Tháng Chạp, Lạp Nguyệt: Bí ẩn đằng sau tên gọi của tháng 12 Âm lịch và những việc thường làm ngày giáp Tết
Tháng 12 Âm lịch thường được gọi là tháng Chạp, hay còn tên gọi khác là Lạp Nguyệt. Trong tháng cuối cùng của năm có những sự kiện quan trọng nào không thể bỏ qua?
Tháng 12 Âm lịch là tháng cuối cùng của năm, nhưng người dân thường gọi theo cách gần gũi là tháng Chạp.
Tháng Chạp - Tháng tạ ơn, chuẩn bị đón Tết
Tháng Chạp, là tháng "củ mật", ý chỉ tháng cuối cùng của năm âm lịch. Tháng Chạp luôn bắt đầu sau ngày Đông chí. Trong tháng cuối cùng của năm này, các công việc bận rộn được mọi người nhanh chóng hối hả hoàn thành để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Tháng Âm lịch thực chất là cách gọi của Nông lịch, tháng cuối cùng trong năm được gọi là tháng Chạp, hoặc Lạp Nguyệt. Chữ "Lạp" có nghĩa ban đầu là loại thịt khô được hong gió trong mùa đông. Sau này, chữ "Lạp" được dùng để chỉ lễ tế cuối năm của người Trung Quốc. Cho nên, lễ Tất niên cũng được gọi là Đại Lạp.
Theo từ điển Hán Việt, ý nghĩa đầu tiên của chữ "Lạp" là chỉ tháng 12 trong Nông lịch, dùng thịt khô để tế thần, cầu phúc nên được gọi là Lạp Nguyệt.
Cũng theo một tài liệu cổ xưa, "Lạp" vốn là một loại lễ tế. Người ta dùng thịt thú săn bắn được để cầu phúc thọ, bình an, tránh dữ đón lành. Nên "Lạp Nguyệt" chỉ tháng 12 Nông lịch biểu trưng văn hoá du mục của người Trung Quốc. Còn với dân ta, tháng 12 Âm lịch được gọi với cái tên thân thuộc hơn là tháng Chạp.
Ngoài ra, tháng Chạp còn được biết đến với những tên gọi khác như Quý đông, Tàn đông, Băng nguyệt, Mộ đông. Theo lịch người xưa, thời gian mỗi tháng trong một mùa được gọi là Mạnh (đầu tháng), Trọng (giữa tháng) và Quý (cuối tháng). Cũng như tháng 12 Âm lịch là tháng Quý đông (cuối đông).
Vào thời nhà Thương (Trung Quốc), hàng năm có bốn lễ tế lớn được tổ chức vào các mùa xuân, hạ, thu, đông để thờ cúng tổ tiên và các vị thần trời đất, trong đó lễ tế mùa đông có quy mô hoành tráng và trang trọng về nghi thức. Về sau, lễ tế mùa đông được gọi là "Lễ hội tháng Chạp", có nghĩa là cúng thần linh vào tháng 12 Âm lịch.
Trong văn hoá xưa của người Trung Quốc, tháng Chạp còn được gọi là tháng Quý đông (tháng cuối cùng của mùa đông) hay tháng Lạp Nguyệt. Tại sao lại gọi là Lạp Nguyệt? Sở dĩ, 'Lạp' mang nghĩa chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, 'Lạp' cũng có nghĩa là thịt. Người Trung Quốc xưa kia, bắt đầu từ tháng Chạp đã ướp thịt khô vào mùa đông để dành ăn Tết, chẳng hạn như lạp ngư (cá ướp muối hong khô), lạp tràng (lạp xưởng).
Đồng thời, 'Lạp' cũng là lúc người Trung Quốc thực hiện lễ tế cuối năm từ thời nhà Chu. Lạp ở đây còn có nghĩa là 'Lạp mả' - thăm nom, sửa sang phần mộ của tổ tiên, mời các cụ về 'đón Tết' cùng cháu con. Ở Trung Quốc, tháng Chạp còn diễn ra lễ hội cầu may đó là Tết Lạp Bát.
Người Á Đông coi trọng nông nghiệp bởi vậy người xưa quan niệm rằng, mùa màng bội thu là nhờ trời đất ban cho nên cúng trời đất để tạ ơn. Người ta gọi đó là Lạp Tế. Người Trung Quốc thực hiện lễ này vào ngày 8/12 âm lịch, sau khi nghi lễ kết thúc, người ta nấu cháo bằng các loại đậu, kê mới, thường là 8 loại, để cúng bái tổ tiên và chiêu đãi mọi người.
