Tủi hờn của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, lúc quay về họ hàng xua đuổi
Lúc trẻ bà Hải bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người ta, không may đến cuối đời cả gia đình chồng con đều tai nạn tử vong. Khi bị nhà chồng ruồng bỏ, quay về Việt Nam, bà Hải lại bị chính người cô ruột của mình xua đuổi.
"Hôm đấy trời mưa tầm tã, tôi gạt nước mắt đi, không cần biết đi đâu cả..."
Bà Nguyễn Thị Hải (62 tuổi, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là một trong hơn 10 cụ già neo đơn đang được cưu mang tại "Ngôi Nhà Yêu Thương" ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Ở đây, cuộc đời bà Hải là đặc biệt và khốn khổ hơn những người khác, có lẽ ở đây cũng là nơi đầu tiên bà nhận được sự quan tâm, lo lắng và chia sẻ từ những thành viên khác cùng sống dưới một mái nhà.
Bà Nguyễn Thị Hải.
Nói về câu chuyện của đời mình, bà Hải thở dài chia sẻ: "Số tôi khổ lắm, mà đúng hơn là số đơn độc. Sinh ra trong một gia đình nhiều anh chị em, tưởng rằng sẽ đông vui, ấm áp thì cứ từng người, từng người một yểu mệnh. Cha mẹ cũng nay ốm mai đau, chẳng ai còn tâm sức lo cho ai được cả.
Đến năm tôi 18 tuổi thì mẹ mất, 23 tuổi thì bố mất, gia đình 10 người còn mỗi tôi trơ trọi. Không học hành, không nhan sắc, không nghề nghiệp cũng chẳng vốn liếng, tôi sang làm công cho nhà cô ruột. Tiếng là làm công nhưng làm việc hết lòng cũng chỉ để đổi lấy bữa cơm, chẳng tơ hào gì của nả riêng chung nào cả.
Thời gian thấm thoắt trôi, khi đứa con út của cô không còn cần người trông coi nữa thì tôi cũng đã ngoài 30 tuổi. Lúc này tôi có tính đến chuyện buôn bán vặt, nhưng trong một chuyến đi Trung Quốc, tôi bị người ta lừa bán làm vợ đất khách quê người".
Vừa kể chuyện, bà Hải vừa soạn mâm cơm tối cho cả nhà, cả nhà ở đây là những người neo đơn như bà cùng về đây chung sống. Soạn xong mâm cơm, trong lúc chờ mọi người rửa tay chân chuẩn bị vào bàn, bà lại chép miệng kể nốt câu chuyện đời mình.
Mọi người đang chuẩn bị bữa cơm tối.
Kể từ lúc bị lừa bán, bà phải làm vợ cho một người nông dân ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Không biết tiếng, không biết văn hóa, sợ bị đánh đập, bà sống lầm lũi, cũng không nhận được sự quan tâm, tôn trọng của những người khác.
"Ở bên đó tôi có 2 đứa con, một trai một gái, cũng đã 25, 26 tuổi rồi. Nông dân ở bên đấy còn khổ hơn bên mình nhiều, làm quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya. Mình không biết tiếng nên chẳng nói năng được gì, làm sai thì sợ bị đánh. Nhà chồng cũng quản thúc lắm, sợ tôi trốn đi mất", bà Hải kể.
Rồi thời gian trôi đi, bà Hải cũng học được bập bẹ vài câu tiếng Trung giao tiếp hằng ngày, nhà chồng cũng biết rằng bà không còn ý định bỏ trốn, các con bà cũng lớn, cuộc sống đỡ cực hơn. Năm 2013, sau gần 30 năm, lần đầu tiên bà được nhà chồng cho về Việt Nam thăm quê.
"Buồn lắm, về nhà nhưng chẳng còn ai, nền đất cũ của nhà cha mẹ cũng không còn nữa. Hỏi thăm được vào nhà cô ruột, thế nhưng bà ấy cũng lạnh mặt làm ngơ. Đứa con bà ấy hồi trước tôi bế vẫn còn đó, thế mà bà ấy đuổi tôi như đuổi hủi, chẳng nghĩ gì, tôi trở ra và quay về Trung Quốc, cứ nghĩ sẽ chảy bao giờ quay về quê làm gì nữa", bà Hải nói.
