Vì sao được mời thử thách 1 triệu đô để làm lại thí nghiệm cũ mà tác giả xuất hiện trong đề Văn THPT 2021 không tới?
Đề Văn THPT 2021 với trích đoạn được cho là của tác giả "ngụy khoa học". Đó có phải là lý do mà thử thách 1 triệu đô để làm lại thí nghiệm đã công bố ông cũng không tới?
"Những thứ ông ấy nói chẳng liên quan gì đến thứ khoa học mà tôi biết"
Lùm xùm đề Văn THPT 2021 vẫn tiếp diễn khi nó gây tranh cãi vì tác giả có trích đoạn được đưa ra phân tích được cho là "ngụy khoa học", hay nói dân gian là "nhà khoa học rởm". Nhiều người lúc này mới trở nên tò mò với tác giả Emoto và tác phẩm "Bí mật của nước".
Thực tế, Emoto đã được James Randi mời tham gia riêng cuộc thi One Million Dollar Paranormal Challenge (Thử thách Siêu nhiên Một triệu Đô La) vào năm 2003 và sẽ nhận được 1.000.000 đô la Mỹ nếu ông có thể lặp lại kết quả thử nghiệm trong điều kiện thử nghiệm được cả hai bên đồng ý. Điều bất ngờ là Emoto đã không tham gia.
Liệu có phải vì ông là nhà khoa học rởm hoặc gọi là "ngụy khoa học" như đã từng bị chỉ trích nên không thể lặp lại thí nghiệm được cho là có "tiểu xảo".
Ví dụ như bát cơm có lời yêu thi vẫn ngon lành, còn bát cơm bị ghét thì mốc đen?
Hoặc ví dụ cho một giọt nước tiếp xúc với một suy nghĩ, ngôn ngữ, âm nhạc, từ ngữ, hay một yếu tố vật lý. Sau đó bỏ vào tủ lạnh cho đông lại. Cuối cùng, đặt dưới kính hiển vi, chụp lại ảnh thu được. Và theo Emoto thì kết quả nước phản ứng với các yếu tố khác nhau mà nó được nghe hoặc gắn nhãn lên bình chứa.
Khi nước được tiếp xúc với những ngôn từ đáng yêu thì hiển thị những hình mẫu đẹp, đối xứng, dạng bông tuyết đầy sắc màu. Ngược lại, nếu tiếp xúc với những ngôn ngữ tiêu cực sẽ trở nên xấu xí, bất đối xứng và mờ tối.
Emoto cũng làm thí nghiệm về việc làm sạch nước bị ô nhiễm bởi tảo, nhưng nhà sinh vật học Tyler Volk thì nhận xét: "Những gì ông ấy nói chẳng liên quan gì đến thứ khoa học như tôi biết".
Từ chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng nhóm ra đề thi cần tìm hiểu rõ thân thế tác giả trước khi trích dẫn sản phẩm của họ. Nếu quả Emoto là "ngụy khoa học" thì ta không nên đưa tác phẩm này vào đề thi vì điều tác giả nói không hẳn là chân lí của khoa học hoặc đời sống. Mặt khác dư luận nước ngoài sẽ lấy làm ngạc nhiên vì cho rằng nền giáo dục của ta cổ xúy cho 1 tác phẩm có tính ngụy khoa học.
Bộ GD-ĐT lên tiếng về đề Văn gây tranh cãi
Vấn đề này đã được thắc mắc trong buổi họp báo sau kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 vào chiều ngày 8/7. Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng) cho biết không thể trả lời câu này do Hội đồng ra đề môn Văn tốt nghiệp THPT không có ở buổi họp báo.
Ông Trinh cũng cho rằng: "Để đánh giá một đề thi khó dễ, phụ thuộc vào sự chủ quan của mỗi người. Tuy nhiên, quy trình khi xây dựng đề thi là dựa vào một ma trận đề thi, chứ không phải chúng ta xây dựng không có cơ sở khoa học. Ma trận đề thi được xây dựng theo mục tiêu đánh giá của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thể hiện qua số câu hỏi và độ khó dễ...".
Và thực tế vấn đề này hiện nay chưa ngã ngũ, vẫn tiếp tục gây ra những ý kiến trái chiều và sự tranh cãi về việc nên hay không nên đưa 1 trích đoạn từ 1 tác phẩm vốn đã gây tranh cãi có tính quốc tế và nghi ngờ về tính khoa học xác thực của nó?