Không mua rau sắng chùa Hương cũng nhớ mua bánh củ mài
Bánh củ mài là món quà mà hầu hết những người đến chùa Hương đều mua về để thưởng thức, để tặng bạn bè, người thân.
Củ mài cùng họ với khoai mỡ nhưng hình dạng thì xù xì hơn, thịt củ thường có màu trắng ngà. Đây là loại củ thường mọc ở vùng núi Hương Sơn. Rễ (củ) của loại cây này thường cắm rất sâu dưới lòng đất, đá nên rất khó đào.
Muốn ăn củ mài, người ta phải lên tận núi để đào, rất vất vả. Củ này thường được mài ra, nấu canh với tôm hoặc nấu chè, ăn hoặc làm bánh. Củ mài có đặc tính thanh, mát.
Củ mài cũng có thể trồng được, nhưng ăn không ngon bằng củ mài trên núi. Ngày nay, ở lễ hội chùa Hương, người ta có thể mua củ mài sống hoặc củ mài luộc để ăn. Ở các chợ hiếm khi thấy bán loại củ này và có thể được xem là củ quý, đặc sản riêng của vùng núi Hương Sơn.
Bánh củ mài là loại bánh dẻo, ăn tương tự như chè lam dẻo. Trong dịp đi trẩy hội chùa Hương, bạn khó có thể bỏ qua đặc sản bánh của mài ở đây. Bánh được bán dưới dạng khối to, ai mua thì cắt thành miếng bán hoặc được cắt sẵn gói trong hộp để làm quà cho tiện.
Bánh củ mài cắt miếng, trông rất giống chè lam.
Có điều đặc biệt là bánh củ mài cũng như rau sắng chùa Hương, chỉ thấy bán nhiều nhất ở vùng núi Hương Sơn. Một số vùng núi như ở Yên Bái cũng có củ mài nhưng không thấy bán bánh củ mài như ở chùa Hương.
Bánh củ mài được bày bán rất nhiều ở chùa Hương.
Nếu không có những chỉ dẫn, mọi người có thể nhầm lẫn giữa bánh củ mài và chè lam – cũng là một đặc sản của vùng Hương Sơn. Bánh của mài cũng có mùi thơm của gừng và mật; dẻo, có lăn bột ở ngoài. Nhưng bánh củ mài có vẻ mịn và mát hơn chè lam.
Bánh củ mài hiệu chú Béo nổi tiếng ở chùa Hương.
Mua bánh củ mài chùa Hương về làm quà là thói quen của những người đi trẩy hội chùa Hương. Đây là món quà không thể thiếu khi bạn đến với vùng đất được coi là Nam Thiên đệ nhất động này.