Vì sao tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nam giới cao hơn?
Các nhà nghiên cứu cho hay, tỷ lệ chết vì COVID-19 ở nam giới cao hơn ở nữ giới, mặc dù cả hai giới đều bị nhiễm với số lượng gần bằng nhau. Nguyên nhân vì sao? Các nhà khoa học đang dần tìm kiếm…
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho hay, trong số 72.314 trường hợp được nghiên cứu, 2,8% nam giới nhiễm bệnh đã chết, so với 1,7% phụ nữ. Các báo cáo ở nhiều tiểu bang và thành phố của Hoa Kỳ cũng cho thấy sự chênh lệch tương tự. Sự khác biệt giữa các trường hợp tử vong ở nam và nữ cũng được tìm thấy sau khi phân tích dịch SARS và MERS, đại dịch cúm năm 1918, nam giới tử có số tử vong cao hơn...
Các nhà khoa học cho hay, một số thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe, hormone giới tính có thể đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nam giới có xu hướng mắc nhiều bệnh hơn như bệnh tim mạch và đái tháo đường (những bệnh mạn tính này chịu nhiều ảnh hưởng do COVID-19).
Hormone giới tính
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự khác biệt cơ bản trong phản ứng miễn dịch giữa các giới tính. Các chuyên gia cho hay, nữ giới có xu hướng đáp ứng miễn dịch mạnh hơn nam giới trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm. Ở đây chính là vai trò của hormone.
Testosterone, hormone sinh dục nam, ức chế viêm. Còn estrogen, hormone sinh dục nữ, lại có thể kích hoạt các tế bào liên quan đến phản ứng chống virus. Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ, các tế bào mũi đã được điều trị bằng các hợp chất giống estrogen trước khi tiếp xúc với virus cúm. Kết quả cho thấy, chỉ có các tế bào từ con cái phản ứng với các kích thích tố và chống lại virus.
Hút thuốc lá
TS. Bhanu Sud, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế St. Jude ở Orange County, California cho rằng, nam giới có nguy cơ nhiễm trùng và tử vong cao vì tỷ lệ hút thuốc ở nam cao hơn nữ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng cho biết, hút thuốc là một trong những nguyên nhân khiến một người bị suy giảm miễn dịch, điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch của họ bị suy yếu.
Thống kê trong một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, gần 50% đàn ông hút thuốc ở Trung Quốc, và ở phụ nữ chỉ có ít hơn 3%. Một nghiên cứu khác từ Trung Quốc, được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 28 tháng 2, cho thấy những người hút thuốc chiếm khoảng 26% những người cuối cùng được chăm sóc đặc biệt hoặc chết vì COVID-19. Có thể người hút thuốc có nguy cơ nhiễm virus cao hơn do tiếp xúc bằng miệng thường xuyên. Thêm vào đó, họ có thể chia sẻ thuốc lá bị ô nhiễm.
Sự khác biệt về giới tính này có thể sẽ là nền tảng để phát triển các phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả.
(Theo health.com, 10/4/2020)