Tục xem ngày kén giờ của người Việt và chuyện về cuốn "Ngự Lịch" vua ban vào dịp Tết

Minh Dương,
Chia sẻ

Câu chuyện về xem ngày kén giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy thực hư về việc xem ngày kén giờ như thế nào?

Phàm những việc trọng đại trong đời như lễ cưới, lễ tang, xây dựng nhà cửa, khai trương,... nhiều người chú trọng ngày lành tháng tốt, mặc dù có ý kiến cho rằng điều này là gieo rắc mê tín, tất thảy việc lớn việc nhỏ, việc gì cũng xem ngày xem giờ, rồi mọi điều may rủi đều đổ lỗi cho việc không chọn ngày, chọn giờ.

Tục xem ngày kén giờ của người Việt

Khoa học dự báo được thời tiết, những hiện tượng thiên nhiên như nhật thực, nguyệt thực, sao băng, sao chổi,... chính xác đến từng phút. Và những tác động của tự nhiên ảnh hưởng đến từng người, từng việc, từng vùng ra sao có lẽ vẫn là điều còn nhiều bí ẩn. Dẫu vậy, trên thực tế cho thấy, có ngày mọi việc thành công, nhiều điều may mắn tự nhiên tới; cũng có ngày sớm hôm vất vả mà "xôi hỏng bỏng không". Xoay quanh vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng dân ta vẫn thường nghĩ "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", thêm vào đó những điều kiêng ấy cũng không ảnh hưởng gì tới kinh tế hay xã hội. Đặc biệt, việc xem ngày kén giờ thể hiện tinh thần cầu thị, ước mong tìm lành tránh dữ, đạt được những điều an yên, hạnh phúc trong dân gian. 

Trong Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính xuất bản năm 1915, tái bản năm 1990, có nhắc tới rằng: "Khi gia đình có việc hệ trọng, cần nhiều người tham dự thì càng thận trọng càng hay, nhưng chớ quá câu nệ nhiều khi nhỡ việc. Mỗi người một thuyết, mỗi thầy một sách, rối rắm quá, có khi cả tháng không chọn được ngày tốt. Xem trong cuốn "Ngọc hạp kỷ yếu" không có một ngày nào hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu đối với mọi người, mọi việc, mọi địa phương".

Tục xem ngày kén giờ của người Việt và câu chuyện ban lịch Tết thời xưa - Ảnh 1.

Một tờ lịch thuở xưa (Ảnh tư liệu)

Trong cuốn 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt có nhắc đến mẩu chuyện nhỏ về vua Trần Minh Tông với việc chọn ngày làm lễ an táng mẹ. Câu chuyện như thế này. Vào năm 1332, Thuận thánh Bảo từ Hoàng thái hậu mất. Con là Hoàng Minh Tông lúc đó nhường ngôi cho con là Hiển Tông. Thượng hoàng đã sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người bèn tâu vua rằng: "Chôn năm nay tất hại người tế chủ". Thượng hoàng liền hỏi: "Người biết sang năm ta nhất định chết à?". Người đó trả lời không biết. Thấy thế, Thượng hoàng lại nói: "Nếu sang năm trở đi ta chắc chắn không chết thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát, lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương". Rốt cuộc sau đó vẫn cử hành lễ an táng.

Những việc như cưới xin, làm nhà, khai trương, xuất hành đi xa, gieo mạ cấy lúa, tế tự, an táng,... lại cần xem ngày. Nhưng đến những việc vụn vặt như tắm gội, may áo,... cũng có người cẩn thận quá mà kén ngày.

Chính vì thuộc về tục xưa nên có người tin, cũng có người không tin, nhưng việc xem ngày kén giờ không chỉ được lưu truyền trong dân gian mà còn được tòa Khâm thiên giám ban hành "Hiệp kỷ lịch". Xem ngày kén giờ với các việc đại sự chỉ là một phần, phần quen thuộc hơn đối với mỗi người dân đó chính là lịch treo tường.

Câu chuyện vua Nguyễn ban lịch Tết

Nói một chút về lịch sử lịch pháp nước ta, các nhà làm lịch cho rằng từ thời Lý trở về trước, dân ta dùng lịch của Trung Quốc. Có thể từ thời Trần mới có phép lịch Thụ Thời giống nhà Nguyên - Mông, đến cuối thời Trần đổi tên là Hiệp kỷ lịch. Đến thời Lê, ta dùng phép lịch Đại Thống giống nhà Minh (Trung Quốc), nhưng tài liệu cổ chưa tìm được cuốn lịch nào.

Bởi vậy, những tư liệu thư tịch về lịch pháp thời Nguyễn vẫn được biết đến nhiều nhất, chẳng hạn như Đại Nam hiệp kỷ lịch. Đến năm 1813 (năm Gia Long thứ 12), triều đình ban hành lịch mới với tên gọi là Hiệp kỷ lịch. Bên cạnh đó, còn một bộ lịch khác là Khâm định vạn niên thư, cùng với Hiệp kỷ lịch là hai bộ lịch có tính chất pháp định được Khâm thiên giám thực hiện. Ngoài hai bộ lịch nổi tiếng này, triều Nguyễn còn lưu hành các bộ khác nhưng thiên về chọn ngày giờ và các mục như trạch cát, chiêm đoán,... như Ngọc hạp thông thư, Ngọc hạp toản yếu, Hiệp kỷ biện phương,...

Tục xem ngày kén giờ của người Việt và câu chuyện ban lịch Tết thời xưa - Ảnh 2.

