Từ vụ karaoke An Phú, nhìn lại loạt "thảm họa cháy nổ" tại các quán bar, karaoke khiến hàng chục người thiệt mạng
Trước vụ An Phú, cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại các quán bar, karaoke gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Những mất mát, đau thương trước sự ra đi của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại vụ cháy quán karaoke 5 tầng trên đường Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cách đây 1 tháng vẫn còn chưa hết ám ảnh dư luận thì mới đây, vụ cháy khác ở quán karaoke tại Bình Dương lại tái diễn nhưng với một hậu quả quá thảm khốc hơn khiến dư luận phải kinh hoàng. 33 nạn nhân tử vong và 15 người bị thương – con số này có thể cho thấy đây là vụ thiệt hại về người lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ cháy quán karaoke.
Thế nhưng đây không phải là vụ việc đầu tiên gây ra hậu quả thảm khốc như vậy, bởi trong nhiều năm trở lại đây, đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại các quán bar, karaoke gây hậu quả nghiêm trọng về người không kém "nỗi đau" An Phú.
6 người chết trong vụ cháy quán bar Zone9
Chiều 19/11/2013, một vụ cháy xảy ra tại quán bar trong khu Zone9, phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng. Trong quá trình nhóm thợ 10 người đang cải tạo một khu vực trong Zone 9 để làm quán café, do bất cẩn, lửa hàn đã bắn vào đống vật liệu thi công có nhiều tấm xốp. Dù lửa chỉ bùng lên dữ dội khoảng 30 phút và được khống chế ngay sau đó, nhưng lượng tấm mút, xốp lớn nên khói đen đặc quánh và rất độc.
Thậm chí các chiến sĩ PCCC dù được trang bị phương tiện bảo hộ nhưng do rất khó để tiếp cận hiện trường. Khói đen ngòm cứ bốc ra khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Mười chiến sĩ cứu hỏa sau khi chữa cháy đã phải nhập viện.
Tại hiện trường, hai trong số 10 công nhân tử vong tại chỗ, 8 người khác được đưa vào viện cấp cứu và 4 người đã không qua khỏi. Đáng nói, các nạn nhân đều là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có người mới chỉ 21 tuổi.
Vụ việc sau đó đã được khởi tố và đưa ra xét xử. Theo VKSNDTC, chủ đầu tư và chủ công trình Fuse đã không làm thủ tục liên hệ với cơ quan phòng cháy chữa cháy để thẩm định cấp phép đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, không trang bị các phương tiện, dụng cụ về phòng cháy chữa cháy; không liên hệ với cơ quan phòng cháy, chữa cháy để phổ biến kiến thức về công tác phòng cháy chữa cháy cho các tốp thợ trong quá trình thi công công trình nhà hàng Bar Fuse dẫn đến vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Sau đó mặc dù chủ đầu tư và chủ công trình Fuse đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm quy định đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thế nhưng cũng không thể bù lại nỗi đau mất đi người thân mà người thân các nạn nhân phải gánh chịu.
Cháy quán karaoke đường Trần Thái Tông, 13 người chết
3 năm sau thảm họa Zone9, Hà Nội tiếp tục xảy ra một thảm kịch cháy nổ tại các tổ hợp vui chơi giải trí khác khiến cho dư luận vẫn chưa hết ám ảnh.
Vào khoảng 13h30 ngày 1/11/2016 đã xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cũng như Zone9, nguyên nhân vụ cháy tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông cũng được xác định do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực cửa ra vào phòng phía ngoài làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến thảm họa.
Hậu quả làm 13 người khách đến hát trong quán karaoke bị tử vong, toàn bộ tài sản trong quán karaoke, 11 xe máy, 1 xe đạp điện của khách bị cháy đồng thời lan sang các quán cửa hàng bên cạnh. Nguyên nhân tử vong của 13 nạn nhân trong vụ cháy được xác định là do ngạt CO cấp.
Vụ việc sau đó cũng được đưa ra xét xử. Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke) bị khởi tố về tội "Vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy”. Trước đó, mặc dù biết quán đang sửa chữa, lắp đặt quán, chưa hoàn thiện, chưa có: Biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, Giấy phép kinh doanh karaoke nhưng Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo cho Võ Hoàng Kỳ (SN 1987, Thuận Phát, Cam Thuận, Khánh Hòa) – quản lý quán karaoke 68 Trần Thái Tông cho khách vào phòng hát 601 và phòng 502.
Một lần nữa chỉ vì sự chủ quan, lơ là không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như an toàn về lao động trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy của các chủ cơ sở kinh doanh đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Vụ cháy ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông có lẽ là thảm họa cháy nổ kinh hoàng nhất tại Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại. Mỗi khi trên địa bàn xảy ra hỏa hoạn, người dân Hà Nội vẫn không thôi ám ảnh khi nhớ đến thảm họa kinh hoàng này.
