Từ năm 2022 – 2023, lớp 7 và lớp 10 sẽ không còn khái niệm môn CHÍNH - PHỤ, nhiều môn học không cho điểm, xếp loại học sinh cũng thay đổi như sau
Khích lệ sự tiến bộ, cho học sinh thêm cơ hội để "gỡ điểm" và xóa bỏ quan điểm "môn chính, môn phụ" là những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh trung học sẽ thực hiện vào năm học tới.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT chính thức có hiệu lực từ ngày 5/9/2021, trong đó điểm nổi bật là bỏ điểm trung bình các môn và không phân biệt môn trong đánh giá, xếp loại. Tất cả các môn học đều công bằng như nhau, không còn phụ thuộc vào điểm môn Toán hay Ngữ văn, Ngoại ngữ; không còn “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh. Theo lộ trình, thông tư áp dụng bắt đầu với lớp 6 năm học 2021-2022, lớp 7 và 10 năm học 2022-2023, lớp 8 và 11 năm học 2023-2024, lớp 9 và 12 năm học 2024-2025.
Những nội dung trong thông tư 22 quy định về việc đánh giá học sinh THCS và THPT như sau:
1. Xếp loại học sinh theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt
Thông tư 22 xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh theo các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, thay vì xếp loại học lực là Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và xếp loại hạnh kiểm là Tốt, Khá, Trung bình, Yếu như trước đây.
2. Xóa bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến
Thông tư 22 không còn quy định về danh hiệu học sinh tiên tiến mà chỉ khen tặng danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc. Theo đó, hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen thưởng cuối năm học cho các học sinh đạt các danh hiệu:
-Danh hiệu "Học sinh xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với bằng điểm số có điểm trung bình đạt từ 9 điểm trở lên;
-Danh hiệu "Học sinh giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt (có nghĩa phải có 6 môn đạt 8 điểm trở lên và các môn đều phải trên 6,5).
Hiệu trưởng nhà trường cũng có thể tặng giấy khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
3. Không phân biệt môn chính, môn phụ
Điều 9 Thông tư 22 quy định, học sinh sẽ được xếp loại học lực ở mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.
Trong khi đó, theo quy định cũ, để được xếp loại học lực giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên (điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT). Theo Thông tư mới, tất cả các môn đều được tính điểm như nhau, không chỉ riêng Toán, Văn, Ngoại ngữ.
4. 6 môn không còn chấm điểm
Điểm a khoản 3 Điều 5 của Thông tư 22 quy định đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Các môn học còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Trước đây, tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, chỉ có môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được đánh giá bằng nhận xét.
Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.
Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.