WHO cảnh báo không chủ quan với COVID-19 và hối thúc phân bổ vaccine công bằng

Hà Anh,
Chia sẻ

"Bây giờ không phải là lúc để mất cảnh giác, không thể để các ca nhiễm mới tăng trở lại" - Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 Maria Van Kerkhove nhấn mạnh trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 19/2.

WHO cảnh báo không chủ quan với COVID-19 và hối thúc phân bổ vaccine công bằng - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê, các ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo hàng ngày trong một tháng trên toàn thế giới đã giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 vào ngày 18/2. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 18/2, đã có 363.654 ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới tính trung bình trong vòng 7 ngày, con số này giảm từ 863.737 ca mới vào ngày 7/1. Ngoài ra, số người tử vong do COVID-19 đã giảm từ 17.649 người vào ngày 26/1, xuống còn 9.619 người.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế WHO tiếp tục cảnh báo không nên chủ quan với việc đối phó với đại dịch COVID-19 ngay cả khi vaccine ngừa đại dịch này đang được lưu hành trên toàn thế giới.

Chính phủ các nước đã tiến hành nhiều biện pháp phù hợp để ngăn chặn các đợt lây lan của dịch bệnh. Nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine. Hiện có 85 quốc gia và vung lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và đã tiêm ít nhất 187.892.000 liều. Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực Nam của Tây Ban Nha, hiện đang dẫn đầu thế giới và đã tiêm đủ liều vaccine cho 40% dân số của mình, với giả định mỗi người cần hai liều.

Bệnh cạnh lời kêu gọi không chủ quan dù số ca nhiễm mới COVID-19 đang giảm, WHO tiếp tục hối thúc các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 giữ cam kết về việc phân bổ vaccine công bằng trong bối cảnh các nước nghèo nhất thế giới đang đợi những liều thuốc đầu tiên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo của WHO theo hình thức trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chương trình COVAX - sáng kiến nhằm đảm bảo các nước nghèo có thể tiếp cận với vaccine- đã sẵn sàng khởi động. Khoảng 336 triệu liều vaccine của AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2/2021 thông qua sáng kiến COVAX. Đây là 2 loại vaccine duy nhất đã được WHO cấp phép sử dụng. Ông Ghebreyesus cho biết WHO đang đợi các nhà sản xuất vaccine thực hiện đúng cam kết của mình.

Người đứng đầu WHO cũng cho rằng các thỏa thuận mua bán vaccine đơn lẻ sẽ làm xói mòn nỗ lực phân phối vaccine công bằng trên thế giới. Theo ông Ghebreyesus, thay vì phân phối một cách đơn lẻ, các quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nên tài trợ vaccine cho các nước khác thông qua cơ chế COVAX, qua đó đảm bảo sự tiếp cận công bằng. Ông nhấn mạnh sáng kiến COVAX vẫn có thể đảm bảo yêu cầu của chính phủ các nước trong việc ưu tiên tài trợ vaccine cho những nước cụ thể dựa theo mối quan hệ của những nước đó.

Theo ông Adhanom Ghebreyesus, hồi đầu năm, ông đã kêu gọi đảm bảo việc chủng ngừa cho nhân viên y tế tại tất cả các nước trong vòng 100 ngày đầu tiên của năm nay. Ông nhấn mạnh ngày 19/2 đánh dấu nửa chặng đường đầu tiên và dù có tiến bộ song các nước trên thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu trên.

Cũng trong cuộc họp báo này, Thủ tướng Trinidad and Tobago Keith Rowley, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM), bày tỏ quan ngại về việc các nước nhỏ không có tiếng nói sẽ bị gạt ra ngoài chương trình tiêm chủng toàn cầu.

Dự kiến trong vài tuần tới, WHO sẽ công bố danh sách cuối cùng các nước nhận vaccine đợt đầu, những liều vaccine đầu tiên sẽ được chuyển đi vào cuối tháng 2 và vận chuyển theo lô vào tháng 3 tới. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2021, khoảng 145 nền kinh tế sẽ được nhận đủ vaccine để chủng ngừa cho 3,3% dân số.

(Theo Reuters)

Chia sẻ