Loại rau phổ biến ở Việt Nam nhưng sang Nhật bán giá cực đắt: Phụ nữ ăn sẽ khỏe dạ dày, da căng mịn, ổn định đường huyết rất tốt
Bàn giải về bài thuốc trị bệnh từ rau muống cùng những lưu ý quan trọng khi sử dụng, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng đã có những chia sẻ sau đây.
Loại rau khỏe dạ dày, làm đẹp da của Việt Nam, người Nhật cực thích
Ở Việt Nam, rau muống được bán giá rất rẻ, thậm chí ở nhiều vùng chúng còn mọc dại rất nhiều. Thế nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết rau muống được bán cực kỳ đắt ở Nhật Bản.
Ở Nhật, rau muống được bán theo cọng, giá cho 10 cọng rau muống rơi vào khoảng 100 nghìn đồng. Những năm gần đây, rau muống xào được người Nhật biết đến và ngày càng yêu thích không chỉ bởi vì giòn ngon, mà còn vì giá trị dinh dưỡng quý báu mà rau muống đem lại.
Theo nghiên cứu, trong 100g rau muống chứa 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie... Đây chính là những axit amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho những người thiếu máu, người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm.
Không những thế, rau muống cũng là lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường, loại rau này chứa nhiều chất xơ, ít calo, ăn điều độ sẽ có tác dụng ổn định lượng đường huyết, có lợi cho việc hạ đường huyết. Người tiểu đường tốt nhất chỉ nên ăn rau muống luộc, không chấm gia vị.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Trong Đông y, rau muống có vị ngọt, tính mát, chứa nhiều nước và chất xơ. Chúng ta hay dùng rau muống trong bữa cơm hàng ngày với giá thành rất rẻ nhưng ít ai biết rằng nó có thể được sử dụng như một loại thuốc để trị nhiều bệnh thường gặp".
Bàn giải về bài thuốc trị bệnh từ rau muống cùng những lưu ý quan trọng khi sử dụng, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng đã có những chia sẻ sau đây.
HỎI: Như ông chia sẻ, trong Đông y rau muống cũng có thể sử dụng để trị nhiều bệnh thường gặp, cụ thể là những bệnh gì, cách dùng như thế nào?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Rau muống là một trong những nguyên liệu để tạo thành các bài thuốc chữa bệnh, như chữa ợ chua, viêm loét dạ dày, ngộ độc thức ăn. Cụ thể là:
- Chữa ợ chua: Lấy 20g rau muống, 20g cỏ mực, 12g vỏ quýt khô, đem tất cả đi rửa sạch, cắt khúc, sau đó cho vào ấm rồi đổ 750ml nước, sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liên tục 1 tuần.
- Chữa viêm loét dạ dày: Lấy 200g rau muống tươi đem giã cùng một chút muối ăn, vắt lấy nước cốt. Chia 2 lần uống trong liệu trình 5 ngày.
- Thải trừ cholesterol, chống tăng huyết áp: Lấy lượng rau muống đủ dùng đem luộc và ăn hàng ngày.
- Trị chảy máu cam: Đem 100g rau muống tươi đi giã rồi vắt lấy nước cốt, pha thêm chút đường uống trong liệu trình 5 ngày sẽ có tác dụng.
- Trị ngộ độc thức ăn: 500g rau muống, 30g cam thảo, 120g đậu xanh. Đem tất cả nguyên liệu trên đi sắc lấy nước đặc, uống trong ngày.
- Trị xuất huyết, tiểu ra máu: Đem 500g rau muống đi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Hòa mật ong vào, uống từ từ.
- Trị kiết lỵ (có lẫn mủ, máu): 1 nắm đọt rau muống, 1 nắm vỏ lựu nướng. Đem nguyên liệu đi sắc lấy nước uống.
- Giải mọi chất độc: Vì rau muống có tác dụng giải được mọi chất độc (Rau muống mát, bổ, giải độc tố, tránh ưu phiền rất hay) nên khi bị trúng độc (bất kỳ loại độc nào) cũng có thể lấy ngay rau muống giã lấy nước cốt, hòa chút muối uống.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng mọi người không nên tự ý sử dụng các bài thuốc từ rau muống tại nhà. Chỉ nên dùng rau muống như 1 loại rau ăn, nếu muốn dùng làm thuốc thì nên hỏi ý kiến của các chuyên gia Đông y trước bởi mỗi người có một cơ địa khác nhau. Chuyên gia Đông y sẽ là người đưa ra những lời khuyên quan trọng và an toàn nhất để bệnh tình nhanh thuyên giảm.
HỎI: Đang uống thuốc Đông y, có ăn rau muống được không?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Không nên. Vì người đang uống thuốc Đông y mà ăn rau muống sẽ gây giã thuốc, mất tác dụng quý báu của thuốc. Trong trường hợp thuốc có vị độc cần thiết để trị bệnh (độc trị độc) mà ăn rau muống thì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của những vị thuốc này.
HỎI: Mọi người thường khuyên không nên ăn rau muống khi có vết thương hở để tránh để lại sẹo, điều này có đúng không?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Đúng là như vây. Khi đang có vết thương hở thì mọi người không nên ăn rau muống vì sẽ dễ hình thành sẹo xấu sau khi vết thương lành hẳn. Lý do là bởi rau muống làm kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi, khiến làn da rất mất thẩm mỹ. Chưa kể, ăn rau muống còn khiến tình trạng da non mọc lên gây ngứa nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, những người có mụn nhọt mới vỡ hoặc vết thương mới bị, mới phẫu thuật không nên dùng vì sẽ bị lồi thịt.
HỎI: Còn đối tượng nào không nên ăn rau muống nữa không, thưa lương y?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Nếu đang bị đau xương khớp, bạn không nên ăn rau muống bởi nó có thể khiến cho chỗ đau càng thêm khó chịu, bức bối.
Rau muống là loại rau chứa hàm lượng đạm rất cao nên nó không phải là món ăn lý tưởng cho những người bị bệnh gút bởi nhóm đối tượng này cần phải tránh ăn loại thực phẩm có chứa lượng đạm cao.
Trong loại rau quen thuộc này có chứa hàm lượng oxalate cao, chất này được hấp thụ vào cơ thể sẽ kết tủa ở thận, tạo sỏi nên những người bị sỏi thận không nên ăn.
Rau muống cũng rất dễ chứa các loại ký sinh trùng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín kĩ. Đặc biệt, nó có thể bám vào thành ruột, gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Chính vì vậy, nếu là người có bụng dạ yếu tốt nhất bạn không nên ăn rau muống.
HỎI: Nhiều người sử dụng rau muống để làm nộm hay chần rau muống sơ qua trong nước nóng để rau giòn ngọt hơn. Cách ăn này có nên không?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Rau muống thường được trồng trong những khu vực ao hồ nên có nguy cơ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Bạn cần phải rửa kỹ rau trước khi luộc, xào nếu không sẽ xảy ra nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể mệt mỏi, suy giảm miễn dịch.
Nếu bạn ăn rau muống sống hoặc tái thì vẫn có nguy cơ giun sán làm tổ trong người. Bên cạnh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, rau muống cũng thường bị phun thuốc kích thích để rau nhanh cho thu hoạch, nếu sử dụng loại rau này để ăn sống người ăn cũng dễ dàng bị ngộ độc, ốm yếu. Do đó, tốt nhất là ăn rau muống đã rửa sạch và nấu chín kỹ.
Cảm ơn lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng vì đã dành thời gian chia sẻ!