"Văn hóa" Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật

Quiry,
Chia sẻ

Người Nhật thật lạ kỳ, họ luôn muốn giữ thể diện trong mắt của mọi người ở bất cứ nơi đâu. Duy chỉ trên bàn nhậu, họ lại có những trò quái đản và cho phép bản thân say sưa hết nấc. Bởi họ quan niệm đến sáng hôm sau, những điều đã xảy ra hôm qua không được phép nhắc lại. Và đó chỉ là một trong nhiều những mảng tối đầy kinh hãi của văn hóa bàn rượu chốn công sở - Nomikai.

Cách đây 5 năm trên Reddit, một bức ảnh nhạy cảm của người đàn ông Nhật Bản cởi truồng được đăng tải khiến cư dân mạng khắp thế giới phải há hốc mồm.

Điểm đáng chú ý là anh ta còn châm lửa gần bộ phận sinh dục, trước sự chứng kiến của rất nhiều người cả nam lẫn nữ. Và nhìn chiếc áo sơ mi của gã lẫn những người xung quanh, chúng ta có thể khẳng định đây là buổi nhậu nhẹt của hội công sở Nhật.

"Văn hoá" Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật  - Ảnh 1.

Bên cạnh bức ảnh này, hẳn chúng ta còn từng bắt gặp những cảnh tượng xấu hổ không kém trên Internet như say xỉn ở trên tàu điện, ngã gục trên đường nôn ọe và cởi tung quần áo chốn đông người. Vậy điều gì làm cho người Nhật vốn nổi tiếng là thận trọng và chỉn chu lại có những hành vi mất kiểm soát đến như vậy?

Hoá ra, tất cả xuất phát từ Nomikai - "văn hoá" nhậu nhẹt chống công sở đã tồn tại nhiều năm qua.

Nomikai là gì và bắt đầu từ bao giờ tại Nhật Bản?

Văn hóa Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật Bản - Ảnh 2.

Nomikai (飲み会) là bữa tiệc uống đặc biệt trong văn hóa của xứ sở hoa anh đào.

Cũng có thể hiểu Nomikai là "Nommunication" = "Nomu" (uống) + "Communication" (giao tiếp). Từ nơi làm việc, trường học cho đến các câu lạc bộ đêm đều có thể tổ chức Nomikai. Buổi tiệc uống thường được tổ chức tại các nhà hàng hoặc izakaya (quán rượu, bar, pub kiểu Nhật).

Theo truyền thống, mỗi doanh nghiệp Nhật luôn đòi hỏi nhân viên phải có một sự gắn bó chặt chẽ với công ty - thông qua nhiều giờ làm việc, sự cam kết đặt ra và cả những buổi uống rượu thường xuyên như vậy. Điều này gây ra áp lực không hề nhỏ với nhân viên mặc dù bây giờ mọi thứ bắt đầu được tiết chế lại.

Văn hóa Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật Bản - Ảnh 3.

Nhậu nhẹt là một trong những nét đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Từ thế kỷ thứ III đã có những quan viên Trung Quốc báo cáo rằng, dân Nhật Bản được "trời ban cho nhiều thức uống mạnh".

Ngày nay, rượu vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí những đám cưới truyền thống trong đền chùa còn không thể thiếu rượu sake. Thế kỷ 19, các công ty Nhật áp dụng công nghệ sản xuất bia phương Tây, để rồi bây giờ các đồ uống có cồn luôn được bày bán 24/24 tại các cửa hàng tiện lợi.

Năm 2018, Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp Nhật Bản đứng thứ 119 về lượng tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người. Dẫu vậy, 1 đơn vị đồ có cồn theo WHO chỉ vào khoảng 10gr rượu nguyên chất, trong khi tại Nhật 1 đơn vị đồ uống có cồn thực tế tương đương 20gr rượu nguyên chất. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn của Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với báo cáo của WHO.

Văn hóa Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật Bản - Ảnh 4.

Nomikai - "chất bôi trơn" không thể thiếu trong môi trường công sở

Issei Izawa là một chàng trai Nhật Bản 20 tuổi đến từ Yokohama, anh có nhiều lo ngại về môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh sự quan tâm tới mức lương, cơ hội thăng tiến, Izawa còn lo lắng về việc anh sẽ phải thường xuyên uống rượu.

"Tôi chưa bao giờ là một kẻ nghiện rượu nhưng những người tiền bối kể rằng họ bị ép đi uống với sếp mỗi tối sau giờ làm việc. Tôi hiểu đó là một phần của văn hóa doanh nghiệp nhưng tôi muốn chơi thể thao và không muốn hiệu suất công việc giảm chỉ vì say xỉn. Nếu tôi bị áp lực phải uống, tôi không biết mình nên làm gì."

Văn hóa Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật Bản - Ảnh 5.

Người Nhật cho rằng rượu là chất bôi trơn để phá tan rào cản giữa sếp - nhân viên.

