Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Không được vượt đèn xanh khi nút giao bị ùn tắc

LS PHẠM THANH HỮU,
Chia sẻ

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Điều 13 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Hiện hành, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh là được đi. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định, khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh là được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nếu nội dung này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì người tham gia giao thông cần phải chú ý quan sát kỹ lưỡng hơn nhằm đảm bảo đúng quy định, vì khi đó tín hiệu đèn giao thông màu xanh không đương nhiên được phép đi mà phải tùy vào tình hình thực tế.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định: 

"Việc đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế phần nào ùn tắc giao thông; tuy nhiên, các nhà làm luật cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nội dung này, có thể thí điểm khuyến khích người dân áp dụng trước, nếu đạt hiệu quả tốt thì hãy cấm như trên. 

Đồng thời, tôi cũng kiến nghị nhà làm luật sửa đổi từ "được đi" thành "phải đi" khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh; như vậy, sẽ tránh được trường hợp khi đèn giao thông báo hiệu màu xanh mà có người không chịu đi dễ dẫn đến un tắc giao thông, thậm chí là tai nạn giao thông xảy ra".

Ngoài ra, tại Dự thảo lần này, cũng nêu rõ khi đèn giao thông có tín hiệu màu đỏ, màu vàng. Cụ thể như sau:

1. Tín hiệu đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Như vậy, Dự thảo đã nêu một cách chi tiết, rõ ràng hơn so với quy định hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định "Tín hiệu đỏ là cấm đi")

2. Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Trường hợp đã đi quá vạch dừng, đèn tín hiệu hoặc đã quá gần vạch dừng, đèn tín hiệu mà nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp náy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ - Luật Giao thông đường bộ năm 2008

3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:

a) Tín hiệu xanh là được đi;

b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Chia sẻ