Gần nhà tôi có hai bác hàng xóm năm nay cũng trạc tuổi bố mẹ tôi (đều khoảng 60 tuổi). Bác trai là giáo viên dạy toán cấp hai một trường phổ thông cơ sở rất gần nhà và luôn là giáo viên dạy giỏi. Tính bác nghiêm khắc, hơi cục. Còn bác gái cũng là giáo viên nhưng dạy cấp ba và dạy rất giỏi môn lý. Cũng nghiêm khắc, ít nói.
Hai bác có hai người con, học hành thành đạt và kiếm tiền rất giỏi. Bề ngoài gia đình hai bác là mô hình để cho rất nhiều người thèm khát, ngưỡng mộ. Khi hai người con của bác đều đỗ đại học, những năm đó vào đại học rất khó, hàng xóm đều đồng tình gia đình bác là gia đình kiểu mẫu, hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người.
Nhưng rồi sau khi các con thành đạt, lập gia đình, hai bác ấy đã chia tay nhau. Mọi người được phen bất ngờ thậm chí không tin nổi. Mãi sau mới biết rằng hai bác ấy đều có học nên cách xử lý mâu thuẫn cũng rất thâm. Không nói khó nghe, không rùm beng để hàng xóm láng giềng biết mà dành cho nhau những lời nói thâm thúy xen lẫn những màn đấu tranh lạnh. Cùng sống trong một gia đình, vẫn vợ chồng nhưng sau cánh cửa đóng lại là mỗi người một chốn. Cùng một nhà nhưng ly thân và khi đóng kịch cho con cái yên bề gia thất thì chia tay để giải phóng cho nhau.
Anh họ tôi, một kỹ sư công nghệ thông tin Bách Khoa, thời sinh viên vừa học vừa yêu luôn một chị cùng lớp. Ra trường, anh làm quản lý hệ thống dữ liệu cho một ngân hàng thương mại cổ phần còn chị là lập trình viên cho một tập đoàn công nghệ CMC. Hai vợ chồng luôn có hai vật bất ly thân là hai chiếc kính cận và hai cái laptop. Đi đâu cũng kề kề hai thứ đó. Về nhà, ngoài những nhu cầu thiết yếu khác như ăn, ngủ thì hai vợ chồng lại tiếp tục dành đặc ân cho hai chiếc máy tính.
Ngày này qua ngày khác, họ cũng có con, cũng phải làm các trách nhiệm người cha, người mẹ nhưng cuộc sống của họ cứ tuềnh toàng đúng như những người làm kỹ thuật vậy. Không có gì mới mẻ, cứ khô khan như ngói, chị không thể là một nàng dâu nhanh nhẹn như bác gái tôi mong muốn còn anh thì cũng chẳng cần phải để ý đến lời mẹ nhắc, chẳng buồn góp ý vợ một câu. Lúc nào cũng nói với mẹ “thôi cứ đơn giản đi mẹ”.
Câu chuyện hai bác hàng xóm nhà tôi nói trên, mẹ tôi bảo rằng lấy vợ cùng ngành nghề nên nó thế. Hai bác đều uyên thâm nên thành ra không ai chịu nhường ai nên kết quả là ly hôn.
Câu chuyện anh họ tôi thì nghe bác gái phàn nàn với mẹ tôi rằng: ngày xưa sai lầm để nó lấy vợ cùng ngành với nó (chỉ con trai bác). Nhà có thằng rô bốt như nó là đã tức anh ách, giờ lại thêm một người máy cùng phiên bản. Đúng là khốn khổ.
Tôi vẫn cứ tưởng lấy vợ lấy chồng cùng ngành nghề là may mắn vì hai người cùng hiểu biết về một lĩnh vực nên có thể hiểu rõ tính chất công việc, có thể thông cảm cho nhau với những khó khăn về nghề. Ngoài ra còn bổ sung kiến thức, giúp đỡ nhau khi người này bận không làm được chẳng hạn.
Nhưng xem ra lấy vợ cùng ngành nghề có nhiều bất cập hơn tôi tưởng. Vì hiểu nhau quá nên đôi khi nó lại thành ra hại nhau. Điển hình như hai câu chuyện tôi vừa kể. Ngoài ra, có thể thấy rấy nhiều những ca sỹ, diễn viên, nghệ sỹ, nhạc sỹ tiến đến với nhau. Trông họ thật hạnh phúc lúc kết hợp rồi sau đó thì nhiều đôi li dị vì các lý do này khác (đa phần liên quan đến nghề), thậm chí có đôi còn quay lại kể xấu, nói không hay về người đã từng má ấp tay kề với mình một cách không thương tiếc.
Còn mọi người nghĩ sao nếu lấy vợ hoặc chồng cùng ngành nghề?