Từ gói cà phê trong những chiếc vali đi khắp thế giới làm quà đến chiếc điện thoại được trầm trồ ở sân bay: Tự hào những dấu ấn Việt trên thương trường quốc tế

HH -Thiết kế:Tiên,
Chia sẻ

Việt Nam không chỉ có bún chả, phở, nem hay bánh mì - những món ăn đi vào từ điển Oxford. Trên những kệ hàng siêu thị khắp thế giới, nhãn hàng xuất xứ Việt Nam là một kho từ điển với người bản địa.

Những món quà từ Việt Nam

Nếu hỏi bất kỳ người Việt nào rằng: “Bạn thường mua quà gì để tặng bạn bè quốc tế?”, câu trả lời nhận về đa số sẽ là cà phê. Nguyễn Thị Hường, nữ nghiên cứu sinh 36 tuổi tại Philippines, kể: “Người Việt mình sang đây, ai cũng mang theo cà phê để biếu tặng. Dù tôi chưa gặp một số thương cà phê nổi tiếng trong các siêu thị tại Manila, nhưng bạn bè tôi ở khắp Đông Nam Á ai cũng biết tới cà phê Việt Nam. Họ rất thích”.

Việt Nam là nước có sản lượng cà phê robusta hàng đầu thế giới với đặc trưng là hạt đậm và đắng. Khẩu vị mỗi nơi mỗi khác. Nhưng không ít người nước ngoài đã bị chinh phục khi uống thử những ly cà phê sánh đặc, đậm đà của Việt Nam. Họ không chỉ mua mang về sau khi đi du lịch mà còn nhờ mua. Và như một trào lưu, và như một niềm tự hào, người Việt cứ thế mang cà phê đi khắp thế giới, với niềm tin lạ lùng về một phong vị bản địa lạ lùng, mạnh mẽ, khó quên ở vùng đất Viễn Đông nhiệt đới gió mùa ẩm.

Một trong số những thương hiệu cà phê Việt quen mặt với thị trường quốc tế chính là G7. Theo số liệu được Tập đoàn Trung Nguyên công bố trên trang web chính thức vào năm 2019, cà phê G7 là thương hiệu được yêu thích và tin dùng nhất tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, vượt qua các thương hiệu đến từ Nhật Bản, Mỹ, Malaysia và Đài Loan.

Từ gói cà phê trong những chiếc vali đi khắp thế giới làm quà đến chiếc điện thoại được trầm trồ ở sân bay: Tự hào những dấu ấn Việt trên thương trường quốc tế - Ảnh 1.

Cà phê G7 cũng chiếm lĩnh các hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc như Lotte Mart, Emart, Homeplus… cùng các siêu thị lớn nhỏ khắp các tỉnh thành xứ sở kim chi. Người Hàn chuộng G7 như chuộng nhiều món ẩm thực khác của người Việt.

Loại cà phê Việt cũng được bày bán tại một trong hai nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Costco. Đây cũng là thương hiệu Việt quen thuộc với người dân Nga và CH Czech.

Và tất nhiên, ngoài con đường xuất khẩu chính ngạch, G7 len lỏi trên hàng chục chuyến bay quốc tế mỗi ngày cất cánh từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nằm chật chội trong những chiếc vali hành lý để bay tới các châu lục, để được đặt trân trọng lên tay những người bạn phương xa.

Nhưng G7 không phải là duy nhất. Những kiện hành lý chật cứng ấy còn có cả dầu gội Thái Dương, dầu gió Trường Sơn, cao Sao Vàng, nước hoa Miss Sài Gòn, tinh dầu tràm Cung Đình…, những nhãn hàng Việt bình dân được các vị khách ngoại quốc yêu mến và tin cậy.

Vì thế, con đường xuất khẩu gian nan không làm cho những thương hiệu Việt rơi vào cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”. Quà Việt, hàng Việt vẫn lan tỏa bằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và bằng cả chất lượng “Hữu xạ tự nhiên hương”.

Từ chợ châu Á tới sàn thương mại điện tử Amazon: Niềm kiêu hãnh của thương hiệu Việt

Cùng với Thái Lan và Trung Quốc, hàng Việt Nam chiếm ưu thế trông thấy so với hàng Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... các trong khu chợ châu Á nhộn nhịp. Có lẽ vì nó ngon và rẻ. Lợi thế về giá khiến hàng Việt tiếp cận được người dân đa chủng tộc, song điều giữ chân họ là chất lượng.

