Vì sao Bộ GTVT đề xuất bắt buộc xe máy bật đèn vào ban ngày?

PHI LONG,
Chia sẻ

Quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Viên 1968 về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên.

Tại dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất mới quy định xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày, vì sao lại như vậy?

 - Ảnh 1.

Tại dự thảo sửa đổi Luật GTĐB, Bộ GTVT đề xuất mới quy định xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày .

Theo Điểm l, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000 - 200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau.

Xe máy là phương tiện yếu thế, cần phải bật đèn nhận diện

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó, bổ sung nhiều quy định mới. Đáng chú ý là đề xuất xe máy phải bật đèn sáng suốt cả ngày.

Theo đó, tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) quy định: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất".

Lý giải quy định này, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - thành viên Ban soạn thảo cho biết, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Viên 1968 về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên.

 - Ảnh 2.

Trên thế giới, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ô tô, nên Công ước Viên quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ô tô phát hiện xe máy.

"Trên thế giới, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ô tô, nên Công ước Viên quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ô tô phát hiện xe máy. Việt Nam đã tham gia Công ước này nên phải tuân theo quy định", ông Tùng thông tin.


Theo ông Tùng, Ủy ban ATGT Quốc gia trước đây từng đề xuất áp dụng quy định trên, song nhiều người dân phản ứng và cho rằng trong Luật chưa có, nên lần này ban soạn thảo đã đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

"Theo Dự thảo, có nhiều loại xe máy đời mới có đèn nhận diện thì người dân sử dụng đèn này, còn những xe đời cũ không có đèn nhận diện thì sử dụng đèn chiếu gần hoặc đèn hậu. Đây là đèn LED nên không tốn nhiên liệu như nhiều ngườilo ngại. Việc này giúp người lái ô tô nhận biết xe máy khi đèn chiếu vào gương, giúp đảm bảo an toàn giao thông", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, quy định này nếu được áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn về thói quen sử dụng đèn xe của người tham gia giao thông ở Việt Nam. Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu người lái xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

Đang có nhiều ý kiến trái chiều

Giải thích về đề xuất trên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, quy định này đã áp dụng tại Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ lâu và trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có 7/10 nước áp dụng quy định này.

Như vậy, Việt Nam cũng đang trong lộ trình để thực hiện quy định này cùng các thành viên khác của ASEAN.

Còn GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, nhiều nước trên thế giới đã quy định bắt buộc xe cơ giới đường bộ (bao gồm mô tô, xe máy) phải có đèn chiếu sáng ban ngày để nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khi tham gia giao thông.

 - Ảnh 3.

Đa số các quốc gia ở châu Âu đều đang áp dụng bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông.

Đa số các quốc gia ở châu Âu đều đang áp dụng bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông. Bởi họ nhận thấy, hệ thống đường cao tốc mà các phương tiện được chạy với tốc độ rất cao, các xe sẽ dễ phát hiện ra nhau từ rất xa nếu bật đèn ban ngày. Cũng chính vì lẽ đó, hầu hết các phương tiện (trong đó có mô tô và xe máy) đều mặc định sử dụng đèn ban ngày mà không có công tắc tắt. Giải pháp bật đèn suốt cả ngày cũng được áp dụng đối với toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.

"Tại châu Á, năm 1990, Nhật Bản bắt đầu nhận thức được lợi ích và văn hóa giao thông bằng đèn. Mặc dù là đất nước nhiều nắng, nhưng Thái Lan đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn ban ngày, đặc biệt với mô tô, xe máy", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.


Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, người lái ô tô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ rất xa, giảm thiểu được tai nạn khi cho xe rẽ phải, rẽ trái, nhất là khi đi trên quốc lộ. Kết quả đánh giá tại các nước đã áp dụng cho thấy, ở Nhật Bản giảm được 40% số vụ tai nạn giao thông, Malaysia giảm được 29%, nhiều nước giảm từ 10 - 30%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông có quan điểm không hoàn toàn ủng hộ về dự thảo sửa đổi này.

"Quy định xe máy phải bật đèn sáng cả ban ngày, chúng ta đang lấy quy định của các nước châu Âu áp dụng cho Việt Nam, quy định trên chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều mới cần bật đèn", chuyên gia giao thông Nguyễn Đức Bình nói.

Một số chuyên gia phân tích, ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.

Đồng quan điểm như vậy, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không nên quy định cứng nhắc thời gian mà phải tùy theo thời tiết từng khu vực, từng tuyến đường. Ở nước ngoài cũng không quy định thời điểm cụ thể bắt buộc bật đèn mà căn cứ vào thời tiết.

Luật sửa đổi phải có sức sống trên 10 năm

Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật Giao thông đường bộ có vai trò quan trọng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Do đó, lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ thận trọng, lấy ý kiến nhiều Bộ, ngành, chuyên gia để sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu của xã hội.

 - Ảnh 4.

Tại kỳ họp vào tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có quy định về xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc sửa đổi Luật đã được Bộ GTVT thực hiện hơn 1 năm qua, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, Dự thảo Luật cũng đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.


“Văn phòng Quốc hội đã có thông báo đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội. Tại kỳ họp vào tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Trong kỳ họp đầu năm 2021, nếu không có thay đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua”, ông Thể cho biết.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết, để dự thảo đạt chất lượng, Bộ GTVT đã thành lập ban soạn thảo gồm 52 thành viên đến từ nhiều Bộ, ngành Trung ương và ban biên tập gồm 76 thành viên. Dự thảo Luật đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, hiệp hội, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa để hình thành Luật GTĐB mới.

"Thời gian qua, nhiều vấn đề mới xuất hiện như: ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính, các loại hình giao thông thông minh, các loại hình vận tải mới như Uber, Grab... Do đó, trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ lồng ghép các nội dung mới vào Luật. Đặc biệt, một số xu hướng mới như: giao thông thông minh, lái xe tự động, thậm chí taxi bay sẽ được đưa vào trong Luật, đảm bảo Luật có sức sống từ 10 năm trở lên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Chia sẻ