Từ vụ 3 người bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc, chuyên gia chỉ rõ nếu ăn nhất định phải tránh điều này
Không nhất thiết phải chọn thịt cóc để bồi bổ, vì các loại thịt khác đều có hàm lượng dinh dưỡng cao. Còn nếu sử dụng thịt cóc thì phải đảm bảo chế biến loại bỏ những bộ phận chứa nọc độc trước khi sử dụng.
Vừa qua, các bác sĩ BVDK Điện Biên cho biết đã tiếp nhận cấp cứu 3 trường hợp là người trong cùng 1 gia đình bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc.
Bệnh nhận nhập viện với triệu chứng chóng mặt, nôn nhiều, đại tiện phân lỏng nhiều lần, kèm theo tức ngực, khó thở. Sau 3 ngày điều trị tích cực với truyền dịch thải độc, chống loạn nhịp tim, hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân tạm ổn định.
Theo lời kể của người nhà, được biết thịt cóc có giá trị dinh dưỡng cao nên bệnh nhân đã mua về nướng ăn. Sau ăn khoảng 3 giờ, cả 3 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nên được đưa đến viện.
Theo bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, thịt cóc không độc nhưng các bộ phận như da, trứng, gan, ruột của cóc rất độc. Các bộ phận này chứa Bufotoxin gồm nhiều độc tố rất mạnh và một số hợp chất hữu cơ khác, có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nặng, tăng huyết áp, ngừng tim và ức chế hô hấp gây tử vong nhanh nếu ngộ độc nặng.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Không nhất thiết phải chọn thịt cóc để bồi bổ, vì các loại thịt khác đều có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu sử dụng thịt cóc làm thực phẩm phải đảm bảo chế biến loại bỏ những bộ phận chứa nọc độc trước khi sử dụng.
Những bộ phận của cóc tuyệt đối không nên ăn
Cóc với sức khoẻ của con người bên cạnh những lợi ích là những nguy cơ rất lớn đe doạ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Các bộ phận của cóc dễ bị nhiễm độc tố như: nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Vì vậy, cần chắc chắn loại bỏ những bộ phận gây độc này mới nên ăn.
Khi chế biến cần theo đúng quy trình: Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
Dấu hiệu ngộ độc thịt cóc cần phát hiện sớm
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh... Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc, người bệnh còn tỉnh táo cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.
- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....
- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...