U70 về hưu "từ chối" làm 3 việc, giờ sống rất ung dung, an nhàn
Nhờ sớm “khước từ” 3 điều này, vợ chồng bà cụ Trung Quốc sống rất an nhàn khi về già.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Ngô Tú Quyên, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi năm nay tôi 63 tuổi, chồng tôi 67 tuổi. Trước khi về hưu, tôi từng là giáo viên tiểu học, chồng là kỹ sư, thu nhập cũng khá ổn nên cũng đã tích góp được một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1,2 triệu NDT (gần 4 tỷ đồng). Số tiền này tôi dự tính được dùng cho những lúc ốm đau bệnh tật sau này. Còn chi tiêu hàng ngày sẽ dùng tới số lương hưu 6.000 NDT (gần 20 triệu đồng) của cả hai vợ chồng để chi trả. Với lối sống khá đơn giản của cặp vợ chồng già ở một thành phố cấp 2, cuộc sống về già của chúng tôi rất an nhàn, chẳng âu lo.
Ngày trẻ, chúng tôi chăm chỉ lao động để kiếm tiền, kết giao để gây dựng những mối quan hệ với mong muốn có bàn đạp để công việc và cuộc sống về sau sẽ tốt đẹp lên. Nhưng theo thời gian, tôi dần nhận ra những thứ tiêu cực trong những điều tưởng chừng như tích cực đó. Vậy nên khi đến tuổi về hưu, tôi đã từ chối 3 thứ mà ngày trẻ tôi từng dốc sức theo đuổi để có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn.
1. Từ chối tham gia họp lớp
Thế hệ đi trước chúng tôi dù sức khỏe không còn tốt nhưng vẫn rất thích họp lớp. Sau mấy chục năm thăng trầm bôn ba ngoài xã hội, chúng tôi mỗi người đều có cuộc sống riêng, ít khi liên lạc với nhau. Do đó, những buổi họp lớp là khoảng thời gian hiếm hoi chúng tôi được tụ họp, gặp gỡ hàn huyên chuyện cũ. Tuy nhiên, những buổi họp lớp gần đây khiến tôi có cảm giác khác lạ, không còn thích thú như trước nữa.
Năm ngoái, tôi hào hứng đi dự buổi họp lớp ở quê. Kết quả là một lớp có 58 người thì chỉ còn chưa đến 20 người tới dự. Ở tuổi xế chiều, bạn bè mỗi người một hoàn cảnh khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Người thì đã mất, người thì ốm đau bệnh tật, cũng có người về già phú quý đầy ắp. Tuy nhiên điều khiến tôi không còn muốn tham gia các buổi họp lớp đại học nữa vì ngày hội ngộ của bạn bè cũ lại dần biến chất, trở thành ngày hội khoe giàu, khoe của của những người bạn ''khấm khá" hơn.
Trong ngày họp lớp, họ thường khoe khoang, thể hiện bản thân một cách quá đà. Người khoe có lương hưu cao, tiền tiết kiệm nhiều, người khoe có biệt thự xe sang, con cái giàu có. Điều này vô hình trung sẽ khiến những người có sự nghiệp và cuộc sống không như ý lại cảm thấy rất tủi thân và e dè với những buổi họp lớp như vậy. Bản thân tôi luôn cho rằng sự giàu có hay hạnh phúc thực ra không có định nghĩa tiêu chuẩn. Suy cho cùng, chúng ta ai cũng có cuộc sống riêng và chỉ cần chúng ta hài lòng với điều đó là đã là đủ rồi. Cũng vì thế mà tôi không còn đến những buổi họp lớp vô nghĩa đó nữa.
