Vì mắc bệnh này mà mẹ sinh con nặng chỉ 2kg, mang 4 dị tật ở tim: Chị em đang có ý định mang thai cần chú ý phòng bệnh
Khi thai 35 tuần tuổi, người phụ nữ phát hiện bệnh nên phải mổ lấy thai cấp cứu. Đứa bé nặng chỉ 2kg lại bị đa dị tật tim, suy hô hấp, hẹp eo động mạch chủ, tiên lượng nguy kịch.
BS Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, sau cuộc đại phẫu thuật dài 8 tiếng sửa chữa 4 tật tim đồng thời, nơi đây đã "hồi sinh" cho một bé gái non tháng mang rất nhiều vấn đề nguy hiểm.
Đó là bé gái con của sản phụ B.T. (26 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu). Các bác sĩ cho biết, sở dĩ bé rơi vào tình trạng nguy kịch như vậy là bởi khi mang thai ở tuần thứ 35, sản phụ T. phát hiện bị tiền sản giật và suy thai. Sau đó, chị T. đã được nhanh chóng mổ lấy thai cấp cứu.
Ekip các BS căng thẳng với ca phẫu thuật.
Tiền sản giật trong thai kỳ: Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng đau lòng
Bác sĩ cho biết, tiền sản giật thường gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng. Một số nghiên cứu cho thấy tần suất gặp phải bệnh này trong thai kỳ lên đến 10%.
Đây là vấn đề sản khoa nghiêm trọng trong thai kỳ, có thể để lại nhiều biến chứng đau lòng như bong nhau thai, sinh non. Những trường hợp huyết áp quá cao, bé sau khi sinh non sẽ dễ bị tổn thương tim, suy hô hấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng nặng.
Dù chưa rõ chính xác vì sao tiền sản giật xảy ra, tuy nhiên vẫn có các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiền sản giật như: Mang thai con đầu lòng, mang đa thai; mẹ lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, bị đái tháo đường hoặc bệnh lý về thận trước đó.
Tiền sản giật cũng có liên quan đến tố di truyền. Ngoài ra, thai phụ bị thiếu dinh dưỡng, thừa cân béo phì trong thai kì cũng có thể mắc bệnh lý này.
Yếu tố chính trong kiểm soát tiền sản giật là theo dõi huyết áp thai phụ và nhịp tim của thai. Để phòng ngừa bệnh, thai phụ cần đi khám đầy đủ, điều trị tốt các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường...
Khi thấy đau lưng kéo dài, sưng phù đột ngột ở tay, chân, mặt..., thai phụ cần đến BV ngay để được can thiệp kịp thời.
Dinh dưỡng kém, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tiền sản giật cho mẹ bầu.
Chuyên gia khuyến cáo nếu trong tháng đầu tiên sinh con ra, cha mẹ nhận thấy con có dấu hiệu tím, thở nhanh kể cả khi không bú, vã mồ hôi nhiều… thì cần đưa con đến cơ sở y tế để khám sàng lọc tim bẩm sinh.
Những trẻ ở tháng đầu không biểu hiện, nhưng 2, 3 tháng sau, tốc độ tăng cân chậm lại hoặc không tăng cân là dấu hiệu có khả năng bị suy tim.
Con bị tổn thương tim nặng, suy hô hấp vì mẹ mắc bệnh "hiểm"
Trở lại trường hợp của bé gái con gái sản phụ B.T. Khi mới sinh, bé chỉ nặng gần 2kg, thở thoi thóp, đừ, bú kém, mắc đa dị tật tim, hẹp eo động mạch chủ khiến tim bị tổn thương, suy hô hấp, có thể điểm tình trạng rất nguy kịch.
Bệnh nhi được chạy tuần hoàn ngoài cơ thể.
Sau thời gian theo dõi tim bẩm sinh, bé được BV địa phương chuyển đến BV Nhi Đồng Thành phố.
Tại đây, các BS ghi nhận tình trạng sốc tim nặng. Bé nhanh chóng được giúp thở, hồi sức chống sốc, siêu âm tim và chụp CT-scan khẩn.
Kết quả cho thấy bệnh nhi mang nhiều dị tật tim bẩm sinh: Thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo và thiểu sản cung động mạch chủ, còn ống động mạch nhỏ, thông thương rất ít. Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật cấp cứu để duy trì mạng sống sau khi hội chẩn liên khoa.
Tại phòng mổ, cơ thể bé bỏng của em được ekip huy động hơn 10 người để mở xương ức, đóng lỗ thông liên thất bằng patch màng ngoài tim, sửa chữa cung động mạch chủ, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể đầy gian nan.
Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đồng hồ.
Sau ca mổ gần 8 giờ, em được theo dõi sát quá trình hồi sức hậu phẫu cũng đầy trắc trở không kém.
Hiện bé gái đã qua cơn nguy hiểm.
BS Trần Công Bảo Phụng, một trong những người thuộc kíp hồi sức tích cực sau phẫu thuật tim của bé nhớ lại: "Phẫu thuật cho trường hợp này cũng rất thử thách, ngay cả với các BV lớn trên thế giới vì phải sửa chữa tất cả các tật tim trong cùng một thời điểm. Chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và hồi sức sau mổ tim ở giai đoạn sơ sinh cực kỳ khó, chưa kể bé non tháng và có tình trạng sốc tim nặng nề trước khi mổ".
Một tuần sau mổ, qua siêu âm tim, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bé đã dần khả quan. Bệnh nhi được đóng xương ức, cắt dần thuốc an thần, vận mạch và cai máy thở. Bé phát triển tâm thần, vận động bình thường.
Hiện tình trạng sức khỏe của bé gần như đã ổn định. Sau 1 tháng, cân nặng của bé đạt 2,9kg, bú tốt, vận động tốt và chuẩn bị được xuất viện.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tiền sản giật:
- Đau đầu: Nhiều khi là cảm giác đau không chịu nổi hoặc cơn đau kéo dài không dứt kèm theo triệu chứng sưng phù tay chân, rối loạn thị lực...
- Tăng cân đột ngột: Nếu bạn đột ngột tăng cân nhanh (1-2kg/tuần) trong lúc đang mang bầu thì rất có thể nguyên do là bị tiền sản giật.
- Đau bụng: Thường là đau bụng dữ dội kèm theo đau lưng không thể chịu đựng nổi.
- Buồn nôn, nôn ói: Nếu hiện tượng này xuất hiện sau tuần 20 một cách nặng nề hoặc kèm theo những triệu chứng bất thường khác thì mẹ bầu có thể nghĩ ngay tới tiền sản giật.
- Đau lưng kéo dài, không thể nằm hay ngồi được vì khó chịu.
- Sưng phù quá mức và đột ngột ở bàn chân, ngón chân, tay, mặt...
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên, dù là 1-2 dấu hiệu thì mẹ bầu cũng cần đi khám để được quản lý thai tốt nhất. Trong trường hợp nhiều biểu hiện xuất hiện cùng lúc thì cần đi khám ngay lập tức.