Những dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mẹ bầu không được chủ quan

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Bệnh tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng của 2 mẹ con, vậy nên, mẹ bầu cần nắm rõ những dấu hiệu bệnh để còn biết cách đề phòng và xử lý tốt nhất.

Chào bác sĩ, em đang mang thai ở tuần 26, hiện tại 2 mẹ con khỏe mạnh nhưng bác sĩ nói cần chú ý ăn ít tinh bột một chút vì đang có dấu hiệu tiểu đường thai kì. Hôm trước em đi khám thì gặp một trường hợp một chị mang thai 30 tuần bị tiền sản giật, nguy hiểm cả mẹ và con. Em rất lo lắng vì em biết bệnh tiểu đường thai kì cũng có thể dẫn đến tiền sản giật. Bác sĩ cho em hỏi, làm sao để nhận biết bệnh này và cách phòng tránh tốt nhất. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (H. Thúy)

Trả lời:

Bạn H. Thúy thân mến!

Tiểu đường, tiền sản giật là những bệnh có thể gặp trong thời gian thai kỳ. Hai bệnh này có mối liên hệ với nhau và đều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi. Đặc biệt, bệnh tiền sản giật rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời thì thậm chí có thể đe dọa tính mạng của hai mẹ con. 

Bệnh tiền sản giật thường xuất hiện ở tuần 20-40 của thai kỳ. Về lý thuyết, bất cứ mẹ bầu nào cũng có thể bị tiền sản giật nhưng nhóm mẹ bầu dưới 20 và trên 40 tuổi thường có nguy cơ cao hơn. Những người có tiền sử bị tiền sản giật hoặc mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, rối loạn tự miễn, lupus ban đỏ... cũng dễ bị bệnh hơn.

tiền sản giật khi mang bầu
Bệnh tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng của 2 mẹ con. Ảnh minh họa

Với mức độ nguy hiểm như vậy nên khi mang bầu, mẹ bầu cần nắm rõ những dấu hiệu bệnh để còn biết cách đề phòng và xử lý tốt nhất. Một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh tiền sản giật là:

- Đau đầu: Nhiều khi là cảm giác đau không chịu nổi hoặc cơn đau kéo dài không dứt kèm theo triệu chứng sưng phù tay chân, rối loạn thị lực...

- Tăng cân đột ngột: Nếu bạn đột ngột tăng cân nhanh (1-2kg/tuần) trong lúc đang mang bầu thì rất có thể nguyên do là bị tiền sản giật.

- Đau bụng: Thường là đau bụng dữ dội kèm theo đau lưng không thể chịu đựng nổi.

- Buồn nôn, nôn ói: Nếu hiện tượng này xuất hiện sau tuần 20 một cách nặng nề hoặc kèm theo những triệu chứng bất thường khác thì mẹ bầu có thể nghĩ ngay tới tiền sản giật. 

- Đau lưng kéo dài, không thể nằm hay ngồi được vì khó chịu.

- Sưng phù quá mức và đột ngột ở bàn chân, ngón chân, tay, mặt... 

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên, dù là 1-2 dấu hiệu thì mẹ bầu cũng cần đi khám để được quản lý thai tốt nhất. Trong trường hợp nhiều biểu hiện xuất hiện cùng lúc thì cần đi khám ngay lập tức.

Hiện tại, nguyên nhân tiền sản giật chưa được xác định rõ, vì vậy, để phòng ngừa bệnh, mẹ bầu cần đi khám đầy đủ, điều trị tốt các bệnh lý đi kèm (nếu có) như tăng huyết áp, tiểu đường... Mẹ bầu cũng nên thường xuyên kiểm tra huyết áp 2 lần/ngày (sáng - chiều), nghỉ ngơi nhiều hơn để giữ gìn sức khỏe cho cả 2 mẹ con.

Chúc mẹ con bạn khỏe mạnh!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