Vụ nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19: Cách thức chia tỉ lệ % của Việt Á

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Nơi làm việc của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) chỉ khoảng 10m vuông nhưng mỗi ngày các nhân viên chế hàng chục nghìn kít để xuất cho các tỉnh thành.

Liên quan đến vụ án nâng khống giá kít test Covid-19 của Công ty Việt Á, bản tin truyền hình VTV đưa, ngay sau khi bị cơ quan điều tra Bộ Công an triệu tập, đối tượng Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á phụ trách vận hàng, kiêm phụ trách kinh doanh cùng với các nhân viên khác đã tỏ ra phối hợp và khai báo khá thành khẩn.

Vụ nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19: Cách thức chia tỉ lệ % của Việt Á  - Ảnh 1.

Giấy tờ liên quan đến vụ việc (Ảnh cắt từ clip VTV)

Tại cơ quan điều tra, Hiệp khai nhận, khách hàng của công ty hầu hết là các đơn vị y tế của cả nước tham gia phòng chống dịch là các CDC, các bệnh viện, hoặc các trung tâm y tế các tuyến quận, huyện.

Để đảm bảo không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua đó dưới hình thức mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, sinh phẩm… Và để việc thực hiện chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tác, Hiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và số tài khoản của bên nhận và tỷ lệ phần trăm cho bộ phận kế toán do Phan Tôn Noel Thảo phụ trách để chuyển tiền.

Cụ thể, Thảo khai nhận đã chi tiền % nhiều cho nhiều tỉnh thành, tùy theo lượng đặt, ít từ 500, nhiều đến trăm 1 tỷ đồng. Thảo nói, hàng được cung cấp cho hầu hết cả nước.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. 

Tất cả tài khoản cá nhân, hộ kinh doanh cá thể dùng để chuyển tiền đều liên kết với số điện thoại của vợ Phan Quốc Việt.

Vụ nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19: Cách thức chia tỉ lệ % của Việt Á  - Ảnh 2.

Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.

Bộ KH&CN đã thừa nhận "sai sót thông tin"

Trong một diễn biến liên quan, trang website của Bộ Khoa học và Công nghệ đã gỡ thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

"Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ", ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận.

Ngày 4/3/2020 theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Đề tài được nghiệm thu và thông qua. Do đó, bộ kit test này đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch.

Vụ nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19: Cách thức chia tỉ lệ % của Việt Á  - Ảnh 3.

Bộ kít của Công ty Việt Á

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế kit test COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Phan Quốc Việt - người sáng lập đồng thời là tổng giám đốc Công ty Việt Á - "ông lớn" trong ngành dược tại Việt Nam.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố các bị can: Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á…

Các bị can gồm: Phạm Duy Tuyến (sinh năm 1965, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương – CDC Hải Dương);

Hồ Thị Thanh Thảo (sinh năm 1984, Thủ quỹ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á – Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc).

Phan Quốc Việt (sinh năm 1980, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á).

Phan Tôn Noel Thảo (sinh năm 1990, Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á), Vũ Đình Hiệp (sinh năm 1986, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á).

Trần Thị Hồng (sinh năm 1995, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á).

Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1985, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trong vụ án này, thông tin ban đầu xác định, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật.


Chia sẻ