Vụ đổ sữa vào miệng ép trẻ mầm non uống: Giáo viên bị... khiển trách

Theo Báo Gia đình và Xã hội,
Chia sẻ

Gần đây, một đoạn clip dài khoảng 3 phút cho thấy, giáo viên của cơ sở mầm non Cầu Vồng (ở Hà Đông, Hà Nội) đã có hành vi thô bạo với trẻ em khi liên tiếp ép, đổ sữa vào miệng cháu bé khi cháu uống sữa chậm. Đây là một trong số nhiều vụ việc giáo viên mầm non có hành động thô bạo với trẻ trong thời gian qua.

Cô N.T.Tuyên đổ sữa vào mồm học sinh chỉ vì cháu uống chậm (ảnh cắt từ clip).
Cô N.T.Tuyên đổ sữa vào mồm học sinh chỉ vì cháu uống chậm (ảnh cắt từ clip).

Ép uống sữa bằng cách đổ vào mồm

Đầu tháng 11, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip dài 3 phút ghi lại cảnh giáo viên mầm non liên tiếp đổ sữa vào miệng một trẻ hơn 2 tuổi do cháu uống sữa chậm. Thậm chí, khi sữa còn dính trên miệng trẻ, cô giáo trong clip còn dùng khăn lau đầy thô bạo. Chưa dừng lại ở đó, đoạn clip còn “tố cáo” trong lúc trẻ ngủ, cô giáo còn thản nhiên bước qua mặt, dùng chân đá mạnh khi cháu bé nằm chưa đúng vị trí. Khi đoạn clip được đưa lên mạng xã hội đã bị các bậc phụ huynh lên án dữ dội.

Theo lời kể của phụ huynh có con bị đối xử thô bạo trong clip: Do con ăn chậm, uống chậm nên giáo viên đút liên tiếp sữa vào mồm, vật ngửa đầu để đổ sữa vào mồm trong sự sợ hãi của con. Cô giáo còn dùng chân đá vào các cháu trong lúc nằm ngủ sai chỗ… Hành động này khiến gia đình cảm thấy xót xa trước việc con bị ngược đãi, đồng thời phẫn nộ trước hành động của giáo viên.

Sự việc được xác minh là xảy ra tại Cơ sở Mầm non tư nhân Cầu Vồng (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Hiện tại các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh, làm rõ. Bà Cẩm Nhung, Chủ cơ sở mầm non Cầu Vồng cho biết, đây là một việc đáng tiếc. Lỗi của giáo viên là có thái độ chưa hợp lý với các cháu, chủ cơ sở cũng có trách nhiệm khi quản lý chưa chặt chẽ. “Cơ sở đã làm báo cáo với Phòng Giáo dục quận Hà Đông và các cơ quan ban, ngành. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đến gia đình xin lỗi và đình chỉ công tác giáo viên vi phạm”, bà Nhung cho hay.

Đại diện UBND phường Dương Nội cho biết: “Sự việc xảy ra buổi trưa ngày 31/10, ngày hôm đó do nhiều trẻ nghỉ học nên trường gộp 2 lớp làm một, lớp lớn uống sữa nhanh hơn, còn lớp nhỏ uống sữa chậm hơn. Do đó, giáo viên N.T.T đã có hành động như trong clip. Chúng tôi đã yêu cầu Cơ sở mầm non Cầu Vồng cho thôi việc và các cơ sở mầm non khác trong phường không nhận giáo viên này vào làm việc. Cơ sở mầm non Cầu Vồng đã bị tạm đình chỉ từ ngày 1/11, cho đến khi cơ quan chức năng xác minh, kết luận sự việc và cho phép hoạt động trở lại”.

Còn theo đại diện Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, đối với cô giáo đã có hành vi chăm sóc bé phản sư phạm, Phòng quyết định mức kỷ luật khiển trách trước toàn ngành.

Bạo hành mầm non, vì đâu?

Trên đây chỉ là vụ việc mới nhất trong số hàng loạt loạt vụ việc trẻ mầm non bị bị đối xử thô bạo bởi chính giáo viên mầm non. Hiện nay, có thực trạng cha mẹ cho con đi học, đều lo lắng, chỉ khi đón con về nhà tươi tỉnh, lành lặn mới thực sự yên tâm. Ngay cả việc chọn trường, lớp cho con, dù kỹ tính, dù chọn các lớp học ít học sinh, có gắn camera… Thế nhưng, những sự việc diễn ra ở nhiều trường học cho thấy camera cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu, vì nhiều vụ việc giáo viên kéo học sinh ra góc khuất, hoặc thản nhiên đánh, đối xử thô bạo trước ống kính camera mà vụ việc Cơ sở mầm non Cầu Vồng nói trên là một ví dụ.

Chỉ ra một thực tế bất cập trong giáo dục mầm non những năm trở lại đây, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí - Khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng, chất lượng giáo dục mầm non hiện nay dù được quan tâm, đầu tư hơn trước song vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập. Cái trước tiên là quỹ đất cho trường mầm non hạn hẹp, cơ sở xuống cấp, chật hẹp. Thiếu trường lớp cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh vì thu nhập thấp mà chấp nhận gửi con ở cơ sở chưa đủ điều kiện.

“Giáo viên ngược đãi, xúc phạm tới trẻ em, đặc biệt là có hành vi bạo hành là đáng phải lên án. Những vụ bạo hành đối với trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, cho thấy chúng ta cần phải xem xét lại nơi đào tạo ra những giáo viên, bảo mẫu như thế. Cần phải quyết liệt, triệt để với những người chưa có chứng chỉ hành nghề, những người vi phạm. Theo tôi, càng bậc học dưới thì trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo càng phải cao và đạt chuẩn về chuyên môn, đạo đức. Bên cạnh việc tăng đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo phải có sự giám sát chặt chẽ của cả xã hội”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, giải thể nhà trường, nhóm mầm non, nhà trẻ tư thục trong các trường hợp: Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; Bên cạnh đó, giáo viên nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Chia sẻ