Vợ đảm Đồng Nai chia sẻ loạt mâm cơm 50-100k hấp dẫn, tiết lộ bí quyết đi chợ và bảo quản thực phẩm tươi ngon ngày dịch
Nơi chị Xuân Liên sinh sống đang bị phong tỏa vô thời hạn vì dịch Covid-19. Chính vì vậy việc mua và bảo quản thực phẩm tươi ngon là vấn đề mà chị luôn chú trọng.
Sống trong tâm dịch, chị Hồ Thị Xuân Liên (30 tuổi, hiện đang là giáo viên tại Đồng Nai) luôn luôn chủ động nâng cao sức khỏe cho cả gia đình bằng những bữa ăn thơm ngon, nóng hổi và giàu chất dinh dưỡng. Mới đây, chia sẻ loạt mâm cơm trong những ngày giãn cách lên mạng xã hội, chị Liên nhận được nhiều lượt trầm trồ của dân mạng.
Những mâm cơm trị giá 50.000-100.000 đồng của chị Xuân Liên.
Chị Xuân Liên chia sẻ: "Chỗ mình thực hiện giãn cách theo chỉ thị số 16 đã hơn 1 tháng rồi. Lại thêm bị phong tỏa do có ca dương tính nên việc mua thực phẩm khá khó khăn. Bữa cơm vì thế có sự trùng hợp món. Nhưng mình vẫn cố gắng nấu ăn ngon nhất có thể, sau đó bày biện ra tô đĩa tươm tất".
Được biết những mâm cơm này, chị Liên thường nấu cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Mỗi bữa chị vào bếp rất "thần tốc", chỉ từ 30-45 phút. Mâm cơm của chị được nấu theo... cảm hứng chứ không hề lên thực đơn theo tuần. Mỗi lần mở tủ lạnh lấy nguyên liệu, chị đã vạch sẵn trong đầu những món ăn cần nấu trong 1 bữa. Thường thì chị dựa vào sở thích và khẩu vị của chồng con để lựa chọn món ăn.
Tuy chỉ nấu theo cảm hứng, nhưng mâm cơm nào của chị Liên cũng rất hấp dẫn. Bữa ăn thường có 2 món (1 rau, 1 mặn) và hoa quả tráng miệng. Vì đang bị phong tỏa, việc mua thực phẩm bị hạn chế. Tuy nhiên, chị Liên luôn cố gắng nấu ăn thật ngon, trang trí thật đẹp mắt để hấp dẫn các thành viên trong gia đình hơn.
Việc đi chợ mua thực phẩm trong những ngày này rất khó, chính vì vậy bữa cơm có sự trùng hợp nguyên liệu. Nhưng chị Liên luôn cố gắng đổi cách chế biến để cả nhà không bị nhàm chán.
Bí quyết cho những mâm cơm ngon đẹp
"Mình không qua trường lớp nấu ăn nào cả. Chủ yếu là học từ mẹ khi mình còn nhỏ và chưa lấy chồng. Sau này gặp những món mới, khó nấu thì mình thường tham khảo cách chế biến trên mạng xã hội, sách nấu ăn hay các đầu bếp chuyên nghiệp...
Mỗi bữa ăn của nhà mình dao động từ 50.000-100.000 đồng. Mình ở quê nên thực phẩm có vẻ rẻ hơn ở thành phố. Để tiết kiệm trong thời điểm hiện tại, khi kinh tế có phần khó khăn, thì mình chọn cách chế biến đồ ăn vừa đủ, không để dư thừa và đổ bỏ. Hơn nữa, mình thường xuyên đổi cách chế biến và chỉ lựa chọn những thực phẩm tươi sống, không phải đồ đóng hộp sẵn... để cả nhà ăn ngon miệng hơn" - chị Liên cho biết.
Ngoài việc nấu ăn ngon, mẹ đảm còn khéo trang trí để mâm cơm thêm hấp dẫn hơn.
Ngoài các món ăn, chị Liên còn mua hoa quả tráng miệng cho cả nhà.
Chị Liên tin rằng những mâm cơm bổ dưỡng, thơm ngon, hấp dẫn thế này sẽ khiến cả nhà chị yêu thích, đồng thời cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả nhà trong thời gian phòng chống dịch bệnh.
Bí quyết "vàng" khi đi chợ và bảo quản thực phẩm lâu ngày
Muốn chung tay cùng cả nước dập dịch Covid-19, đồng thời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả nhà, gia đình nhà chị Xuân Liên đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo số 16 của chính phủ. Cô vợ đảm cho hay, hơn 1 tháng rồi, chị không trực tiếp đi chợ. Thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt của gia đình, chị đều đặt online và nhận ship tận nhà.
"Mỗi lần đặt mua thực phẩm, mình thường đặt nhiều và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Đồ ăn mình mua đủ cho khoảng từ 10-15 ngày. Mình mua đa dạng từ rau củ quả đến thịt cá trứng... để đảm bảo món ăn không bị nhàm chán và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho các thành viên trong gia đình.
Thực phẩm khi mua về, mình thường dùng xịt khuẩn khử trùng bên ngoài vỏ nylon rồi sẽ bắt đầu rửa và sơ chế, trữ đông càng sớm càng tốt. Thịt/cá để tủ đông thì tương đối đơn giản rồi, chỉ cần đóng hộp kín để giữ vệ sinh. Còn các loại rau thì rửa sạch, quay ráo và trữ trong hộp có lót giấy thấm hơi ẩm. Các loại củ quả vỏ mỏng thì quấn giấy báo hoặc màng bọc nylon để tủ mát. Các loại củ quả vỏ dày thì có thể để ngay bên ngoài.
Trong nhà mình luôn sẵn các hộp nhựa nguyên sinh, hộp thủy tinh để bảo quản thực phẩm tươi ngon nhất. Mình phân chia nguyên liệu sẵn, đủ nhu cầu dùng trong 1 bữa. Như vậy để tránh tình trạng rã đông thực phẩm nhiều lần" - chị Xuân Liên bật mí về cách trữ đồ ăn trong nhiều ngày của gia đình mình.
Ngoài việc đặt mua bên ngoài, vợ chồng chị Liên còn tăng gia sản xuất ở nhà để tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo có nguồn thực phẩm sạch. Tận dụng mảnh vườn rộng phía sau nhà, chị Liên trồng nhiều loại rau. Song song với đó, 2 vợ chồng chị còn nuôi gà để lấy trứng và thịt. Ngoài ra, chị Liên hay làm giá đỗ để ăn thay rau.
Ngoài ra, nhà chị còn trồng rau, nuôi gà ở mảnh vườn sau nhà để có nguồn thực phẩm sạch, tiết kiệm chi phí.
"Mình không áp lực về việc nấu ăn hàng ngày. Vì mình thích nấu nướng và xem thời gian ở nhà giãn cách như là cơ hội để chăm lo bữa cơm cho cả gia đình - việc mà trước kia vì bận bịu mà mình thường làm qua loa.
Khi mình nấu ăn có chồng và các con phụ giúp nữa. Mình thấy rất vui. Qua đó mình dạy con yêu lao động, biết cách chăm sóc bản thân và người thân" - chị Liên tâm sự.