2. Từ chối sống phụ thuộc vào con cái
Hai vợ chồng tôi có một con trai và một con gái. Con gái tôi sau khi tốt nghiệp đại học thì chọn ra nước ngoài làm việc và định cư. Con trai lớn sau khi lập gia đình cũng dọn ra ở riêng. Dẫu vậy, các con của tôi rất hiếu thảo. Khi vợ chồng tôi ngày một lớn tuổi, sức khỏe yếu đi, vợ chồng con trai cả bàn nhau chuyện “rước” chúng tôi qua nhà sống để tiện bề chăm sóc, phòng khi tuổi cao sức yếu, trái gió trở trời.
Dù rất vui nhưng vợ chồng tôi gạt đi và nói muốn sống ở riêng cho thoải mái. Nghe vậy, các con rất ngạc nhiên nhưng cuối cùng cũng tôn trọng quyết định của tôi.
Tôi cho rằng tuổi già cần người chăm sóc thật đấy, nhưng tôi không muốn điều đó là áp lực hay gánh nặng lên cuộc sống của các con. Người trẻ ngày nay rất bận rộn với công việc, học tập. Chúng có quá nhiều việc khác nhau cần giải quyết. Đôi lúc chính các con còn không có thời gian chăm lo cho bản thân mình thì sao có thể đòi hỏi chúng phải chăm sóc cả cha mẹ nữa.
Bản thân vợ chồng tôi cũng có lương hưu, cuộc sống khá đầy đủ. Chúng tôi thấy mình không đến mức phải có con bên cạnh cho đỡ buồn. Từ ngày về hưu, tôi lấy việc chăm cây cảnh, nuôi cá, đọc tin tức, sinh hoạt CLB người cao tuổi ở phường... làm thú vui mỗi ngày. Với lối sống mới, tuổi già của vợ chồng tôi trôi qua rất vui vẻ và khỏe mạnh. Không những thế, cuộc sống của các con cũng thoải mái hơn. Chúng không bị gánh nặng chăm cha già đè nặng lên vai. Quả thực chỉ cần các con yêu thương mình, thì dù ở gần hay xa, chúng vẫn sẽ quan tâm, chăm sóc mà gia đình vẫn hòa thuận.
Sau này, khi không còn đủ minh mẫn nữa, cuộc sống của tôi sẽ nhờ con cái lo liệu. Còn bây giờ nhân lúc vẫn còn khỏe mạnh, tôi muốn để các con được sống thoải mái. Lúc trẻ, tôi ao ước có được sự tự do, thế nên giờ tôi cũng muốn cho con được tự do tận hưởng cuộc sống của chính mình.
3. Từ chối kết nối với những mối quan hệ vô bổ
Cũng như việc từ chối tham gia các buổi họp lớp, về già, tôi cũng quyết định thanh lọc mạng lưới những mối quan hệ xung quanh mình.
Khi còn trẻ, chúng ta thường thích những nơi náo nhiệt, đông vui như những bữa tiệc cùng bạn bè. Nhiều người cho rằng việc tham gia vào những bữa tiệc đó sẽ giúp họ có thể gặp gỡ nhiều người hơn, tạo dựng các mối quan hệ xã hội và có lợi về sau. Sau chục năm bôn ba ngoài xã hội, tôi nhận ra điều đó không sai nhưng chỉ đúng khi đó là cuộc gặp gỡ của những người bạn "chất lượng" thay vì những "con nhậu".
Thời trẻ phấn đấu làm việc kiếm tiền, kết nối với nhiều loại người âu cũng là để bản thân có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đến lúc xế chiều, chúng ta nên tích cực chọn cách sống phù hợp với bản thân, duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhờ biết sàng lọc các mối quan hệ, ngưng kết giao với những người có lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng đến mình mà những năm tháng về hưu của vợ chồng tôi vui vẻ, thoải mái và ít muộn phiền, rắc rối hơn nhiều.
Bản thân tôi cũng nghĩ rằng tuổi già sức yếu, không nên để bản thân lãng phí thời gian lẫn sức lực bởi những việc không đáng. Có như vậy, những năm tháng cuối đời của chúng ta mới được trọn vẹn, viên mãn.
(Theo Toutiao)