Chủ tịch về hưu tiết lộ: Trên bàn ăn, người có 2 “hành động” này nên tránh “kết giao” kẻo kéo nhau thụt lùi
Cựu cán bộ lãnh đạo Trung Quốc cho rằng từ bàn ăn cũng có thể nhìn ra tính cách của một người. Nếu họ có 2 đặc điểm này thì tránh giao du vì không đáng tin.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Dương Hoa Quân, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Khổng Tử từng nói: "Bản chất của con người là giống nhau, chính thói quen là điều khiến mỗi người trở nên khác biệt".
Muốn nhìn thấu một người, chúng ta phải thông qua từng thói quen và hành vi nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày của chính họ. Chính những lúc thư giãn thoải mái nhất như ăn, uống, ngủ, nghỉ là thời điểm tốt nhất để chúng ta nhận ra bản chất thật của một người. Bởi vậy, từ những hành vi trên bàn tiệc của một người cũng có thể giúp chúng ta nhìn ra tính cách của họ.
Bàn tiệc thường là nơi để giao lưu, kết nối mọi người lại với nhau. Tuy nhiên, thật khó để phân biệt ai là tiểu nhân, ai là quân tử để kết giao. Là một chủ tịch ngân hàng đã về hưu, từng có kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự, tham gia nhiều bữa tiệc và tiếp xúc với rất nhiều kiểu người trong xã hội, tôi cũng muốn chia sẻ một chút góc nhìn của mình về cách nhìn người trong một bữa ăn. Theo ý kiến chủ quan của tôi, có 2 loại người trên bàn tiệc mà bạn nên hạn chế kết giao vì họ thường không đáng tin, càng thân càng dễ thụt lùi.
1. Người hay nói lời tâng bốc người khác
Có lần, một người bạn cũ tên là Lão Châu mời tôi đi ăn tối. Đã nhiều năm không gặp nên tôi rất háo hức với lần hội ngộ này.
Khi đi tới điểm hẹn, tôi thấy đó là một phòng riêng trang trọng ở trên lầu. Ngoài Lão Châu còn có hai người tôi chưa từng gặp bao giờ. Thấy tôi có vẻ bối rối, Lão Chu đến tay bắt mặt mừng mời tôi ngồi rồi giới thiệu qua một lượt những vị khách có trong bữa tiệc nhỏ. Hai người lạ kia một người là anh họ của Lão Châu, người còn lại là bạn của anh họ anh ấy.
Anh họ của Lão Châu rất giỏi nói chuyện. Chỉ mới nhập tiệc, tôi đã bị cuốn ngay vào câu chuyện của 3 người. Sau đó, anh ấy bắt đầu đổi chủ đề sang tôi và bắt đầu khen ngợi:
“Chú Dương, tôi đã nghe Lão Châu nhắc đến chú nhiều. Quả thực không phải ai cũng có thể thành công như chú đâu. Tôi đã xem qua những bài báo viết về chú, cũng đã xem những bản tin có chú xuất hiện. Chú đúng là nhà lãnh đạo tài ba! Hoạt động kinh doanh ngân hàng mà chú từng lãnh đạo đang tiến triển tốt, tốt nhất trong số các ngân hàng ở trong vùng. Phải có một người đứng đầu xuất sắc dẫn dắt thì nó mới phát triển được như ngày hôm nay.”
Nghe vậy, tôi cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, anh họ của Lão Châu cứ gọi tôi là “Chủ tịch Dương” khiến tôi cũng có chút không được tự nhiên. Được đà, Lão Châu còn nói thêm: “Chủ tịch Dương không chỉ là một người rất có năng lực, anh ấy còn rất quý trọng nhân tài. Cũng vì thế mà những nhân viên cấp dưới tài năng của anh ấy cũng được trọng dụng, lần lượt có vị trí cao trong công việc.”
Nghe đến đây, anh họ Lão Châu vội ngắt lời: “Tiện đây, tôi cũng có việc nhờ Chủ tịch Dương giúp đỡ. Con trai bạn tôi học đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp để phát triển. Không biết chú có thể sắp xếp cho thằng bé một công việc trong ngân hàng của chú. Cả đời chúng tôi sẽ không bao giờ quên ân nghĩa này.”
Nói xong, anh ta đưa ra một phong bì to dày màu đỏ. Khi nhìn thấy nó, tôi có chút giật mình. Hóa ra bữa ăn hôm đó đều là có mục đích. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trên bàn toàn là những món tôi thích. Dù có chút bối rối nhưng tôi cũng tìm cách từ chối khéo rồi tìm lý do để ra về sớm.
