Vãn cảnh chùa Hương
Những ai lần đầu ra phương Bắc đều mong muốn một lần xuôi dòng suối Yến thơ mộng để đến với danh thắng chùa Hương, ngắm Nam thiên đệ nhất động Hương Tích.
Mỗi năm Xuân về, chùa Hương trẩy hội đông vui, người dân khắp phương đổ về dâng hương cầu mong phước lành trong năm mới. Thời điểm đấy, bạn phải chen chân mới lên được chùa và khó lòng chiêm ngưỡng hết được phong cảnh núi non trùng điệp xung quanh.
Dòng suối Yến thơ mộng dẫn vào chùa Hương có phong cảnh đẹp như tranh vẽ
Bởi vậy, nếu vãn cảnh chùa vào ngày thường, bạn sẽ cảm nhận được hết vẻ thanh tịnh và trong lành của những ngôi chùa nằm giữa núi rừng. Bạn có thể thong dong bước xuống những bậc thang phủ rêu xanh dẫn lối vào các bệ thờ và khối nhũ thạch nằm sâu trong động Hương Tích.
Những chiếc đò chèo tay ở Bến Đục
Trước khi lên chùa Hương, bạn có thể tham quan nhiều ngôi chùa dọc suối Yến. Nếu đi về trong ngày thì bạn nên đến những điểm chính: Đền Trình - chùa Thiên Trù - động Hương Tích.
Chuyến hành trình bắt đầu từ bến Đục, chiếc đò chèo tay trên dòng Yến sẽ đưa bạn vào khung cảnh thơ mộng. Dọc hai bên suối, thảm rừng xanh ngút ngàn, không gian yên tĩnh, chỉ nghe tiếng máy chèo khua sóng nước, tiếng chim muông gọi bầy, tiếng gió thổi vi vu.
Đền Trình nằm dưới chân núi Ngũ Ngạc
Điểm dừng đầu tiên là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ. Đền Trình nằm dưới chân núi Ngũ Ngạc gồm 5 ngọn núi liền kề nhau tạo thành một dãy núi có hình dáng giống Thanh Long (Rồng Xanh) phục gác cổng trời Nam. Đây là nơi du khách thường đến thắp hương, dâng sớ cầu an.
Cầu Hội bắc ngang suối Yến
Hành trình tiếp tục xuôi dòng suối Yến êm đềm, chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình. Ngang qua cây cầu gỗ màu đỏ bắc ngang suối khá đẹp (cầu Hội), từ chân cầu bên trái, bạn có thể đi vào chùa Thanh Sơn trong động núi.
Bến Trò nằm cuối suối Yến
Đoạn dốc dẫn lên chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù hay còn gọi “Bếp Trời”
Bến Trò nằm cuối suối Yến, từ đây bạn rời thuyền và đi bộ leo dốc đến chùa Thiên Trù hay còn gọi là “Bếp Trời”. Điểm nổi bật của ngôi chùa là đỉnh đồng cao 3m nằm giữa sân chùa và vườn tháp với ngôi tháp gạch trần đỏ 4 tầng, tầng thứ 2 và thứ 3 có mái cong hình các đầu đao.
Đỉnh đồng cao 3m nằm giữa sân chùa và vườn tháp
Bên trong chùa có rất nhiều điện thờ được trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt, giữa điện thờ Phật có tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá, tạc theo mẫu tượng trong chùa Hương Tích nhưng được phóng to gấp 2,5 lần.
Khung cảnh núi non hùng vĩ dẫn lên động Hương Tích
Những bậc đá phủ rêu xanh và rừng cây um tùm trong động
Rời chùa Thiên Trù, chuyến leo núi lên chùa Hương nằm trong động Hương Tích bắt đầu. Bạn phải vượt qua khoảng 2 km đường núi quanh co và nhiều dốc. Nhiều đoạn có bậc thang nhưng cũng rất khó nhọc vì càng lên cao đường càng dốc.
Dọc hai bên đường, hàng quán nằm san sát nhau, có cả chiếu nghỉ, quạt máy và nước lạnh cho du khách nghỉ chân lấy sức. Tuy nhiên, đây cũng là điểm trừ cho điểm tham quan này, vì hàng quán dựng tạm bợ, chen chúc nhau chắn hết cả khung cảnh thiên nhiên dọc hai bên đường đi.
Động thênh thang và hun hút như một hàm rồng rộng lớn
Thạch nhũ tên Đụn Gạo giống như chiếc lưỡi trong miệng rồng
Được mệnh danh “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, lối vào Hương Tích động khá thâm u và huyền bí. Bước xuống 120 bậc đá, hai bên rừng cây um tùm khiến bạn có cảm giác đang bước vào cõi tiên.
Những khối thạch nhũ to nhỏ rũ xuống mang nhiều hình dáng khác nhau
Động thênh thanh, hun hút như một hàm rồng rộng lớn với hòn thạch nhũ tên Đụn Gạo giống như chiếc lưỡi trong miệng rồng, nằm chắn chính giữa, gần lối vào cửa. Bước vào trong động, hàng vạn khối thạch nhũ to nhỏ rũ xuống mang nhiều hình dáng khác nhau và có những cái tên gần gũi như: núi đụn Gạo, cây Vàng, cây Bạc, con trâu, con lợn, ao bèo, né kén...
Đặc biệt, trên trần động, rũ xuống chín ngũ đá hình chín con rồng, gọi là “cửu long tranh châu”. Ngoài ra, còn có nhũ đá hình bầu sữa mẹ, róc rách nhỏ những giọt nước trong lành, mát lạnh từ vách đá.