Vào quán cà phê hạng sang, thấy chiếc bỉm bẩn chình ình trên ghế, bạn có phản ứng giống cô gái này không?

Min,
Chia sẻ

Một luồng ý kiến cho rằng chiếc bỉm này thể hiện hành vi thiếu ý thức của một bà mẹ nào đó. Một luồng khác thì cho rằng cần phải thông cảm cho những người phụ nữ hay quên trong giai đoạn hậu sản.

Từ lâu, những hành vi vô ý thức của bất kỳ cá nhân nào làm ảnh hưởng đến người khác, hoặc môi trường công cộng đều bị mọi người bài trừ và đặc biệt nhất là với sự lên ngôi của mạng xã hội, thì mỗi một hành vi kém văn hóa đó đều được mang lên khắp các diễn đàn, hội nhóm để cư dân mạng bàn luận. Tuy nhiên, sự đời lắm thói, mỗi người có một cái đầu khác nhau vì thế cũng không ít hành vi với người này là sai rành rành nhưng với người khác lại có thể thông cảm được.

Tranh cãi xoay quanh chiếc bỉm trẻ con nằm giữa quán cà phê đông người: quên hay thiếu ý thức? - Ảnh 1.

Câu chuyện về "chiếc bỉm báu vật" của ông bố, bà mẹ nào đó bỏ quên đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng.

Chẳng hạn như mới đây, có một câu chuyện nói về việc vô ý của một bà mẹ nào đó đã để một cái bỉm bẩn của con nhỏ ngay tại nơi vừa uống cà phê, xung quanh có rất đông người, rồi lại bỏ đi. Và hình ảnh cái bỉm trắng lấm bẩn nằm chỏng trên chiếc đệm ghế sạch đẹp đã được một người chứng kiến chụp ảnh lại và đăng đàn lên mạng xã hội với nội dung như sau:

"Tớ đang ngồi ở quán cà phê và các bạn thấy gì trên ghế kia không? Đúng rồi, các bạn không nhìn nhầm đâu, nó là bỉm trẻ con đấy. Chả hiểu ông bố bà mẹ nào vui tính thay bỉm cho con tại quán rồi đặt ngay ngắn, chễm chệ giữa ghế như báu vật thế kia (dù trung tâm thương mại có nhiều WC sạch sẽ và thùng rác chứ không phải chỗ hẻo lánh).

Tớ không sẵn túi nilon để dọn hộ và tớ đi ăn uống cũng không thể cầm vứt đi bằng tay không được, chưa kể tớ có tật sợ cầm vào mọi thứ ở nơi công cộng chứ đừng nói cái bỉm. Tớ đã nhờ nhân viên cầm túi ra mang hộ cái vật báu đấy đi rồi và ảnh là chụp trong lúc đợi nhân viên chứ không phải tớ để đó luôn đâu".

Tranh cãi xoay quanh chiếc bỉm trẻ con nằm giữa quán cà phê đông người: quên hay thiếu ý thức? - Ảnh 2.

Hình ảnh chiếc bỉm nằm chễm chệ trên ghế không hề đẹp mắt một chút nào.

Và tất nhiên, câu chuyện kèm hình ảnh hơi có phần không đẹp mắt kia được đăng đàn chưa bao lâu thì thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Đa số các bình luận ra sức ném đá tơi bời hoa lá và chỉ trích mẹ bỉm vô ý vô tứ nào đó mà lại làm phiền biết bao nhiêu người, nào là "thiếu ý thức trầm trọng", "mẹ mà như thế này thì làm sao dạy con", "ý thức như cái cục gạch", "ơ sao trên đời lại có nhiều người kém văn hóa thế nhỉ"… Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ sẽ như một lệ thường nếu chỉ dừng lại tại những bình luận chỉ trích trên, vì đúng thôi, sai thì phải lên tiếng để bài trừ. Chuyện này với nhiều người cũng vô duyên chẳng kém việc mẹ cho con đi vệ sinh bừa bãi giữa đường.

Nhưng ngoài những bình luận trên, cũng có không ít bình luận trái chiều nói rằng đây có lẽ chỉ là kết quả của một hành động ngoài tầm kiểm soát của một bà mẹ sinh đẻ xong mắc chứng "não cá vàng". Và phải ai có con rồi mới hiểu, đầu óc lúc nào cũng cuống cả lên, vội vội vàng vàng quên trước quên sau. Rất có thể, sau khi thay bỉm bẩn ra, mặc bỉm sạch cho con, người mẹ vội vã gì đó mà quên không bỏ vào thùng rác, vì thế không thể nói đây là hành vi thiếu văn hóa được. Một số dân mạng, nhất là các mẹ bỉm sữa lên tiếng phải biết thông cảm cho những người hay quên, nhất là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, nhớ trước quên sau. Cũng có một số người mẹ khá gay gắt khi nhảy vào bình luận như thể "được thông cảm" là quyền của những người phụ nữ sau sinh như sau:

"Có con đi rồi biết, quên mỗi cái tã cũng đăng đàn kể tội, biết sao cho vừa lòng".

