Vụ bé gái 8 tuổi nghi bị xâm hại ở Hà Nội: Cơ quan điều tra gia hạn thêm 2 tháng để xác minh
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã có văn bản gửi gia đình thông báo gia hạn thời gian để xác minh nghi vấn cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai vừa có thông báo kết quả giải quyết tố giác tội phạm của chị Nguyễn Thị L. (SN 1972, trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo hàng xóm tên Cao Mạnh H. (SN 1983, quê Thái Bình; tạm trú tại quận Hoàng Mai) xâm hại cháu N. (SN 2008, con gái chị L.).
Thông báo của cơ quan điều tra gửi gia đình chị L.
Thông báo của Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàng Mai nêu, do thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã hết, Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàng Mai chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác về tội phạm của chị L.. Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàng Mai đã gửi văn bản tới Viện KSND quận Hoàng Mai thống nhất tiếp tục xác minh đối với tố giác của chị L., thời hạn xác minh tiếp theo là 2 tháng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:
Luật sư Trương Quốc Hòe
Theo như thông tin tôi được biết thì H. có hành vi dùng sức mạng ép cháu N. vào ngõ, tác động vào vùng kín của cháu N. khiến cháu bị đau ở vùng kín. Khi H. thực hiện hành vi này, các bạn của cháu N. có phát hiện ra và đánh, hắt nước vào người của H thì H. mới bỏ đi chỗ khác, nhận thấy hành vi có dấu hiệu của tội Dâm ô đối với trẻ em được quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, để xác định xem ông H. có phạm tội hay không, cần phải làm rõ về hành vi của H. đối với cháu N. Theo báo chí đưa tin cũng như theo đơn tố cáo của chị L, lời của các bạn chơi cùng và chứng kiến sự việc của cháu N hôm đó thì H đã có hành vi sờ vào bộ phận sinh dục của cháu N.
Ngoài ra, theo như tôi được biết thì H. có cùng vợ mình sang nhà chị L. xin lỗi, có thừa nhận mình có sờ vào bộ phận sinh dục của cháu và bồi thường 5 triệu đồng để bố mẹ cháu đưa cháu đi khám nhưng gia đình chị L. đã không nhận (Nội dung này chị L có ghi âm lại được).
Đơn tố giác tội phạm của gia đình bị hại
Lời khai của các cháu chơi cùng với cháu N. vào hôm đó, nội dung ghi âm mà gia đình cung cấp là những chứng cứ để góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án. Bên cạnh đó, phía gia đình cũng đã cho cháu Y.N đi khám, theo đó thì kết quả khám cũng sẽ là một trong những căn cứ để có thể xác định tội phạm một cách chính xác.
Như vậy, để xác định chính xác hành vi của H. có phạm tội hay không thì nhất thiết phải thu thập thêm các lời khai, củng cố chứng cứ chứ không phải chỉ căn cứ vào đơn hay lời khai của cháu N. Sau khi điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan và có đủ căn cứ cho thấy H thực sự có hành vi "sàm sỡ" đối với cháu N thì H có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội "Dâm ô đối với trẻ em" theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.
Về việc vụ việc đã được thụ lý vụ tới nay đã 2 tháng. Thế nhưng vẫn chưa có quyết định khởi tố vụ án mà lại tiến hành gia hạn thêm 2 tháng nữa. Luật sư Trương Quốc Hòe cho hay: "Vụ án hình sự chỉ có thể được khởi tố khi có căn cứ theo luật định. Theo quy định tại Điều 100 Bộ luật TTHS thì căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú."
Như vậy, điều luật quy định khả năng duy nhất cho phép khởi tố vụ án chính là khi xác định có dấu hiệu của tội phạm. Dấu hiệu tội phạm chính là những tài liệu ban đầu về sự kiện phạm tội nói chung, chưa phải tài liệu về người phạm tội cụ thể nào và thực tế cho thấy có những trường hợp lúc đầu mới chỉ biết những thông tin về sự kiện nhưng khi kiểm tra thì sự kiện đó không đủ dấu hiệu tội phạm.
Khi nhận được tin báo tội phạm thì cơ quan điều tra cần làm rõ các căn cứ, tình tiết khách quan của vụ án và xem xét có khởi tố vụ án hay không. Theo quy định tại Điều 103 BLTTHS thì:
"Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng".
Điều 116. Tội dâm ô đối với trẻ em
1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ thế nào là dâm ô với trẻ em. Tuy nhiên, xét theo góc độ pháp lý thì dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Các dấu hiệu pháp lý của tội này được thể hiện:
Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và nhất thiết phải là người đã thành niên, tức là người đã từ đủ 18 tuổi trở lên.
Đối với người bị hại: là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc nam nhưng chủ yếu là trẻ em nữ. Nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô, nhưng cũng có thể đồng tình với người phạm tội để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô, hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Tuy nhiên, dù người bị hại đồng ý hay không đồng ý thì người thực hiện hành vi dâm ô vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.
Xét về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp.