Vụ 31 trẻ mầm non nghi ngộ độc: Lo sợ thực phẩm không đảm bảo phụ huynh đón con về ăn trưa
Sáng 15/9, chúng tôi đã có mặt tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội để ghi nhận sau sự việc 31 trẻ có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm tại trường mầm non Lại Yên.
Nhiều cháu vẫn chưa đi học
Trao đổi với PV tại một gia đình gần cổng nhà trường, người đàn ông tên Hùng (ở khu 5, xã Lại Yên) cho biết, gia đình ông có 5 cháu nội, ngoại đang gửi tại đây và chính cháu ông cũng là nạn nhân vụ nghi ngộ độc tại trường này. "Cháu tôi bị đau bụng, sốt và đi ngoài 2 ngày liền. Tôi cho cháu ra trạm y tế xã sau đó chăm sóc ở nhà chứ không cho đi viện. Đến hôm nay tôi vẫn phải ở nhà trông cháu chứ chưa dám gửi đến trường".
Trong vụ nghi ngộ độc, gia đình ông Hùng có đến 5 cháu nội, ngoại đang học tại trường.
Theo ông Hùng, do là lần đầu tiên gặp phải tình huống này nên gia đình ông rất hoang mang. "Tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, làm rõ xử đúng người, đúng tội để các cháu yên tâm quay lại trường và tôi cũng đề nghị trường phải mở một hội nghị đối thoại với các phụ huynh", ông Hùng nói.
Phụ huynh cho con em về gia đình ăn trưa tại nhà.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại trường mầm non Lại Yên vào trưa nay, đa số các bậc phụ huynh đều đến đón con về cho ăn trưa, do chưa hết hoang mang, lo lắng sau khi hàng loạt các cháu bị nghi ngộ độc thực phẩm.
"Hiện tôi vẫn đang đợi kết luận nguyên nhân sự việc, còn sức khỏe con tôi đã khá hơn, dự kiến chiều nay tôi sẽ cho con về nhà. Có lẽ sau sự việc này tôi sẽ đón con hàng ngày về ăn với gia đình chứ không dám cho con ăn ở trường nữa", chị Lan (một trong số phụ huynh có con đang điều trị tại khoa Nhi – BV Hoài Đức) cho hay.
Phụ huynh nghi ngờ nguồn gốc thực phẩm.
Còn anh Chiến (có con 3 tuổi đang học tại trường) chia sẻ: "Thực phẩm nấu cho các cháu được một công ty tận Long Biên cung cấp, chúng tôi đã có phản ứng về việc này vì khó kiểm soát, nhưng nhà trường vẫn ký hợp đồng với công ty này".
Theo thông tin từ một số phụ huynh mà chúng tôi khảo sát, trước đây các cô giáo ở trường thường đi mua thực phẩm về nấu ăn cho các cháu và chưa từng có sự việc nào tương tự xảy ra.
Tạm thời cho các cháu ăn ở nhà
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hiền – Hiệu trường trường mầm non Lại Yên (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, việc có 31 trẻ có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm ở trường là có thực.
Tuy nhiên, bà Hiền khẳng định, các trẻ mắc rải rác trong vòng 3 ngày chứ không bị ồ ạt 1 lúc. Về công ty cung cấp thực phẩm bà Hiền nói: "Trường mới ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty này từ đầu tháng 9. Đây cũng là công ty cung cấp thực phẩm cho 5 trường mầm non trên địa bàn huyện Hoài Đức, nhưng chỉ có trường Lại Yên là xuất hiện các cháu nghi ngộ độc. Hiện chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng làm rõ sự việc".
Nhà trường cũng tạm thời cho học sinh ăn trưa tại nhà.
Về các món ăn dành cho học sinh bà Hiền cho biết, bữa trưa ngày 11/9 các cháu ăn các món: đậu phụ, thịt lợn viên mọc xốt cà chua, canh rau ngót nấu cua, sữa chua Ba Vì.
Thực đơn bữa chiều ngày 11/9 gồm: cháo (thịt gà, thịt lợn, hạt sen, rau xanh), thực phẩm bổ sung Nutifood. "Tất cả các mẫu thức ăn chúng tôi đều lưu lại mẫu sau 24 giờ mới hủy. Tuy nhiên, do trẻ bị rải rác nên thời điểm đoàn kiểm tra đến chúng tôi đã hủy những mẫu thức ăn này", bà Hiền nói.
Hiệu trưởng cho biết thêm, ngoài việc đợi kết luận cuối cùng, nhà trường đã thông báo cho các phụ huynh đến đón trẻ về ăn trưa tại nhà, bếp ăn tạm thời ngừng hoạt động. Tuy nhiên, gia đình nào muốn gửi trẻ trưa, nhà trường vẫn tiếp nhận và đảm bảo sinh hoạt của các cháu tại trường.
Nhiều trẻ đã đi học bình thường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Tụ (Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội) cho biết, theo kết quả điều tra của Chi cục VSATTP Hà Nội, bếp ăn tập thể trường mầm non Lại Yên có tổng số suất ăn 580 suất. Tuy nhiên, mẫu thức ăn ngày 11/9 – ngày xảy ra vụ 31 trẻ nghi ngộ độc thực phẩm, nhà trường đã không còn lưu lại.
Kiểm tra điều kiện VSATTP thực tế tại khu bếp cho thấy, bếp theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, có đầy đủ dụng cụ chế biến riêng đối với thực phẩm tươi sống, đã qua chế biến. Tuy nhiên, kho bếp không có giá kệ kê cao thực phẩm.
Trước đó, ngày 12/9, có 2 phụ huynh thông báo với nhà trường có 2 cháu học sinh có triệu chứng đi ngoài (4-5 lần/ngày), sốt sau khi khám tại trạm y tế và được gia đình điều trị tại nhà.
Ngày 14/9, Chi cục VSATTP điều tra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức và bệnh viện Nhi Trung ương, xác định: Vào lúc 15h ngày 11/9 có 2 bệnh nhân sốt, đi ngoài (1-2 lần) được điều trị tại khoa Nhi bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức.
Trong các ngày 12 và 13/9 có 5 bệnh nhân khám tại 2 bệnh viện trên được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bệnh viện kê đơn điều trị tại nhà. Kết luận sơ bộ của Chi cục VSATTP cho rằng, có 9 trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ (nghi do ngộ độc thức ăn) trong đó 4 bệnh nhân đi viện và 5 bệnh nhân điều trị tại nhà.
Được biết, hiện tại 7 cháu đã ổn định ( ăn uống tốt, không sốt, không nôn, không đi ngoài phân lỏng) và được nuôi dưỡng tại nhà, 2 cháu điều trị ở bệnh viện dự kiến chiều 14/9/2017 ra viện.