Trăm điều rối ren
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ ra khỏi nhà thì không sao nhưng vừa bước chân vào cửa là Thái “kinh hồn bạt vía” vì hai người phụ nữ của lòng anh: vợ và mẹ lập tức người thì túm tay này, người lại lôi tay kia, người hét, kẻ gào thảm khốc để kể tội lẫn nhau. Đành rằng vì những điều lớn lao to tát, đằng này mẹ và vợ anh suốt ngày tranh cãi, nạt nộ, rồi hậm hực nhau chỉ toàn vì những sự việc nhỏ như cái… mắt muỗi.
Mẹ Thái bản tính vốn “một miếng ăn, chín miếng để dành” trong khi đó vợ Thái thì xông xênh phòng khoáng. Nhà có điều kiện nên việc vợ Thái thường xuyên “vung tay quá trán” khiến mẹ chồng cứ thon thót xót xa. Cảnh tỉnh con dâu mãi không đuợc bà đâm ra cấm đoán và không tiếc lời chê trách. Bởi vậy giữa mẹ chồng và nàng dâu lúc nào cũng trong tâm thế “sẵn sàng lên dây cót” để xông vào trận chiến ai đúng ai sai. Rồi cứ thế hầm hè, hậm hực nhau cả ngày, chỉ đợi Thái về là túm ngay lấy để bắt phân xử. Chán ngán với việc ngày nào cũng phải đứng ra nghe “kể tội” rồi chọn mẹ hay vợ, Thái sợ phải về nhà, sợ phải giáp mặt với hai người phụ nữ thương yêu vì anh biết kẻ đứng giữa như mình dù có phân bua, xử trí thế nào cũng không thể làm hài lòng họ.
Không “đáp trả” công khai và quyết liệt như vợ Thái, Hương lại có những chiêu trò để “tra tấn” lại mẹ chồng khiến bà cứ tê tái, ngậm ngùi đến lúc không chịu được thì lu loa khóc lóc, than thân trách phận “sinh ra thằng con để nó không biết dạy vợ, suốt ngày chỉ chăm chăm ‘chơi xỏ’ mẹ chồng”, khiến cho Vinh – chồng Hương lúc nào cũng trở thành “quan tòa” bất đắc dĩ. Lúc thì phân xử việc: “Vợ anh lợi dụng hàng xóm đến chơi để bóng gió chuyện tôi ở bẩn. Tôi ở bẩn đấy thế nên mới có thằng chồng là anh cho chị ấy lấy…” rồi “Ai đời con dâu cãi mẹ chồng nhem nhẻm, bảo nấu canh nhạt đi một tí thì cho nguyên thìa gia vị to tướng vào. Chắc mong tôi chết sớm đi cho nhẹ nợ chứ gì…!”. Cho đến khi cao trào, không ai chịu nhường ai Hương thì ôm con về nhà mẹ đẻ, còn mẹ anh nhất quyết không thể sống chung nhà với “đứa con dâu bất trị” thì Hưng chỉ còn nước ngồi phịch giữa nhà ôm đầu bất lực.
Lúng túng giảng hòa đến mệt mỏi, khổ sở
Chuyện mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn ngày nay không phải là chuyện hiếm ở các gia đình. Những “cuộc chiến” giữa hai người phụ nữ trong gia đình dù là âm ỉ hay bùng nổ cũng đều khiến cho người đàn ông mắc kẹt ở giữa từ lúng túng không biết xử lí ra sao cho vừa lòng cả đôi bên đến phải khốn đốn mệt mỏi khi không thể dung hòa nổi. Trong gia đình, lúc nào cũng có hai người luôn hậm hực, thể hiện thái độ khó chịu về nhau khiến cho không khí gia đình luôn ở trong tình trạng căng thẳng.
Những ông chồng lúc này không chỉ là người đứng ở giữa hai người phụ nữ mà họ thương yêu mà cái họ gặp phải còn là điều tiếng từ bên ngoài. Nếu không khéo léo xóa tan được mối bất hòa giữa vợ và mẹ mình, chắc chắn họ không bị mang tiếng là người con bất hiếu thì cũng nổi danh bởi anh chồng bạc nhược, chăm chăm phục tùng mệnh lệnh của vợ hoặc bất tài vì “không dám dứt váy mẹ bảo vệ vợ con”…
Chuyện sẽ không có gì to tát nếu mẹ chồng và nàng dâu mỗi người nhường nhịn nhau một chút, và như vậy họ không khiến người con, người chồng trong gia đình rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, làm cũng không ổn mà không làm cũng không xong. Dẫn đến tình trạng họ bất mãn, khổ sở, không muốn trở về nhà để khỏi phải chứng kiến cảnh mẹ chồng con dâu “xâu xé”.
Theo các chuyên gia tâm lí: Để dung hòa được mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, người vợ ngoài việc nhờ đến sự trợ giúp của chồng mình cũng cần biết tiết chế và tạo cho mình những giới hạn nhất định trong mối quan hệ với mẹ chồng. Hơn thế đừng nên buộc chồng phải lựa chọn giữa vợ và mẹ. Hãy cố gắng thủ thì với chồng để chồng có thể “bí mật” góp ý với mẹ chồng, có thể lúc đó mẹ chồng sẽ giận nhưng rồi bà sẽ bỏ qua vì lúc đó bà có thời gian để ngẫm nghĩ toàn bộ sự việc. Còn nếu như con dâu đùng đùng đòi phân thằng bại trước mặt mẹ chồng và luôn gây hiềm khích làm phật lòng mẹ chồng thì mâu thuẫn nhiều khi khó mà hóa giải nổi.
Một trong những điều đáng lo sợ nhất sau khi lấy chồng của người phụ nữ là việc bất đồng quan điểm, thậm chí đối đầu với gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Hầu hết các chị em đều có thể phàn nàn, cáu gắt hay giận dữ với mẹ đẻ khi mẹ khiến mình phải khó xử. Nhưng họ lại không thể làm vậy với mẹ chồng bởi đơn giản, bà không phải mẹ đẻ, họ không lớn lên cùng bà và không quên, không biết cách bà phản ứng trước những bất đồng.
Cho nên để sớm giải quyết triệt để những xung đột và mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu và để đảm bảo cuộc sống hôn nhân cũng như các mối quan hệ của mình. Trước tiên, hãy xác định khi nào mình nên hành động. Con dâu cũng không nên quá xét nét bắt bẻ mẹ chồng. Suy cho cùng, mẹ chồng là người đã sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục chồng nên người, tất cả những gì bà làm đều theo kinh nghiệm và bản tính vốn có của bản thân. Vì vậy, đã là dâu con trong nhà dù không có được tình cảm như máu mủ sinh ra thì cũng hãy đặt mình vào địa vị của mẹ chồng và chịu thiệt một chút để lúc nào nhà cũng yên ấm!