Bên cạnh đó, buổi rượu này cũng giúp các mối quan hệ làm ăn giữa đối tác được diễn ra suôn sẻ, thành công. Các bữa tiệc nhỏ sau giờ làm là xúc tác để gắn kết và cho phép mọi người được sát lại gần nhau. Đặc biệt hơn khi Nomikai còn được tổ chức vào những dịp đại loại như: Sau khi hoàn thành một dự án lớn, ngày có lương, chia tay đồng nghiệp cũ, chào đón nhân viên mới hay thậm chí là mừng sinh nhật một ai đó.

Thật khó để từ chối một bữa tiệc Nomikai nhất là khi nó phát ra từ miệng sếp.

Sau Nomikai, những tưởng cuộc vui dừng lại, nhưng điều bất ngờ là hội công sở còn thêm "tăng hai", "tăng ba". Càng về sau, số lượng người tham gia ít đi nhưng họ lại là những người thân với nhau hơn, và họ còn sử dụng thức uống có cồn ác liệt hơn. Cũng có khi tăng hai là đi hát karaoke và tăng ba là lại đi uống tiếp.

Góc tối của Nomikai: Những con người hoang hóa và trò bệnh hoạn mượn cớ rượu bia

Rượu vào một chút thì vui nhưng uống quá nhiều sẽ gây nên những điều khó kiểm soát. Tại Nhật, không khó để thấy hình ảnh đàn ông và phụ nữ nằm say sưa giữa đường đi hoặc ngả ngốn ở trên tàu điện, trên sân ga ban đêm, đặc biệt là những ngày trao tiền thưởng ở công ty hay trước kỳ nghỉ năm mới.

Gen Otsuki, một quan chức cấp cao của Hiệp hội cai nghiện Nhật Bản trụ sở ở Tokyo chia sẻ "Đối với những ai thích đồ uống có cồn và muốn dành thời gian bên đồng nghiệp thì sự kiện Nomikai sẽ hữu ích, tuy nhiên nó lại trở thành áp lực tới mức khó khăn với ai không ưa rượu bia."

Câu chuyện về người đàn ông "cởi chuồng" ở đầu bài và những hình ảnh dưới đây có thể sẽ khiến bạn sốc bởi hình tượng người Nhật trong bạn sẽ sụp đổ.

Điều đáng ngạc nhiên là xã hội và chính phủ Nhật dường như ngại đề cập đến vấn đề này, hay nói chính xác hơn là họ không muốn thừa nhận mình gặp vấn đề về rượu bia.

Báo cáo của Bộ Y tế Nhật cho thấy: 1,09 triệu người nước này đang nghiện rượu nhưng chỉ 40% thực sự được điều trị, đó là chưa kể đến rất nhiều người nghiện rượu nhưng không nhận ra hoặc không dám thừa nhận vì tính sĩ diện.

Hệ lụy kể trên hẳn sẽ dẫn tới một điều kinh khủng trong xã hội: Tai nạn giao thông. May mắn thay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp răn đe.

Theo đó, tài xế phải có nồng độ cồn trong máu là 0%, hình phạt còn được tăng lên hơn 8700 USD (hơn 202 triệu đồng) và 5 năm tù. Nếu một ai mà để tài xế lái mình say xỉn còn bị phạt 4350 USD (hơn 101 triệu đồng) và 3 năm tù. Từ động thái này của chính phủ, các hãng sản xuất đồ uống đã hạ mức cồn xuống 0%, và tình trạng say xỉn cũng giảm đi đáng kể.

Sau cùng, những gì xảy ra ở Nomikai, hãy để nó lại ở Nomikai

Những hành vi xấu hổ và đáng chê là vậy nhưng đến ngày đi làm hôm sau, không một ai nhắc lại chuyện gì đã xảy ra. Đơn giản, người Nhật vẫn ưa sự thận trọng và muốn giữ hình ảnh. Đàn ông vẫn có thể cạo râu, tắm sạch sẽ và đi làm bình thường. Chẳng một ai nói về đêm hôm qua anh ta đã cởi chuồng hay say xỉn ra sao.

Văn hóa Nomikai hay những câu chuyện xấu hổ đáng quên trên bàn nhậu của dân công sở Nhật Bản - Ảnh 9.

Bên cạnh đó, người sếp sẽ gửi email cảm ơn nhân viên vì đã hào hứng tham gia Nomikai. Và nhân viên thì phải có trách nhiệm trả lời mail đó càng nhanh càng tốt để thể hiện sự tri ân. Mọi thứ lại chảy trôi bình thường, cho đến những buổi Nomikai tiếp theo, và lại say xỉn, lại hành động mất kiểm soát, và lại bình thường.

Nói tóm lại, Nomikai là công cụ, phương thức để gắn kết và có những bước tiến trong công ty. Nếu không có uống, không có những lúc xả hơi và gần gũi với đồng nghiệp thì thật khó để một nhân viên được chú ý tới. Và chắc chắn rằng, văn hóa Nomikai sẽ còn kéo dài rất lâu về sau ở Nhật, bởi chung quy thì nó đều xuất phát từ nhu cầu giải tỏa căng thẳng và muốn được hiểu hơn về những đồng nghiệp làm cùng.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 5.
Chia sẻ