Nhân viên y tế ở TP.HCM làm tài xế "bất đắc dĩ" chở F1 đi cách ly: "Chỉ mong được ngủ một giấc thiệt đã"
“Chạy ngày chạy đêm nên mệt lắm, chỉ mong được ngủ một giấc thiệt đã nhưng vì nhiệm vụ hoàn cảnh hiện tại phải ráng thôi...” - nhân viên y tế kiêm tài xế "bất đắc dĩ" tại Trung tâm Y tế Quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) chia sẻ.
Chiều muộn, tại một con hẻm tạm thời bị phong tỏa vì COVID-19 ở phường Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức), bóng dáng một tài xế mặc đồ bảo hộ kín bưng ngồi trên chiếc xe cấp cứu xuất hiện.
Từ nhân viên y tế chống dịch thành tài xế chở F1
Đó là anh Trần Khánh Hậu (SN 1987, quê Long An), người đang chờ để chở các trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính SARS-CoV-2 đi cách ly tập trung.
Đáng nói, người đang thực hiện nhiệm vụ lái xe trên có công việc chính là nhân viên y tế chuyên trách phòng chống dịch, công tác tại khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế Quận 9 cũ (nay là Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, khu vực 2).
Những ngày gần đây khi tình hình dịch bùng phát căng thẳng ở TP.HCM, anh Khánh Hậu tự nguyện làm tài xế và phải tự làm tất cả mọi chuyện, từ vận chuyển đến công tác khử khuẩn, lấy thông tin, truy vết ca bệnh...
Những ngày qua, TP.HCM ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Cũng vì vậy, trường hợp tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm cần đưa đi cách ly tập trung ngày càng tăng thêm.
"Trước khi có dịch, Trung tâm Y tế quận 9 cũ chỉ có một chiếc xe bán tải, mọi hoạt động cấp cứu phải nhờ Bệnh viện (BV) quận 9 cũ (nay là BV Lê Văn Việt). Sau đó, BV Trưng Vương có cho Trung tâm mượn một chiếc xe cấp cứu nhưng lại không có tài xế.
Đợi anh em tài xế ở BV qua hỗ trợ thì rất lâu vì họ cũng có nhiệm vụ riêng, mà công tác chống dịch cần phải gấp rút" - anh Khánh Hậu nói về lý do xung phong làm "người đưa rước F1".
Thấy anh em làm không kịp việc và vì biết lái, có bằng lái xe, anh Khánh Hậu quyết định làm tài xế "bất đắc dĩ" luôn trong suốt 1 tuần nay.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm theo nghề y, nam nhân viên y tế lái xe cấp cứu.
"Chỉ mong được ngủ một giấc thiệt đã"
Cả tuần nay xe cấp cứu gần như luôn nóng máy. Mỗi ngày Khánh Hậu chạy gần hết một bình dầu, rảo khắp 13 phường thuộc địa bàn quận 9 cũ, vì nơi nào cũng có F1 cần được đưa đi cách ly tập trung.
Trung bình mỗi ngày tại mỗi phường, anh Khánh Hậu phải chở từ 2-5 chuyến.
Mấy ngày trước, anh phải hộ tống 140 người ở công ty may Phong Phú (quận 9 cũ) đi cách ly trong đêm, một lượng người khổng lồ.
Đến nay chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh Hậu đã chở hơn 400 F1 đi cách ly tập trung tại các khu vực mà anh phụ trách.
"Chạy ngày chạy đêm nên mệt lắm, chỉ mong được ngủ một giấc thiệt đã nhưng vì nhiệm vụ hoàn cảnh hiện tại phải ráng thôi, phải đảm bảo chở người tra đi cách ly kịp" - anh Khánh Hậu chia sẻ.
Kể về kỷ niệm sau khi chỉ mới 1 tuần làm "tài xế F1", Khánh Hậu cho biết có những trường hợp không chịu hợp tác đi cách ly tập trung, phải giải thích nhiều lần.
Có người đến giờ chót lại đổi ý không chịu đi cách ly, phải nhờ đến lực lượng chức năng ở địa phương can thiệp.
Những lúc đó, sự mệt mỏi dường như càng tăng lên.
Nói đi cũng phải nói lại, có những người dù phải cách ly trong tình thế bất ngờ, chịu tạm sự kham khổ nhưng luôn cảm thông và đồng hành cùng các y bác sĩ chống dịch.
Như các trường hợp F1 phải vào khu cách ly thuộc phường Long Thạnh Mỹ nhưng chẳng may lại hết phòng. Liên hệ khu cách ly khác cũng trong tình huống tương tự.
12 người trên xe lúc đó phải ngủ tạm dưới đất để chờ TP kích hoạt khu cách ly tại Đại học văn hoá TP.HCM. Họ vẫn chấp nhận chứ không kêu ca phàn nàn..." - anh Hậu thông tin với HCDC và coi như đó là động lực để tiếp tục công việc.
Anh Khánh Hậu cho biết khu vực quận 9 cũ (giờ là TP Thủ Đức) đang thực hiện truy vết chống dịch cực tốt. Do đó anh tin tưởng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát.
Sáng 7/6, nam nhân viên y tế lái xe lên HCDC để lấy hóa chất về khử khuẩn, chuẩn bị các công tác để thiết lập Khu cách ly mới tại trường Cao đẳng Công thương TP.HCM.
"Chắc là em sẽ được giao đảm nhận luôn nơi này, thành ra một mình kiêm xử lý luôn 3 khu cách ly.
Nhiều lúc chạy xe cha mẹ dưới quê gọi lên hỏi thăm liên tục nhưng công việc không có thời gian để nghe. Cũng nhớ cha mẹ lắm chứ, lâu rồi không về nhưng đang chống dịch mà" - anh Khánh Hậu tâm sự.
Tiếng còi hú của xe cấp cứu lại vang lên, báo hiệu một ngày mệt mỏi khi "tài xế bất đắc dĩ" lại chuẩn bị một khu vực nguy cơ khác đưa hàng chục F1 rời đi.
Trong nguy hiểm và mệt nhọc, bánh xe của nam nhân viên y tế Khánh Hậu không ngừng lăn, như chở theo hi vọng về một ngày con đường chiến thắng dịch bệnh sẽ ở ngay trước mặt.