Mặt trái mẹ bỉm sữa thời 4.0: Xem mạng xã hội là bệnh viện nhi khoa, còn hội chị em là chuyên gia y tế
Không biết vì lý do gì, những hội nhóm và diễn đàn phụ nữ trên mạng xã hội lại lấy được lòng tin của những bà mẹ đến mức triệt để như thế. Nhiều thành tựu của ngành y tế đã bị lòng tin bao la của những người mẹ xóa mờ đi...
Không thể phủ nhận được những lợi ích của mạng xã hội mang đến cho cộng đồng chị em phụ nữ, nhất là các mẹ bỉm sữa thời 4.0. Nơi đó, chị em có thể tỉ tê tâm sự tất tần tật những rắc rối của riêng gia đình mình để tìm kiếm những lời khuyên chân thành từ người khác, hoặc có thể hóng hớt những câu chuyện trên trời dưới biển, trong nhà ngoài ngõ, nước này nước nọ... từ đó giúp cho cuộc sống làm mẹ, làm vợ, làm người phụ nữ trong gia đình vơi bớt vài phần tẻ nhạt.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt và mặt còn lại của mạng xã hội, đúng hơn là các hội nhóm, diễn đàn phụ nữ trên mạng xã hội là rất khôn lường. Những lời khuyên ư, những lời nhận xét ư, những bình phẩm vô thưởng vô phạt ư, tất cả đều là con dao hai lưỡi. Thế nhưng, đáng tiếc thay không phải chị em nào cũng nhận thấy được chúng, trái lại còn sa đà và góp phần ươm trồng những mầm mống hiểm nguy. Đáng chú ý nhất chính là việc các mẹ bỉm sữa xem nơi mạng ảo là bệnh viện nhi khoa, còn hội chị em chính là các chuyên gia y tế.
"Các mẹ ơi giúp em với…"
Đó chính là câu mở đầu thường thấy của những mẹ bỉm sữa khi muốn thăm hỏi một vấn đề sức khỏe con trẻ nào đó trong các diễn đàn hội nhóm phụ nữ. Con sốt 3 ngày các chị cũng hỏi phải làm thế nào vì không muốn cho con dùng kháng sinh; con mắc bệnh lạ về da liễu các chị cũng chụp ảnh rồi đăng đàn xin ý kiến; con ăn uống không tiêu, bụng phình to như quả bưởi các chị cũng phải hỏi trước cái đã rồi mới tính chuyện chạy chữa cho con sau...
Mọi thứ, mọi căn bệnh của con trẻ chị em nghĩ mạng xã hội đều có thể giúp giải quyết được, và thậm chí là hơn hẳn những cơ sở y tế đang có thật tồn tại ngoài kia? Các chị đăng bài vào các hội nhóm, đợi chờ admin duyệt, thời gian có thể kéo dài 5 phút, 10 phút, 1 tiếng hay có khi là cả một ngày, rồi tiếp tục công cuộc chờ mọi người cho ý kiến, xong còn bình luận giao đãi qua lại, thời gian cứ thế kéo dài ra. Vậy mà các chị vẫn kiên nhẫn. Một sự kiên nhẫn đáng sợ.
Bằng cách nào đó, các hội nhóm phụ nữ trên mạng xã hội và những lời khuyên nhủ bàn tán của cộng đồng chị em đã làm các chị đánh mất đi sự nhạy cảm và tình yêu đầy bản năng của một người mẹ dành cho con mình. Các chị có thể đã tự trấn an rằng, việc đứa trẻ bé xíu còn tu ti kia đang khóc chưa có gì nguy cấp.
Trong những lúc đó, các chị thay vì đưa ngay con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám thì lại chụp ảnh và đăng đàn hỏi, chờ đợi miệt mài. Đứa trẻ nằm đó, đợi chờ… Chưa kể, sau khi có ý kiến khuyên nhủ hoặc hàng chục bài thuốc dân gian được những nickname mạng xã hội xa lạ nửa thật nửa ảo sẻ chia, các chị còn biến con mình thành "chuột bạch". Nhiều thành tựu của ngành y tế đã bị lòng tin mù quáng của những người mẹ xóa mờ đi như thế...
Lòng tin của người mẹ và những đứa trẻ "chuột bạch"
Không biết vì lý do gì, những hội nhóm và diễn đàn phụ nữ trên mạng xã hội lại lấy được lòng tin của những bà mẹ đến mức triệt để như thế. Ai bày gì cũng tin, ai cho ý kiến khuyên nhủ gì cũng gật gù tâm đắc, những bài thuốc dân gian hay các mẹo vặt có phần tâm linh huyền ảo các chị cũng làm theo răm rắp, áp dụng cho con mình.
Chỉ một sai sót nhỏ thôi hay trễ vài giờ thôi, tính mạng của con có thể đã bị đe dọa, những câu chuyện như thế đâu phải hiếm, cũng đâu phải là chưa xảy ra bao giờ. Phải không các chị?
Không phải tự nhiên người ta cần phải phát minh ra những máy móc để phục vụ cho ngành y tế, từ xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT)... cũng không phải tự nhiên mà ngành y tuyển đầu vào với mức điểm cao ngất ngưởng mà lại học 6 năm mới tốt nghiệp và cần thêm 3 năm đào tạo nữa mới có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa.
Cơ thể con người là một "kiệt tác", đến bác sĩ với sự trợ giúp của máy móc hiện đại kia đôi khi còn chẩn đoán lầm, vậy thì chẳng có lý do gì để các chị tin tuyệt đối vào những ý kiến góp ý, những bài thuốc truyền miệng dân gian (mà độ đúng sai còn đang phải bàn cãi) để tự tin áp dụng chúng lên chính con mình.
Mẹ nào mà chẳng yêu con, nhưng yêu con theo kiểu ấu trĩ thì chỉ có hại con mà thôi. Chả lẽ phải đợi hậu quả bày ra đó rồi, các chị mới giật mình ân hận hay sao? Đừng tự biến mình thành những người mẹ như thế, hãy tỉnh táo, thông minh và tách bạch rõ ràng giữa mạng xã hội ảo thời 4.0 và những cơ sở y tế có thật ngoài kia, cùng đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng trợ giúp con trẻ bất kỳ lúc nào.
Nếu em bé vượt bệnh, đó là điều quá tốt, nhưng nói dại, nhỡ có hậu quả xảy ra khi các chị làm theo những lời xui truyền qua mạng xã hội, ai sẽ là người đau lòng, ai sẽ gánh chịu hậu quả, là các chị và gia đình hay là những con người (mà các chị không thực sự biết là ai) đằng sau dăm bảy cái comment? Thời đại 4.0 mở ra cho các chị một bầu trời tri thức, một cơ hội rộng mở để giao lưu, nhưng nó cũng có thể mang về rất nhiều nguy hại, nếu các chị không tỉnh táo.