"Lắm chuyện, có mỗi cái bỉm cũng đăng facebook, bỉm thôi mà, còn khối đứa quên điện thoại ví vủng thì sao?".

"Chưa có con chưa hiểu đâu, sinh đẻ đã mệt, giờ tới quên cái bỉm cũng bị chửi. Em gì ơi, sau này có con, em ráng mà hoàn hảo đi nhé".

Tranh cãi xoay quanh chiếc bỉm trẻ con nằm giữa quán cà phê đông người: quên hay thiếu ý thức? - Ảnh 3.

Một hình ảnh tương tự được người dùng mạng nào đó đăng trong phần bình luận để... hòa theo dòng "thời sự".

Nói về vấn đề hay quên trong giai đoạn hậu sinh một chút, thì theo nghiên cứu của các nhà khoa học Úc, 90% phụ nữ sau sinh đều phải gặp chứng bệnh này (theo Independent), nó là một căn bệnh vì thế được thông cảm là điều hiển nhiên, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cái hay quên đó làm ảnh hưởng người khác, ảnh hưởng môi trường và cộng đồng xung quanh, thì rõ ràng nó đã chạm tới phạm trù về ý thức rồi, mà đã như thế thì cái sai rành rành là của ai, hả các mẹ?

Nói cho dễ hiểu thì có lẽ không ai là không thông cảm cho những bà mẹ bị mắc chứng đãng trí sau khi sinh con, nhưng trắng đen phân biệt rõ ràng, đúng sai cũng thế. Và khoan hãy nhìn vào lý do khiến cái bỉm kia nằm chỏng chơ trên ghế, hãy đặt mình vào vị trí của bạn trẻ đăng đàn phản ánh hoặc một ai đó, có mặt vào ngay tại đó, ngày hôm đó để cảm nhận rằng mình có vui hay không, khi vào quán cà phê để thưởng thức chút không khí thoáng đãng hoặc hẹn hò ai đó, bỗng thấy một thứ nhạy cảm tế nhị lại được bày ra trước mắt như thế kia?

Tranh cãi xoay quanh chiếc bỉm trẻ con nằm giữa quán cà phê đông người: quên hay thiếu ý thức? - Ảnh 4.

"Biết bản thân hay quên, nên sau khi thay bỉm cho con thì đi vứt ngay để tránh khi về để quên mà làm phiền người khác, đó mới là văn minh và có ý thức". (Ảnh minh họa)

Xin thưa rằng không ai là thấy bình thường cả, thế thì có phải kết quả đã là như thế, không thể chối cãi, cái bỉm nằm đó là thật và chuyện nó làm người khác thấy khó chịu cũng là có thật. Một hành vi dù cho vô tình hay cố ý gây ảnh hưởng và làm phiền mọi người xung quanh thì đã sai rồi các mẹ ơi. Hãy thẳng thắn chấp nhận cái sai này đi để tìm cách khắc phục. Như biết bản thân hay quên, nên sau khi thay bỉm cho con thì đi vứt ngay để tránh khi về để quên mà làm phiền người khác, đó mới là văn minh và có ý thức.

Và các mẹ có biết, "hay quên" trong một số trường hợp nó còn là tội ác, chẳng hạn như quên tắt bếp khi đang nấu ăn, quên khóa ga khi ra khỏi nhà, quên đóng cửa ban công chung cư cao tầng trong khi nhà có con nhỏ đang lũn cũn đi qua đi lại… Rồi hậu quả xấu nhất xảy ra, cháy nổ, con gặp tai nạn thì ai sẽ là người thông cảm đây? Mà có thông cảm cũng đâu giải quyết được gì. Vì vậy, hy vọng các mẹ hãy dẹp bỏ cái tư tưởng "tôi có quyền nhận được sự thông cảm cho cái thói hay quên giai đoạn hậu sinh" đi, thay vào đó hãy chủ động khắc phục căn bệnh này bằng mọi cách có thể. Đừng đỗ lỗi hoàn cảnh, hãy là một bà mẹ văn minh!

(Ảnh: Facebook)

Chia sẻ