và câu chuyện được truyền tải xoay quanh cách ứng xử của hai tuyến nhân vật đối lập, một bên nhà nghèo và một bên nhà giàu, trong đời sống. Và cách thức để nhận diện người giàu và người nghèo cũng chỉ thuần xoay quanh yếu tố vật chất bên ngoài, đơn cử nhân vật nhà giàu sẽ sở hữu rất nhiều tiền, còn nhân vật nhà nghèo thì ngược lại.
Chắc hẳn những nội dung như thế này được thiết kế và thực hiện với mục đích tạo niềm vui và sự giải trí cho con trẻ, nhưng việc thể hiện thông điệp một cách không khéo léo đã khiến các bé hiểu theo một hướng khác, không mấy tích cực.
Rõ ràng, những nội dung trên trong thời đại số là rất khó kiểm soát. Về phần mình, trước khi lên án hay yêu cầu một người nào đó có tâm hơn trong việc làm của họ, các bậc phụ huynh nên tự có tâm hơn trong câu chuyện nuôi dạy con cái mình trước. Trẻ con là những cá thể ham học hỏi và chúng sẽ bắt chước những thứ chúng quan sát thấy. Do đó, từ chính bản thân mình, các bậc phụ huynh hãy đặt điện thoại xuống để cùng con ra ngoài và khám phá thế giới xung quanh. Đó chắc hẳn là cách tốt nhất để theo dõi và cách ly con trẻ khỏi những nội dung mà bản thân mình không kiểm soát được trên mạng.