Người đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin Covid-19 kể lại cảm giác sau tiêm: "Tôi thấy sốt, tay rất đau, cảm giác đơn giản giống tiêm phòng cúm thông thường"

ĐỖ ĐỖ,
Chia sẻ

Việc tiêm vắc xin ngừa coronavirus chủng mới được áp dụng cho vai trái, chỉ kéo dài trong vài giây nhưng nó ẩn chứa ý nghĩa thiêng liêng về hy vọng cả thế giới sẽ được bình yên trước dịch bệnh, dù rủi ro mà người thử nghiệm phải đối mặt cũng chẳng hề ít...

Người đầu tiên trên thế giới tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc-xin chống Covid-19 là một bà mẹ 2 con tên là Jennifer Haller, 44 tuổi, người Mỹ. Bà chẳng hề tỏ ra lo lắng hay sợ hãi khi một bác sĩ đeo khẩu trang, găng tay thực hiện tiêm cho mình.

Các nhà nghiên cứu người Mỹ kể rằng, bà Haller (làm quản lý hoạt động tại một công ty khởi nghiệp công nghệ) đã đọc được lời kêu gọi thử nghiệm tiêm vắc-xin chống Covid-19 được đăng tải trên Facebook. Không chần chừ, bà quyết định đăng ký tham gia.

Chia sẻ với tờ The Telegraph, bà Haller kể: "Thật sự vào thời điểm đó tất cả mọi người đều cảm thấy vô vọng. Chính tôi cũng thấy mình chẳng thể làm gì để ngăn chặn đại dịch phát triển trên toàn cầu. Sau đó, tôi thấy thông tin này và nhận ra đó là một cơ hội của tôi để có thể đóng góp vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Nhìn lại mà xem, tất cả những thứ mà chúng ta nghiễm nhiên được làm như là tự do di chuyển, quyền được làm việc... thì nay lại bắt đầu biến mất dưới cái bóng của Covid-19. Tất cả chúng ta đều mất kiểm soát và bất lực. Chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm gì đó thật hữu ích".

Người đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin Covid-19 kể lại cảm giác sau tiêm: "Tôi thấy sốt, tay rất đau, cảm giác đơn giản giống tiêm phòng cúm thông thường" - Ảnh 1.

Bà Jennifer Haller đang được thử nghiệm vắc-xin 19.

Đầu tiên là vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Sau đó phải vượt qua những đợt kiểm tra y tế nghiêm khắc để có thể được chấp thuận thử nghiệm vắc-xin nhưng những khó khăn vẫn chưa dừng lại với bà Haller. Lúc này, gia đình và bạn bè gây áp lực vì lo lắng về độ an toàn của vắc-xin.

Trước khi tiêm, bà Jennifer Haller được đọc và ký vào một bản thảo "từ chối trách nhiệm", trong đó ghi rõ những rủi ro có thể xảy ra, điển hình nhất là những người tham gia thử nghiệm có thể dễ nhiễm Sars-Cov-2 hơn sau đó. Dù vậy, Haller vẫn quyết định ký bởi "Những lợi ích của việc này còn nhiều hơn cả rủi ro mà tôi có thể gặp phải", bà nói.

Phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

8h sáng ngày 16/3, Haller chính thức là người đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin chống Covid-19.

Trong 2 tuần tiếp theo, bà được yêu cầu viết lại nhật ký hàng ngày về bất kỳ triệu chứng nào.

"Ngày đầu tiên tôi hơi sốt, sang ngày thứ 2 thì cánh tay tôi rất đau, nhưng chỉ có vậy thôi, sau đó mọi việc đều ổn. Tôi thấy nó đơn giản như một mũi tiêm phòng cúm thông thường thôi", bà Haller kể lại.

Theo Haller, việc tham gia thử nghiệm là một cơ hội góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19. Đồng thời cô tỏ ý tin tưởng rằng dù thế nào đi nữa cũng sẽ tạo ra loại vaccine chống Covid-19 hiệu quả.

"Tôi vô cùng tự hào khi mình là một phần của quá trình này", bà Haller nói.

Thời gian sắp tới, bà Haller sẽ được tiêm liều vaccine thứ hai và sẽ được các chuyên gia theo dõi đến mùa xuân năm 2021.

Người đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin Covid-19 kể lại cảm giác sau tiêm: "Tôi thấy sốt, tay rất đau, cảm giác đơn giản giống tiêm phòng cúm thông thường" - Ảnh 2.

Trước đó Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, tại thành phố cảng Seattle công bố bắt đầu các thử nghiệm vắc-xin lâm sàng trên người đối với virus corona chủng mới vào giữa tháng 3. Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi trong vòng 1 năm.

Loại vaccine đang được thử nghiệm có tên là mRNA-1273 được điều chế tại Viện nghiên cứu ở Seattle, hợp tác với công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở ở Cambridge, bang Masaschusetts. Loại vaccine này đã được thử nghiệm thành công ở động vật.

Đã có 45 tình nguyện viên được lựa chọn để thử nghiệm vắc-xin. Mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày với liều lượng như nhau. Bản thân các liều vaccine khác nhau - 25, 100 và 150 microgram.

Nghiên cứu này hy vọng có thể đánh giá độ an toàn của vaccine và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch của người tham gia thử nghiệm, cũng như xác định liều lượng vaccine tối ưu nhất.

Nguồn: Telegraph

Chia sẻ