Nước mắm Phú Quốc, các loại bột ngô, bột chiên Vĩnh Thuận, bia Sài Gòn, mì ăn liền Hảo Hảo, phở ăn liền Vifon, chè xanh Thái Nguyên, rồi các loại bún khô, bánh phở, bánh tráng hiệu Ba cây tre của Mỹ Tho, rồi hạt điều, mít sấy… La liệt các mặt hàng không thể kể tên cho đủ, thu hút tấp nập kẻ bán người mua. 

Từ gói cà phê trong những chiếc vali đi khắp thế giới làm quà đến chiếc điện thoại được trầm trồ ở sân bay: Tự hào những dấu ấn Việt trên thương trường quốc tế - Ảnh 2.

Còn tại Hàn, quà Việt có mặt khắp mọi nơi. Ngoài G7, mỳ tôm Hảo Hảo, phở bò và phở gà Vifon bán khắp các siêu thị. Và không chỉ có thế chị Nguyễn Thu Hương, 34 tuổi, sinh sống tại thành phố Gimhae (tỉnh Gyeongsang Nam) chia sẻ: “Hoa quả Việt Nam rất được người Hàn ưa chuộng. Hoa quả tươi thì phổ biến là xoài, thanh long, mãng cầu. Đồ đông lạnh có nhãn, chôm chôm và vải. Trong các quán buffet của Hàn, chôm chôm và vải đông lạnh là hai món ăn ít khi vắng mặt”.

Nhưng thứ mà người Hàn mê nhất lại là… vỏ bánh đa nem. Các bà nội trợ Hàn mê món gỏi cuốn kiểu miền Nam, dùng vỏ bánh đa cuốn gỏi nhiều chỉ sau kimbap. Ở Gimhae, các quán gỏi cuốn mở ra la liệt, và là người Hàn mở, phục vụ cho người Hàn. Họ ăn gỏi cuốn Việt, theo cách của người Hàn, đó là nhúng lẩu thịt, rau rồi trải lên vỏ bánh, cuốn lại, chấm với nước sốt đóng gói sẵn từ Việt Nam, rồi thưởng thức.

Cách ăn gỏi cuốn của người Hàn khiến người Việt ở Hàn cảm thấy buồn cười. Nhưng cười đấy mà lòng râm ran vui. Bởi ai ngờ đâu cái tấm vỏ bánh đa nem rất mực quê mùa và bình dân ấy lại trở thành niềm ưa chuộng của những thực khách xa xôi, hơn nữa còn gắn bó với cuộc sống ẩm thực của họ như một thói quen khó bỏ.

Không chỉ thực phẩm đóng gói, cây củ gia vị và lá rau thơm của Việt Nam cũng là thứ được tìm kiếm nhiều nhất trong chợ. Và không thể không kể đến thủy hải sản đông lạnh với tôm sú, cá tra, cá ngừ file nổi tiếng. Ở các nước Âu Mỹ, hàng Việt Nam được tìm thấy nhiều nhất trong các khu chợ châu Á. Nhưng nó không chỉ để phục vụ cho cộng đồng người Việt. 

“Người mua đa số là người Việt, đó là điều tất nhiên. Song, trong hàng trăm hàng nghìn người vào chợ còn có cả người Hoa, người Ấn, người Thái, người Trung Đông…, cả người châu Âu mắt xanh tóc vàng. Họ tìm đến nước mắm, rau răm, lá lốt, vỏ bánh đa nem, hạt điều cho những món ăn không phải Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Đức, sống tại Frankfurt (Đức) chia sẻ, “Đó là niềm kiêu hãnh của ẩm thực Việt, thương hiệu Việt”.

Chị Hương Phạm, 44 tuổi, sinh sống tại thành phố Sundsvall, hạt Västernorrland, Thụy Điển, còn chụp những bức hình các món đồ khô Việt Nam đóng gói được bày bán trong các siêu thị lớn nơi chị sinh sống như City Gross, Esplanad, Willy:s… để chứng minh rằng, hàng Việt không chỉ bán trong chợ Việt, chợ Tàu, chợ châu Á. Nó được bày biện trên kệ siêu thị đại trà, nơi mà người mua bản địa chiếm số đông.

