Vợ một mình chạy thận trong khu cách ly để chồng tập trung chống dịch: "Ông ấy cực hơn tôi nhiều lắm"
“Chồng tôi lo chống dịch, đi đêm đi hôm suốt, có ca dương tính là phải truy vết, nhiều khi còn không kịp ăn cơm. Ông ấy cực hơn tôi nhiều lắm” – nữ bệnh nhân có 16 năm chạy thận nhân tạo tâm sự.
Những ngày này tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn căng thẳng. Nhiều ca nhiễm COVID-19 được phát hiện cũng đồng nghĩa với việc các khu vực bị phong tỏa, cách ly không ngừng tăng lên.
Chồng đi chống dịch, vợ mặc đồ bảo hộ chạy thận
Đối với người khỏe mạnh, việc phong tỏa mang lại bất tiện về công việc, sinh hoạt hằng ngày thì với người bệnh thận mãn tính, nỗi lo càng thêm chất chồng khi điều kiện sức khỏe không cho phép họ trì hoãn việc điều trị.
Bác sĩ Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân cũng như đòi hỏi phải có một nơi điều trị đảm bảo không có sự lây lan dịch bệnh mà BV triển khai khu chạy thận cho người đang cách ly.
Theo bác sĩ Đức, điều cần thiết nhất là làm sao cho bệnh nhân vừa được chạy thận, vừa đảm bảo được sức khỏe, an toàn cho cộng đồng. Đặc biệt là trong tình hình một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM vì dịch COVID-19 không chạy thận được nữa.
Trong ngày khu chạy thận nhân tạo "đặc biệt" chính thức đi vào hoạt động, nhiều bệnh nhân đã có những cảm xúc rất riêng.
Cô Tuyết Mai (54 tuổi) được xe cấp cứu vận chuyển từ quận Bình Tân (TP.HCM) đến, cho biết đây là năm thứ 16 phải bám chặt với chuỗi ngày lọc máu, đâm kim vào tay chạy thận.
Trước đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra, đều đặn mỗi tuần 3 lần cô vào BV Chợ Rẫy điều trị.
Nhưng nay phần vì khu vực chạy thận của BV Chợ Rẫy đang sửa chữa và phần vì nhà cô nằm trong khu vực bị phong tỏa vì có ca nhiễm COVID-19 mà con đường đi trị bệnh bỗng dưng bị chặn đứng.
"Mấy ngày trước tôi cũng hơi lo, bị phong tỏa rồi làm sao chạy thận. Nếu không đúng ngày thì sức khỏe mình thế nào. Nhưng rồi tôi nghĩ các bác sĩ và địa phương sẽ tìm cách giúp mình.
Đến thứ 6 tuần trước, tôi được đưa đến khu cách ly chạy thận lần đầu. Bên này rộng hơn và thấy cơ sở vật chất cũng tốt hơn. Vậy là tôi an tâm vì mạng mình đã được cứu" – người phụ nữ nói.
Chúng tôi hỏi cô Mai đi chạy thận có ai trong gia đình theo không. Nữ bệnh nhân lắc đầu, nói con lớn đã ra ở riêng, con nhỏ phải lo việc nhà. Còn chồng cô thì đang căng mình chống dịch.
"Chồng tôi là trưởng một trạm y tế phường ở Bình Tân, những ngày này không ở nhà.
Lo chống dịch đi đêm đi hôm suốt, có ca dương tính là phải truy vết, nhiều khi còn không kịp ăn cơm. Ông ấy cực hơn tôi nhiều lắm" – cô Mai nói và cho rằng mình còn may mắn, phải lạc quan để ông xã yên tâm làm nhiệm vụ.
Với tay lấy chiếc điện thoại, nữ bệnh nhân cho biết đã quen việc đi chạy thận một mình, khi buồn sẽ gọi điện cho người thân trò chuyện. Bây giờ đang dịch bệnh, cô mong chồng và mọi nhân viên y tế khác đều giữ được sức khỏe và an toàn.
Cứu cánh cho bệnh nhân giữa mùa dịch
Nằm đối diện cô Mai là anh L.V.H. (35 tuổi), chỉ mới chạy thận nhân tạo khoảng 1 năm nay, đang được bác sĩ hỏi thăm tình hình sức khỏe.
Đây có lẽ là lần đầu tiên anh phải chạy thận khi người phải mặc đồ bảo hộ kín vì đang thuộc diện phải cách ly.
"Mấy ngày trước khi chung cư bị phong tỏa vì có ca F0, tôi bị chuyển vào khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm và không được chạy thận ở BV Thủ Đức nữa mà phải vào phòng áp lực âm của BV Lê Văn Thịnh, rồi mới chuyển vào đây.
Tôi mới chỉ chạy chậm có vài tiếng thôi đã ho nhiều, cao huyết áp, có dấu hiệu nhiễm trùng máu rồi. Nếu không có khu chạy thận cho người phải cách ly, tôi nghĩ các bệnh nhân như tôi sẽ rất vất vả. Việc chạy thận không thể dừng được" – anh H. chia sẻ.
Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo của BV cho biết thêm, khi dịch bùng phát ở TP.HCM, số lượng người thuộc diện F2 hay phải cách ly tại nhà cần chạy thận tăng lên rất nhiều.
Họ rất khó khăn trong việc tìm nơi chạy thận định kỳ (thường là 3 lần/tuần). Nếu bệnh nhân không được lọc máu đúng thời gian, sức khỏe họ giảm sút rất nhanh chóng.
Tại khu chạy thận nhân tạo dành cho người cách ly của BV Lê Văn Thịnh, từ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm tra nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ.
Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều phải được trang bị đồ bảo hộ. Sau mỗi ca chạy thận, công tác khử khuẩn được tiến hành theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
"Thời gian đầu, việc trung chuyển người bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn vì xe cấp cứu, xe công vụ thành phố đều tập trung cho công tác chống dịch.
Sau này, chúng tôi đã tìm được những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng, giúp vận chuyển bệnh nhân đi và đến khu chạy thận" – bác sĩ Thanh nói.
Với các ca F0 và F1, nếu cơ sở điều trị, cách ly không có sẵn thiết bị thì khi có nhu cầu chạy thận bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng áp lực âm của BV.
Được trang bị 10 máy lọc thận, mỗi ngày khu điều trị chạy thận nhân tạo cho người đang cách ly của BV Lê Văn Thịnh có thể tiếp nhận 40 bệnh nhân.