Hình ảnh các quan đang chầu trong Lễ ban sóc (lễ ban lịch mới) tại Ngọ Môn. (Ảnh tư liệu)

Hằng năm, triều đình đều làm lịch để ban hành khắp trong kinh thành và cho cả dân thường. Nhiệm vụ làm lịch của Khâm thiên giám dưới triều Nguyễn rất quan trọng. Công việc cụ thể là tính toán cho biết độ sai chênh lệch của từng năm, tính cho đều khí tiết vừa đúng. Thông lịch được làm để biết thì giờ làm ăn, tính ngày giờ để chọn được ngày tốt.

Khâm thiên giám là cơ quan dự đoán khí tượng thủy văn, khí hậu, có nhiệm vụ dự báo thời tiết, làm lịch âm dương ban hành cả nước, quản lý thư tịch về thiên văn, lịch pháp; chọn ngày giờ tốt để Hoàng đế và triều thần thực hiện những việc quan trọng như tế lễ, xuất quân, tuần thú,...

Trong Đại Nam thực lục còn cho biết, Hiệp kỷ lịch là lịch chép ngày tháng trong mỗi năm theo can, chi, có chia đều các tiết, các mục. Hiệp kỷ lịch được chép tay duy nhất 1 cuốn để dâng vua, được gọi là "Ngự Lịch". Theo đó, còn có "Quan Lịch" là lịch dùng cho các quan và "Dân Lịch" được phát cho toàn dân. 

Để hoàn thành được trọng trách "Phải tính toán cho biết độ sai của từng năm, tính cho đều để khí tiết vừa đúng. Làm thông lịch để biết thì giờ làm ăn, coi dáng mây để xem tượng trời, tính ngày giờ để chọn ngày tốt, giữ đồng hồ để báo canh năm", Khâm thiên giám đã bắt đầu công việc soạn thảo lịch từ tháng 5 Âm lịch. Về bản thảo thì các lịch đều giống nhau, nhưng tùy vào loại lịch các chi tiết, cụ thể từng ngày trong 12 tháng, ngày nào nên làm việc gì, kiêng việc gì đều được thể hiện. Đối với "Dân lịch" thì mọi thứ sơ sài hơn. 

Tục xem ngày kén giờ của người Việt và câu chuyện ban lịch Tết thời xưa - Ảnh 3.

Ảnh tư liệu Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ được sách để nghiên cứu làm lịch Tết của Khâm thiên giám.

Chẳng hạn như ngày cấm hát xướng, yến lạc, mặc các sắc đỏ, tía thì thêm một khuyên mực to ở trên đầu dòng còn ngày cấm xử việc hình, sát sinh thì thêm khuyên mực đen nhỏ làm dấu. Đương nhiên, hình thức của Ngự Lịch bao giờ cũng được trang trí cầu kỳ và đẹp đẽ nhất. Ví dụ như vua Minh Mạng từng ban sắc trong năm 1823 rằng: "Hằng năm làm hiệp kỷ ngự lĩnh, bìa liền cả mặt trước mặt sau 1 bức, theo thước công bằng gỗ rộng 9 tấc 2 phân, cao 7 tấc 7 phân, dùng lụa Tàu, 8 tờ sắc vàng đều thêu hoa rồng mây; Duy mặt trước dùng 1 miếng lụa Tàu, 8 tờ sắc hoa đào dài 1 tấc, rộng 5 phân, thêu hai chữ Ngự Lịch".

Tục xem ngày kén giờ của người Việt và câu chuyện ban lịch Tết thời xưa - Ảnh 4.

Ảnh minh họa bìa một cuốn "Ngự Lịch". Nguồn: Sưu tầm

Về hình thức, cuốn Ngự Lịch đóng theo kiểu sách cổ, bìa làm bằng một tấm lụa màu vàng, thêu rồng mây liền từ sau ra trước gọi là "Đoạn bát ty". Ở giữa có một cái nhãn, cũng giống chất liệu bìa, màu hoa đào, thêu nổi hai chữ "Ngự Lịch". Kỹ thuật in lịch dùng mộc bản gỗ thị khắc chữ, mỗi bản in một tờ. Mỗi năm Khâm thiên giám phải cung cấp lịch cho cả nước. 

Về phần giấy in lịch, từ Mộc bản triều Nguyễn thì lịch rồng phượng dâng miếu điện, cung Gia Thọ, lịch ban cho quan dùng giấy nguyên giáp và giấy sơn bối, mặt lịch được đóng ấn "Hoàng đế chi bảo", các lịch khác thì đóng ấn "Khâm thiên giám".

Theo thông lệ, ngày 1 tháng 12 Âm lịch, tại điện Thái Hòa, Lễ ban sóc (lễ ban lịch mới) được tổ chức ở Hoàng cung. Đây cũng được coi là nghi lễ đầu tiên đánh dấu đón năm mới. Vào ngày Lễ ban sóc, các quan mặc triều phục xếp hàng ở hành cung. Theo nghi thức, quan Khâm thiên giám sẽ dâng tấu rằng: "Duy có mệnh trời sáng suốt, rõ rệt, nên phải theo lối người trước, lường tính từng ngày. Sớm, tối kính cẩn, phúc nhà vua lại thành. Nay, chọn được ngày tốt, ban hành lịch năm, mong nghìn muôn tuổi, nước được bình yên". 

Như vậy, tục chọn ngày kén giờ không chỉ là niềm tin trong dân gian muốn tìm lành tránh dữ mà còn được hình thành lịch pháp sử dụng trong triều đình và cả nước. Cũng qua đó cho thấy, nhà vua rất quan tâm tới đời sống của người dân, đồng thời thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa các nghi lễ ngày Tết của người xưa. Đây cũng là niềm vui mà mỗi người dân đều háo hức mong chờ trước khi bước sang một năm mới may mắn, tràn đầy hy vọng và an lành.

Chia sẻ