Từ câu chuyện người nổi tiếng bị phạt vì đưa tin giả Covid-19: Lòng tốt, sự nhiệt tình phải đi kèm kiến thức, hiểu biết nếu không muốn gây hệ lụy nghiêm trọng

Eri,
Chia sẻ

Không chỉ một số ngôi sao ở Việt Nam bị phạt vì đăng tin thất thiệt mà ngay cả ngôi sao quốc tế cũng phải trả giá cho hành động của mình.

Thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới cũng là lúc xuất hiện nhiều nguồn thông tin, giả có, thật có, đòi hỏi người đọc phải biết chọn lọc hơn. 

"Tin giả" hay những thông tin chưa được kiểm chứng cũng là một mối nguy hiểm cần được loại trừ trong giai đoạn nhạy cảm này. Đặc biệt, sẽ lại càng nguy hiểm hơn nếu những nguồn tin chưa xác thực đó được lan truyền bởi những người có sức ảnh hưởng tới một bộ phận công chúng.

Một phút nhanh tay, lãnh ngay hậu quả...

Người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, ngôi sao trong showbiz, hay là những người có tầm ảnh hưởng nhất định ở một lĩnh vực nào đó thì những gì họ phát ngôn, chia sẻ ít nhiều sẽ có tác động đến nhận thức của một bộ phận công chúng. 

Và thật nguy hại biết bao nếu những phát ngôn ấy đến từ những nguồn tin không chính thống, chưa được kiểm chứng, hoặc tệ hơn là tin giả. Chưa nói đến những tác hại đối với người tiếp nhận thông tin mà bản thân những người nổi tiếng này cũng phải trả giá cho hành động thiếu cẩn trọng của mình.

Gần đây nhất là ca sĩ Hòa Minzy chia sẻ lại phát ngôn giả mạo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lĩnh án phạt 7,5 triệu đồng về hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật. Trước đó là một loạt các sao đình đám như Ngô Thanh VânCát Phượng bị phạt 10 triệu đồng vì đăng tin không chính xác, dẫn đường link thiếu tin cậy.

Mà đâu riêng ở Việt Nam, chuyện người nổi tiếng "nhanh tay" cũng chẳng thiếu ở nước ngoài khi cả ngôi sao thế giới lẫn con trai Tổng thống còn bị phạt vì đăng tin giả. Cụ thể, "nữ hoàng nhạc pop" Madonna đã bị công chúng chỉ trích nặng nề và bị Instagram thẳng tay gỡ bài đăng vì lan truyền video "chữa Covid-19" không đúng, lại còn chủ động lan truyền một tin giả khác: "Đã có vaccine từ hàng tháng trước nhưng họ cố tình giấu để mọi người sợ hãi, khiến kẻ giàu ngày càng giàu thêm".

Nhiệt tình là tốt, nhưng phải có chọn lọc

Người ta hay dùng từ "vạ miệng" để nói về những phát ngôn sai của người nổi tiếng. Nhưng trong tình hình hiện nay, đăng tin giả, tin chưa kiểm chứng không chỉ còn là "vạ miệng" mà đã tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng. 

Một người nổi tiếng có hàng trăm nghìn, cả triệu người theo dõi trên mạng đồng nghĩa với việc ít nhất cũng hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người tiếp cận, tiếp thu nguồn tin mà họ đưa ra. Vậy nếu không kiểm chứng, không chọn lọc, không dẫn từ nguồn uy tín thì chẳng phải đã trở thành hành động thiếu trách nhiệm hay sao?

Biết rằng những chia sẻ đó cũng xuất phát từ sự lo lắng cho xã hội, là muốn dùng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa với mục đích tốt nhưng trong thời buổi này, sự nhiệt tình có lẽ nên song hành cùng sự hiểu biết, chọn lọc và nhiều trách nhiệm hơn.

Từ câu chuyện người nổi tiếng bị phạt vì đưa tin giả Covid-19: Lòng tốt, sự nhiệt tình phải đi kèm kiến thức, hiểu biết nếu không muốn gây hệ lụy nghiêm trọng - Ảnh 2.

Nên cẩn trọng hơn trong việc chọn lọc và tiếp thu thông tin lúc này, đặc biệt là đối với người nổi tiếng trước khi ấn nút chia sẻ.

Đây cũng là một bài học lớn, không chỉ cho giới nghệ sĩ, cho người nổi tiếng nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Hãy có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình, trước khi chia sẻ một thông tin gì đó cần tìm hiểu kỹ càng nguồn tin và độ xác thực, nghĩ về những hệ lụy mà mình để lại nếu chia sẻ một thông tin sai lệch.

Trước mắt là "trận chiến" với tin giả giữa thời điểm Covid-19, sau này là đẩy lùi tất cả các loại tin giả gây ảnh hưởng đến xã hội, tập thể, hay bất kỳ cá nhân nào. Ngoài một trái tim nóng, hãy trang bị thêm cho mình một cái đầu lạnh bởi chỉ khi mọi người có đủ kiến thức, sự hiểu biết, nhận thức thì tin giả mới bị loại bỏ hoàn toàn

Chia sẻ