Chị Nguyễn Thu Hà (35 tuổi), đang học tiến sỹ Y Khoa tại Pháp kể, trong chuyến công tác tới Lyon 1 năm trước, chị ghé vào một cửa hàng bán đồ yoga nhỏ và bất ngờ khi thấy gói trà Việt Nam được bày biện xinh xắn trong tủ. Chị đã quên không chụp lại bức ảnh gói trà ấy, nhưng mỗi lần nghĩ tới cửa tiệm yoga, lòng chị lại trào dâng một niềm xúc động khó gọi tên.

Tại Pháp, trong các siêu thị lớn như Carrefour, Auchan…, có ít nhất một món quà từ Việt Nam, đó là chanh leo. Chanh leo với xuất xứ Việt Nam ghi trên nhãn thơm lừng kiêu hãnh bên những loại quả lừng danh khắp thế giới như chuối Costa Rica, nho Peru, quýt Maroc.

Và mới đây nhất, câu chuyện chiếc điện thoại “Make in Vietnam” đầu tiên - Vsmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - lên sàn Amazon và xuất khẩu sang ba nước Myanmar, Nga, Tây Ban Nha đã làm lay động trái tim của hàng triệu người Việt Nam, củng cố một niềm tin mạnh mẽ về thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trên mọi lĩnh vực sản xuất, không dừng ở thủy hải sản, nông sản hay dệt may.

Từ gói cà phê trong những chiếc vali đi khắp thế giới làm quà đến chiếc điện thoại được trầm trồ ở sân bay: Tự hào những dấu ấn Việt trên thương trường quốc tế - Ảnh 4.

Anh Hoàng Mạnh Hùng (38 tuổi, Hà Nội) kể về chuyến du lịch sang Myanmar dịp cuối năm 2019, khi mua thẻ sim điện thoại tại cửa hàng tiện ích thuộc sân bay Yangon, nhân viên bán hàng ngắm nghía mãi chiếc điện thoại Vsmart Live của anh và không ngừng khen “So beautiful” (Đẹp quá). “Cô ấy hỏi tôi về thương hiệu, và khi biết đây là điện thoại Việt Nam thì cô reo lên: “Tôi có thấy quảng cáo ở Myanmar Plaza rồi. Tôi nhất định sẽ sắm một chiếc”. Hôm sau tôi cũng ghé vào Myanmar Plaza, tới quầy hàng Mytel, nơi bán điện thoại Vsmart để chụp bức hình lưu niệm. Tôi cảm thấy rất tự hào”.

Song, điện thoại Vsmart không phải sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” độc nhất đi ra thế giới và lên sàn Amazon. Còn có chiếc xà đơn của doanh nhân 36 tuổi Lê Nguyễn Khánh Trình. Chiếc xà đơn Khánh Trình này đã tới tay khách hàng ở 45 quốc gia, trong đó Mỹ chiếm thị phần lớn nhất. Doanh số mà thị trường cờ hoa mang lại cho doanh nhân trẻ vào khoảng 1 tỷ đồng/tháng, một con số đáng mơ ước với một thương hiệu bán lẻ trực tiếp trên sàn thương mại điện tử quốc tế. 

Sự thành công của xà đơn Khánh Trình - một sản phẩm “Made in Vietnam” và là một dự án khởi nghiệp - cũng cho thấy, chỉ cần cách làm đúng, tiếp thị đúng, hàng Việt Nam chất lượng cao hoàn toàn đủ sức đi ra thế giới, cạnh tranh với các nước có nền sản xuất phát triển.

***

Tới năm 2019, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 toàn cầu. Trong đó, xuất khẩu nông sản thuộc top 15, xuất khẩu chè đứng thứ 5, xuất khẩu gỗ và lâm sản đứng thứ 5, xuất khẩu gạo đứng thứ 3, xuất khẩu thủy hải sản đứng thứ 3, xuất khẩu cà phê - ca cao đứng thứ 2 và xuất khẩu hạt điều đứng thứ 1. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu Việt là căn cứ để vững tin vào sự sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt, rằng một tương lai không xa: người dân toàn cầu sẽ dùng hàng Việt như một thương hiệu phổ biến, thân thuộc.

Và thế nên, không có lý do gì để người Việt làm ngơ với hàng Việt. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, người Việt càng cần sát cánh bên nhau. Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ có thể giang rộng đôi cánh bay lên khi chạy trên đường băng của tinh thần đoàn kết và tương trợ, che chắn bảo vệ nền sản xuất nội địa thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng. Ngay lúc này đây, người Việt dùng hàng Việt chính là yêu nước.

Chia sẻ