Cháy quán bar X5 Vĩnh Phúc, 3 cô gái trẻ tử vong
Vào khoảng 23h30 phút ngày 2/11/2020, tại quán bar X5 tại khu 3 thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường đã xảy ra hỏa hoạn.
Sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Đến rạng sáng ngày 3/11, lực lượng chức năng mới phá được tường quán bar để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Vụ hỏa hoạn đã khiến 3 cô gái trẻ tử vong thương tâm, trong đó 2 nạn nhân mới chỉ 18 tuổi.
Nguyên nhân xảy ra vụ cháy được xác định là do có người đã đốt pháo điện, sau đó tia lửa của pháo điện bén vào bóng bay có bơm khí hydro treo trên trần làm quả bóng phát nổ, dẫn đến cháy. Cùng với đó, quán bar X5 Club nằm cách xa khu dân cư, được xây dựng kiên cố, chính vì vậy, khi xảy ra vụ cháy mặc dù lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tuy nhiên do quán bar được thiết kế kín đáo và kiên cố khiến, lượng khói lớn từ đám cháy cháy lan rộng, tỏa ra mù mịt khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp không ít khó khăn.
Nhưng điều đáng nói ở đây chính là việc quán bar này đang trong thời gian bị lập biên bản đình chỉ hoạt động do chưa chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy vào tháng 9/2020 nhưng chủ cơ sở kinh doanh vẫn tiến hành hoạt động và dẫn đến hậu quả đau lòng.
Một lần nữa sự chủ quan, phớt lờ, không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như an toàn về lao động trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy của các chủ cơ sở kinh doanh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
3 cảnh sát hy sinh khi chữa cháy tại quán karaoke
Trưa 1/8/2022, một vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ISIS, địa chỉ 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP đã điều động hàng chục xe chữa cháy và nhiều cảnh sát PCCC đến hiện trường dập lửa.
Với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tổ trinh sát gồm Thượng tá Đặng Anh Quân - đội trưởng, Thượng uý Đỗ Đức Việt và Hạ sỹ Nguyễn Đình Phúc đã triển khai chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đưa tám người ra ngoài an toàn.
Sau đó, các chiến sỹ tiếp tục quay lại thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Khi ba chiến sỹ cảnh sát PCCC lên tới tầng bốn thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí trong nhà sập xuống cầu thang bộ, khiến cả ba hy sinh.
Mặc dù vụ hỏa hoạn xảy ra trong thời điểm quán karaoke đang đóng cửa để thi công nhưng nguyên nhân dẫn đến vụ cháy cũng xuất phát từ việc cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định an toàn về lao động trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, vụ cháy này không phải vụ cháy quá lớn nhưng lại gây ra hậu quả đau lòng và vô cùng đáng tiếc.
"Nỗi đau An Phú"
32 người tử vong - con số gây ám ảnh nhất trong 2 ngày qua. Đây có lẽ chính là thảm họa cháy nổ kinh hoàng nhất cả nước trong hơn 1 thập kỷ qua. Và một lần nữa dư luận đặt ra câu hỏi, liệu công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đã được thực hiện nghiêm. Cùng với đó, việc một cơ sở được chứng nhận đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đến thế, vậy mà khi xảy ra hỏa hoạn, các nạn nhân lại không thể nhanh chóng thoát hiểm lại càng khiến dư luận không khỏi hoài nghi?
Trước đó, quán karaoke An Phú đã được chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, giấy phép kinh doanh karaoke, biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vào các năm 2019, 2021, 2022 nhưng thực tế quán này có thiết kế không khác gì một "chuồng cọp".
Với diện tích xây dựng lên đến hơn 1.500 m2 nhưng quán karaoke này có rất ít cửa sổ. Đặc biệt, một số cửa sổ bị bịt kín bằng tường gạch xây phía trong. Biển hiệu và tấm chắn che kín hết mặt trước của quán. Bên hông của quán karaoke không có cửa sổ và cầu thang thoát hiểm. Lực lượng PCCC phải đục tường để tiếp cận hiện trường bên trong.
Từ trước tới nay, sau mỗi vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đều vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời rút ra những khuyến cáo, bài học kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí tiến hành sửa đổi các quy định liên quan… Tất cả đều nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng này tái diễn trong tương lai. Thế nhưng
Sẽ còn bao nhiêu quán karaoke tương tự như An Phú ở Bình Dương? Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… liệu có bao nhiêu quán karaoke không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động, không có bất kỳ biện pháp phòng cháy chữa cháy nào?
Hiểm họa cháy nổ tại các quán karaoke và những nỗi đau “An Phú” sẽ còn tái diễn nếu như những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động vẫn phớt lờ quy định mở cửa kinh doanh. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tuyệt đối không cho phép hoạt động những quán karaoke không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, bổ sung thêm những biện pháp cứng rắn để đảm bảo an toàn PCCC.
Thêm những quy định nghiêm khắc, ngặt nghèo để chúng ta không phải trả những cái giá quá đắt…