Sự việc này đã để lại cho tôi một bài học mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là sau này nhất định phải cẩn thận với những người hay nói lời tâng bốc, xu nịnh người khác để rồi thông qua đó mà dễ dàng thăng tiến. Thực ra nói lời nịnh hót không phải là hành động xấu. Cái xấu xí ở đây là họ muốn đi đường tắt, và phương pháp đó của họ có thể sẽ làm tổn hại tới lợi ích chính đáng của bạn. Bởi vậy cũng kể từ đó, nếu có ai đó nói mấy lời đó với tôi, tôi lập tức sẽ tránh xa họ.
2. Người hay khoe khoang
Một lần, tôi đi dự một bữa tiệc sinh nhật do một người bạn tổ chức. Đó là sinh nhật lần thứ 80 của mẹ cậu ấy, được tổ chức tại một khách sạn khá lớn và có rất nhiều người tham dự. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, có nhóm nâng cốc chúc mừng, có nhóm thì bắt đầu làm quen với nhau.
Có người nghe tôi nói từng làm chủ tịch ngân hàng thì hỏi thăm. Anh ta kể rằng họ hàng của anh ấy bị liệt 10 năm mà chỉ có con út chăm sóc. Vì thế nên trước khi qua đời, họ đưa cho con trai út tất cả gia tài có được là một số tiết kiệm trực tuyến trong đó có 100.000 NDT. Tuy nhiên khi cậu ấy đi rút tiền thì bị báo sai mật khẩu, không thể rút số tiền đó ra được nên muốn nhờ tôi giúp đỡ.
Tôi còn chưa kịp lên tiếng thì đã có người tiếp lời. Người này ăn mặc khá bảnh bao, anh ta nâng ly rồi khoe rằng anh họ của mình là chủ tịch của một ngân hàng nào đó rất lớn trong vùng, chỉ cần anh ta lên tiếng với người anh họ này thì nhất định có thể giúp đỡ người trên. Theo lời người này nói thì thủ tục giải quyết rất đơn giản, chỉ cần CMND của người họ hàng đó là được.
Nghe vậy, tôi nghĩ thầm nghĩ chuyện này sao có thể dễ dàng xử lý như vậy được. Bởi người đã mất không hề để lại di chúc trong khi về mặt pháp lý thì cả 3 anh em trong gia đình đều có quyền thừa kế. Người được cho là có quyền thừa kế vừa không có thông tin chứng minh, vừa không thể nhớ mật khẩu của sổ tiết kiệm trực tuyến kia.
Khi tôi lên tiếng cho rằng trong trường hợp này, ngân hàng sẽ khó giải quyết nếu không có giấy ủy quyền hay di chúc thì chàng trai trẻ kia ngắt lời: “Anh họ tôi là chủ tịch ngân hàng, sao tôi lại không nắm rõ chuyện này chứ. Chú cũng chỉ là chủ tịch đã về hưu mà thôi, nhiều quy tắc đã thay đổi rồi mà có thể chú chưa biết”.
Thấy không khí trên bàn tiệc bỗng trở nên căng thẳng, những người khác cũng bắt đầu lên tiếng và hướng câu chuyện sang một chủ đề khác. Tôi cũng im lặng rồi ở lại buổi tiệc thêm một lúc nữa rồi ra về. Qua sự việc này, tôi lại học được thêm một bài học cho mình. Đó chính là khi ở trước một người hay khoe khoang về họ, bản thân nên im lặng, dù biết được sự thật đằng sau cũng không nên vạch trần bởi điều đó chẳng có tác dụng gì, đôi khi lại khiến bản thân rơi vào những tình huống khó xử.
Mục đích của một người hay khoe khoang là mong nhận được lời khen ngợi, ca tụng từ người khác. Họ muốn được chú ý và thích tranh đoạt “ánh đèn sân khấu”. Tuy nhiên chỉ những người không đủ năng lực, hay ba hoa khoác lác mới thích phô trương bản thân, tài sản hay các mối quan hệ để tìm kiếm sự công nhận. Thay vì nhận về sự nể phục, tôn trọng, điều đó chỉ khiến họ trở thành trò cười trong mắt những người khác.
Người thực sự giỏi giang và có hiểu biết thì không cần phải khoe mẽ như vậy. Bởi họ biết mình biết ta, biết xác định giới hạn của bản thân. Chỉ có người khống chế được cái miệng của mình trên bàn ăn mới là người khôn ngoan, biết kiểm soát và nắm giữ vận mệnh của chính mình.
(Theo Toutiao)