Đối với người Việt ta, sự hiếu thảo với các bậc tổ tiên được thể hiện rõ qua việc thờ cúng. Bởi vậy, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm mà người dân cả nước hướng về một cái Tết đoàn viên, sum vầy bên gia đình.
Tháng cuối cùng của năm, ai nấy đều tất tả cố hoàn tất các công việc còn dang dở, dốc sức 'cày cuốc' để có thể sắm một cái Tết ấm no. Trước khi đón đêm Giao thừa thiêng liêng, tháng Chạp là tháng có nhiều công việc và lễ nhất.
Tết Nguyên đán thiêng liêng và quan trọng trong tâm thức người Việt. Và tháng Chạp chính là khúc dạo đầu của các lễ hội mùa xuân ấy. Người dân khắp cả nước rộn ràng sắm sửa, đi chợ Tết, dọn dẹp nhà cửa, mua tranh, làm cỗ cho đến đêm Giao thừa.
Tháng Chạp, người dân thường làm gì?
Xưa kia, ngay từ đầu tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn có tổ chức Lễ ban sóc (nhận lịch mới). Đây được coi là sự kiện đầu tiên trong chuỗi ngày chuẩn bị các công việc đón năm mới của người Việt ta. Mặc dù, hiện nay, không còn lễ này nhưng việc mua lịch treo tường mới vẫn được nhiều gia đình coi trọng.
Cúng Rằm tháng Chạp
Nếu như người Trung Quốc coi trọng lễ Lạp Bát vào ngày mùng 8/12 Âm lịch thì người Việt ta lại tận tâm cúng Rằm tháng Chạp hơn. Rằm tháng Chạp đánh dấu ngày Rằm cuối cùng trước khi khép lại năm cũ. Bởi vậy, nhiều gia đình cũng thực hiện lễ tạ ơn tổ tiên, thần linh trong ngày Rằm cuối năm này. Mâm cúng Rằm tháng Chạp không chỉ thể hiện lòng biết ơn suốt một năm được thần linh, gia tiên che chở mà còn nhằm mong cầu bình an cho gia đình, xua đuổi những điều xui rủi của năm cũ. Tùy vào điều kiện và thời gian của mỗi gia đình mà lễ cúng Rằm tháng Chạp to hay nhỏ, lễ chay hay lễ mặn.
Lễ ông Công ông Táo - tiễn Thần Bếp về chầu trời
Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân về chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc diễn ra trong nhà của gia chủ suốt một năm và sẽ trở về hạ giới vào ngày 30 Tết.
Việc cúng Táo quân (Thần Bếp) thể hiện lòng biết ơn tới Thần Bếp luôn chăm lo, săn sóc cuộc sống của cả nhà trong năm qua. Đồng thời, đây cũng là dịp cầu bình an, may mắn cho năm mới, mong rằng Táo quân sẽ "bẩm báo" những điều hay để năm tới gia đình thêm ấm no, tài lộc.
Dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa
Tháng Chạp là lúc công việc trong năm bận rộn hơn cả vì ai cũng muốn "cày cuốc" để kiếm thêm tài lộc đón Tết tươm tất, bình an. Nhưng dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa cũng là một trong những công việc được quan tâm trong tháng Chạp.
Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, các gia đình bắt đầu công việc bao sái bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ vận xui năm cũ, đón vận khí của năm mới. Đồng thời, cũng mua thực phẩm để chuẩn bị làm các món ăn cổ truyền trong ngày Tết như bánh chưng, giò chả,... Ngoài ra, việc trang hoàng nhà cửa cũng không thể thiếu được cành đào, chậu quất, các loại hoa,... Nhiều gia đình vẫn còn giữ truyền thống xưa là trồng cây nêu trước nhà để "trừ tà".
Cuộc sống ngày nay, không còn phổ biến chợ phiên hay đầu năm chợ đóng cửa nữa, ngay từ mùng 1 hoặc mùng 2 Tết nhiều cửa hàng, siêu thị hay chợ dân sinh cũng đã họp. Tuy nhiên, việc tích trữ thịt cá, rau củ đầy đủ từ trước Tết với ngụ ý dự báo một năm đủ đầy, có của ăn của để.
Lễ Tạ mộ (Lễ Chạp)
Sau khi những công việc trên hoàn thành, vào những ngày cuối cùng của năm, các gia đình thường đi chạp mộ, dọn dẹp, lau chùi mộ phần và "có lời" mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Lễ Tất niên
Với người Việt, bữa cơm Tất niên là một khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Đây không chỉ là bữa cơm đoàn viên mà còn mang ý nghĩa về sự sung túc. Gia đình càng đông đủ thì càng nhiều phúc lộc và may mắn. Trong ngày này, mọi người cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng Giao thừa.