Vùng đất đặc biệt không đón Tết Nguyên đán vào đầu năm, cũng không có đêm giao thừa
Bạn có biết là nơi nào không?
Trải dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, nước ta ở mọi miền đất nước đều đón Tết. Nhưng không phải cái Tết nào cũng giống nhau. Có Tết theo Mặt Trăng, có Tết theo Mặt Trời, có Tết lại theo mùa vụ, theo con nước. Lại có Tết cho trẻ em, cho thầy giáo và cho cả những ngày trọng đại của đất nước.
Tết được biết đến nhiều nhất là Tết Nguyên đán, tức là đón ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm. Tết Nguyên đán mang đậm truyền thống dân tộc, mang cả hơi thở sắc màu tâm linh, tín ngưỡng. Bởi ngày Tết bao giờ cũng vui, cũng hứa hẹn điều mới cho những ngày sắp tới.
Có lẽ, những ngày trước Tết lúc nào cũng khiến người ta háo hức, bởi không khí chuẩn bị mới tất bật, rộn ràng làm sao. Dù miền ven biển lên miền núi, từ nông thôn ra thành phố, từ nơi đồng bằng sông Cửu Long lên tới rẻo cao Tây Nguyên thì người dân đều có phong tục sắm tết, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho thật sạch sẽ, tươm tất để đón Tết.
Phong tục Tết các nơi trên đất nước ta dù ít nhiều khác biệt nhưng đều mang nỗi niềm háo hức của một mùa hy vọng mới, với lòng biết ơn tổ tiên, đất trời đã ban cho sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu. Nếu như ở dưới đồng bằng đón Tết khi xuân sang, lúc mà những hạt mưa se lạnh lất phất rơi trong sương sớm, những tia nắng nhẹ ló rạng khỏi mây chiếu xuống trần gian những ánh vàng của năm mới thì ở người Jrai lại đón một cái Tết thật khác.
Dân tộc Jrai là một trong những cư dân sớm sinh tụ ở vùng núi Tây Nguyên. Theo số liệu điều tra năm 2019, dân số Jrai có 513.930 người, cư trú tập trung ở ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk và có một số ít ở Bình Định.
Tháng "Quên" của người Jrai
Trong nền văn hóa đậm truyền thống của người Jrai, Tết Nguyên đán là một nét vẽ tươi sáng thể hiện sự khác biệt với nơi khác. Ngay từ sớm, người Jrai đã theo nông lịch, một năm có 12 tháng. Mỗi năm qua đi, qua mùa khô hanh, khi hạt mưa đầu tiên rơi xuống, người Jrai tính đó là tháng Giêng, tương đương với tháng 4 Dương lịch.
Bởi vậy, cơn mưa đầu tiên đối với người Jrai rất có ý nghĩa. Và thường thì cơn mưa đầu tiên trên vùng rẻo cao Tây Nguyên thường rơi vào tháng 4 Dương lịch. Tháng 12 (tháng Chạp) theo lịch Jrai (tương đương tháng 3 Dương lịch).
Theo lịch của người Jrai, mười tháng đầu tiên của năm vẫn gọi số từ 1 đến 10. Hai tháng cuối cùng lại có tên gọi riêng, lần lượt là tháng Ninh Nung và tháng Wor. Ninh Nung là tượng con cá dưới nước, con thú trên rừng. Cho nên vào tháng này, người dân sẽ chuẩn bị săn bắt những thứ tươi ngon nhất để dành đón chờ cho các sự kiện. Tháng Wor nghĩa là quên. Tháng này là thời gian người Jrai chăm sóc cho đời sống tinh thần. Cho nên tháng này còn được gọi là tháng Quên. Sau một năm lao động vất vả, người ta tạm quên đi rìu rựa, nương rẫy, tạm quên đi lo toan để nghỉ ngơi và đón chờ những điều mới.
Và rồi đến mùa con ong đi lấy mật vào tháng 3, cũng chính là tháng cuối cùng trong năm của người Jrai, người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Tháng Tư về, đón Tết Nguyên đán
Như vậy, người Jrai đón Tết vào tháng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đại ngàn Tây Nguyên lúc bấy giờ đón cơn mưa đầu mùa. Trên rừng cây cối được gột rửa, dưới buôn những vạt bụi đỏ bazan đã chịu nằm yên. Thời tiết cũng khô ráo và mát mẻ.