Nhưng đời chẳng biết thế nào mà nói trước, đến năm 2017, bà Hải lại một lần nữa về Việt Nam, lần này bà bất đắc dĩ phải về. "Năm ngoái cả chồng cùng hai đứa con của tôi và họ hàng đang ngồi trên xe ô tô thì tai nạn, không còn ai sống sót cả. Một lần nữa tôi lại mất sạch gia đình", bà Hải bùi ngùi.
Lo xong ma chay cho chồng con, bà bị nhà chồng ruồng rẫy, coi như là vận xui khiến người thân họ gặp nạn. Cũng chẳng còn chốn nào để đi, bà đành quay về Việt Nam lần nữa.
"Anh em nhà chồng bảo gia đình mất hết rồi thì cũng nên về quê đi, ở lại làm gì nữa. Về đến cửa khẩu, vì thủ tục vướng mắc, tôi bị công an giữa lại. Lúc đó trong lòng cứ nghĩ họ giữ càng lâu càng tốt, không thả ra thì lại tốt hơn, đỡ phải nghĩ đến chuyện đi đâu về đâu cả.
Hai tháng sau, cuối cùng họ cũng thả, tháng 9/2017, tôi về Việt Nam. Vào nhà cô ruột, bà ấy dội ngay một gáo nước lạnh vào đầu. Bà ấy bảo "mày về Trung Quốc đi, mày về đây thì ở vào đâu". Bà ấy cũng chẳng để tôi bước chân vào nhà kể xong câu chuyện. Hôm đấy trời mưa tầm tã, tôi quay ra, gạt nước mắt đi, cũng không cần biết đi đâu cả", bà Hải nhớ lại.
Rồi bà dạt ra khu trung tâm thành phố Hải Phòng, tiện đâu thì ở đó, nhặt ve chai sống tạm qua ngày. Một ngày cuối tháng 6 năm 2018, một người phụ nữ quê Thái Bình gặp rồi giới thiệu bà về Ngôi nhà yêu thương này.
Những người lạ coi nhau như ruột thịt
Lần đầu tiên, ở nơi đây, bà Hải được sống trong cảm giác được yêu thương, che chở. Mọi người đều chung cảnh ngộ, được đưa về đây, được chăm sóc tận tình.
Ngồi chờ bữa cơm đang được mọi người chuẩn bị, Cụ Phạm Thị Gái (91 tuổi), người già nhất trong ngôi nhà này chia sẻ: "Tôi sinh ra trong một gia đình có đông anh em nhưng tất cả đều bỏ tôi ở lại mà ra đi hết. Bệnh tật triền miên, của nả cứ đội nón ra đi, đến già thì nhà ở cũng chẳng còn.
May mắn được đón về đây, giờ nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu, lại có người bầu bạn, tâm sự mỗi ngày".
Ngôi nhà yêu thương nơi những người già neo đơn sống với nhau như ruột thịt.
Anh Cường, người quản lý ngôi nhà cho biết, nhà được xây dựng trên diện tích rộng 200 m2, gồm 3 tầng có thể đủ cho khoảng 50 người ở. Những người đến đây là các cụ già neo đơn, những sinh viên ngèo và các trẻ mồ côi.
"Cuộc sống ở đây đều hoàn toàn miễn phí, chi phí sinh hoạt đều do chị Thảo (nhà từ thiện đã đầu tư xây ngôi nhà) và các nhà hảo tâm tài trợ. Những trường hợp được đón về đều được xác mình nhân thân, lý lịch và hoàn cảnh rõ ràng.
Trẻ mồ côi ở đây được nuôi và hướng nghiệp cho đến khi có thể tự lập, các cụ già thì được chăm sóc cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay", anh Cường chia sẻ.