Vài nét về nghề “hot” giúp chàng trai Việt kiếm tiền tỷ/ngày
Trò chơi Flappy Bird làm mưa làm gió trong thời gian gần đây, kèm với thông tin tác giả game – một chàng trai người Việt kiếm được tiền tỷ/ngày nhờ nó, đã khiến nghề viết ứng dụng điện thoại (viết app) được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết.
Thực ra, nghề viết app đã “hot” từ rất lâu trong giới lập trình. Khi mà thị trường smart phone bùng nổ trong những năm gần đây, các “chợ” ứng dụng như: Apple Store, Android Market, Ovi Store,… "mọc" lên với vô số ứng dụng và hàng tỷ lượt download, nghề này đã được rất nhiều lập trình viên, đặc biệt là các bạn trẻ theo đuổi.
Flappy Bird - trò chơi được sáng tạo bởi một chàng trai Việt đang làm mưa làm gió trên các "chợ" ứng dụng.
Về kỹ thuật làm sao để viết được một ứng dụng, xin mạn phép không đề cập cụ thể, sâu sắc ở bài viết này, bởi nó khá phức tạp và cần có sự đi sâu vào chuyên môn. Tuy nhiên, có thể tổng kết lại rằng, để viết nên một ứng dụng cho các thiết bị di động, lập trình viên phải trải qua các bước: lên ý tưởng, lập kế hoạch cụ thể, chia công việc thành từng mảng (đồ họa, các chức năng của phần mềm,…), ghép các mảng nhỏ với nhau thành ứng dụng hoàn chỉnh, thử nghiệm, sửa lỗi và hoàn thiện.
Sau khi có một ứng dụng hoàn chỉnh, làm thế nào để kiếm ra tiền? Rất đơn giản, bạn chỉ cần up ứng dụng của mình lên các “chợ” ứng dụng để bán phần mềm cho khách hàng và chia lợi nhuận với hãng sở hữu “chợ” ứng dụng đó. Đối với Apple Store, tỷ lệ này là 30% cho Táo Khuyết và 70% thuộc về người đưa ứng dụng lên.
Nếu bạn đưa thiết bị của mình lên và cho phép người sử dụng tải về miễn phí nhờ việc đặt quảng cáo của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Tiền thu được dựa trên số lần người dùng click vào quảng cáo hoặc số lượt tải ứng dụng (mức giá phổ biến mà các đơn vị quảng cáo trả là khoảng 0,01 USD (khoảng 210 VND)/một lượt click hoặc tải quảng cáo – theo chia sẻ của một lập trình viên chuyên nghiệp).
Con số thu nhập khủng của tác giả Flappy Bird và một vài lập trình viên khác khiến nhiều người ước ao đổi nghề.
Sau thành công vang dội của anh chàng tác giả Flappy Bird, trên facebook của khá nhiều chàng coder, thậm chí là một vài bạn trẻ có kiến thức về lập trình ào ào đòi chuyển nghề viết app và nghĩ đơn giản rằng chỉ cần làm theo hướng dẫn có sẵn trên mạng và sáng tạo là có thể kiếm tiền dễ như chơi. Một bạn có nickname K.T nói: “Sướng nhỉ, viết một cái app xong đăng lên, rồi ngồi không chờ tiền rót vào túi. Ông Flappy Bird may nên kiếm được tiền tỷ, nghe đâu các ông viết app thường thường bậc trung thu nhập cũng tính bằng nghìn đô. Phen này em quyết đổi nghề ạ”.
Thực tế, nghề này không hề dễ như K.T và nhiều người tưởng tượng. Để viết nên một ứng dụng mất rất nhiều thời gian, công sức, thường các công trình, dự án phải chia cho nhiều người làm chứ không phải chỉ một người ôm hết mọi việc. Các tài liệu hướng dẫn viết app chủ yếu bằng tiếng Anh, bởi vậy phải thông thạo ngoại ngữ mới có thể hiểu sâu, rõ về các kỹ thuật viết app. Chi phí đầu tư ban đầu cũng không hề nhỏ, riêng các loại thiết bị để lập trình và thử nghiệm đã rơi vào khoảng 2000 USD (tương đương 42 triệu đồng).
Viết được app, đăng lên “chợ” ứng dụng đã vất vả nhưng việc quan trọng hơn nữa, khó hơn nữa làm thế nào để app của bạn thu hút được khách vào download? Ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ là công ty, doanh nghiệp lớn, bạn còn phải “đấu đá” với rất nhiều lập trình viên làm việc đơn lẻ cũng tham gia vào thị trường màu mỡ này. Chưa kể đến việc sáng tạo app sao cho hợp được với “gu” của số đông mọi người cũng là một vấn đề nan giải. Công tác truyền thông cũng rất quan trọng. Một trong số những yếu tố làm nên thành công của Flappy Bird chính là nhờ sự lan truyền của thành viên mạng xã hội tạo nên cơn sốt trò chơi này trên Internet.
Nghề viết app không hề dễ như mọi người tưởng tượng.
Khách quan mà nói, Flappy Bird có những điểm thu hút riêng của nó, nhưng cũng phải nhờ tới thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trò chơi được đưa lên “chợ” ứng dụng từ tháng 5-2013 nhưng mới chỉ bùng nổ trong vài ngày gần đây. Tác giả của Flappy Bird chia sẻ anh chưa từng dùng bất cứ biện pháp quảng cáo nào cho game của mình, điều đó chứng tỏ sự bùng nổ của Flappy Bird đúng là một sự kết hợp thần kỳ của thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nếu bạn lo lắng mình không đủ may mắn như cha đẻ của “trò chơi gây bực mình” siêu hot nói trên, lựa chọn một công ty chuyên phát hành các ứng dụng di động để làm việc là một cách hay. Họ có sẵn các chuyên gia để đánh giá thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, thiết kế ý tưởng và bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi làm việc trong một bộ máy chuyên nghiệp như vậy. Thu nhập của bạn sẽ ổn định hơn và bạn sẽ nhận được các khoản trợ cấp xã hội theo đúng pháp luật.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ các nguồn: GenK, Tuổi Trẻ.