Đối với người Jrai, tháng 4 là tháng Tết Nguyên đán chung. Còn ngày đón Tết lại tùy thuộc vào từng làng, từng gia đình. Bởi không có ngày đón Tết chung nên người Jrai không có đêm giao thừa. Đây chính là nét độc đáo trong văn hóa đón Tết của người Jrai ở vùng rẻo cao Tây Nguyên.
Để chào đón năm mới, các gia đình người Jrai sẽ tổ chức cùng một lễ nào đó, chẳng hạn như lễ Lih (Lễ Tạ ơn), lễ Pơ-thi (Lễ Bỏ mả) hoặc Đị tố sang (Lễ mừng nhà mới).
Người dân Jrai để đón mừng năm mới, họ cũng chuẩn bị lễ vật tươm tất. Nếu dùng con vật để mổ cúng tế thì sẽ được chăm sóc đặc biệt. Chủ nhà còn thực hiện một lễ nhỏ cầu xin thần linh phù hộ cho nó hay ăn chóng lớn.
Trong ngày Tết, người Jrai dùng nhiều rượu cần, loại rượu được ủ sẵn ở trong ghè. Loại rượu cần được ủ men tự làm bằng nguyên liệu lấy trên rừng thì càng ngon, ủ càng lâu càng tốt, có nơi ủ đến cả năm trời. Rượu cần của người Jrai từ cách nấu đến cách ủ đều độc đáo. Thóc chỉ trật vỏ trấu, ngô giã dập mà không xay nhỏ. Chính nhờ bàn tay khéo léo của người dân mà khi ủ rượu, cơm ráo, men lên tốt nên thành phẩm ngọt nhẹ, không có vị chua và nồng độ cũng vừa phải, ai cũng uống được.
Người Jrai không làm bánh vào Tết Nguyên đán. Người dân chỉ làm cơm và thức ăn nhiều hơn ngày thường. Tuy không làm bánh nhưng món cơm lam của người Jrai lại đặc trưng và được làm nhiều hơn ngày thường. Cơm lam được người Jrai nấu trong ống lồ ô to bằng cán dao. Món ăn chính của người dân trong tháng Tết thường là món thịt nướng, món phèo, canh bí nấu xương. Chẳng hạn như món oái (thịt lợn luộc thái trộn với thính ngô) là món ăn được ưa thích.
Trong mâm cỗ Tết của người Jrai thường có món tựa như cháo, gọi là nhăm tơ-pung. Gạo được giã nhỏ, mang trộn với thịt, rau, không có rau thì dùng xơ mít xé nhỏ, sau đó nấu nhuyễn.
Phong tục của người Jrai khá thú vị ở chỗ, trong tháng Tết, khi có nhà tổ chức nấu cỗ, chỉ thông báo vậy, không cần biết chủ nhà có mời hay không, nhà khác cứ thế đến ăn. Và khi đến ăn, họ sẽ mang món ăn hoặc gạo đến góp cỗ. Cỗ góp tùy lòng thành, có gì góp nấy. Tập tính cộng đồng và thân thiện của người Jrai được thể hiện như vậy, giống như việc uống rượu cần. Mỗi khi khui một ghè rượu là để nhiều người uống chung, chẳng ai uống rượu cần mà uống một mình.
Cũng giống lễ Tết của người Việt, trong những ngày Tết, trước khi ăn cỗ, người Jrai sẽ mời thầy cúng gọi thần Núi, thần Sông, thần Rừng gần đó và tổ tiên về ăn chung. Sau bữa cỗ, khách ra về được chủ nhà biếu một miếng thịt nhỏ hoặc thức ăn, gọi là quà. Điều này cũng thể hiện mong ước sự no đủ, dư dả cho năm mới. Sau tháng Tết Nguyên đán, người Jrai bước vào mùa vụ mới. Trước khi cầm rìu, cầm rựa lên rẫy, già làng sẽ tổ chức lễ cúng để cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, bình an, đủ đầy.
Người Jrai cũng như nhiều dân tộc khác có ngày Tết Nguyên đán không trùng với Tết Nguyên đán của người Việt nhưng họ đều dành thời gian để thăm hỏi họ hàng, người dân trong buôn và cầu chúc may mắn tới cho mọi người. Tuy không trùng với Tết Nguyên đán của người Việt nhưng người Jrai cũng coi Tết này là cái Tết chung của người dân Việt Nam. Và cứ như vậy, cư dân Jrai có thể đón hai Tết Nguyên đán với niềm vui nhân đôi.