Từ cái chết của em bé 33 ngày tuổi: Chưa bao giờ nỗi đau "trầm cảm sau sinh" lại khiến người ta bàng hoàng đến thế!
Bên cạnh những phẫn nộ và giận dữ, thì chưa bao giờ - sau một vụ án mà nghi phạm là mẹ của một em bé sơ sinh - khiến người ta phải giật mình về nỗi đau "trầm cảm sau sinh" đến thế.
Ngày hôm nay, cái chết thương tâm của một em bé 33 ngày tuổi mà không ai khác - chính là mẹ của em khai nhận giết em, đã thực sự tạo nên một cơn chấn động mạnh mẽ với bất cứ ai đã quan tâm đến vụ án này, hoặc chỉ đơn giản là vô tình lướt qua các trang tin. Bàng hoàng và căm phẫn, tất nhiên. Tôi vẫn nhớ cảm giác gai người rùng rợn khi biết rằng mẹ của em bé chính là thủ phạm của tội ác khủng khiếp ấy. Không ai có thể tin nổi, một người mẹ lại có thể đang tâm hại đứa con mà mình vừa dứt ruột đẻ ra 33 ngày trước - bằng một cách thương tâm và những dòng chữ kinh hoàng để lại.
Nhưng bên cạnh những phẫn nộ và giận dữ, thì chưa bao giờ - sau một vụ án mà nghi phạm là mẹ của một em bé sơ sinh khiến người ta phải nhắc nhiều về “trầm cảm sau sinh" đến thế. Và người ta chẳng còn bận tập trung vào việc đay nghiến hay dằn vặt tội ác của người mẹ. Thay vào đó, họ thương xót cho một bi kịch gia đình xảy ra bởi căn bệnh mà nhiều phụ nữ phải đối diện sau kì sinh nở. Có nhiều người đã vượt qua giai đoạn tăm tối ấy. Nhưng cũng không ít người đã bị căn bệnh quật ngã.
Không phải đến ngày hôm nay, chúng ta mới được biết về “trầm cảm sau sinh” như một con quái vật hiện hữu trong những gia đình có trẻ nhỏ, nhưng khi người mẹ khai nhận rằng, sau một thời gian dài trầm cảm, cô đã giết chính đứa con mình vừa mang nặng đẻ đau, gần như tất cả các bà mẹ và các gia đình trẻ, đã giật mình phát hiện rằng nguyên nhân hoá ra… gần gũi hơn chúng ta tưởng. Hoá ra sự tổn thương, đau đớn và trầm cảm dài ngày có thể biến một bà mẹ trở thành kẻ giết người chỉ trong tích tắc.
Chúng ta không thể dùng bệnh lý tâm lý để bênh vực cho một tội ác đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể nhìn nhận lại sự nguy hiểm của nó để không còn những bi kịch kinh hoàng như thế nữa. Trong bài viết hạn hẹp này, tôi chỉ xin các bạn dành ra ít phút, để chúng ta cùng ngồi lại, nói chuyện một cách thẳng thắn về trầm cảm và những nỗi giằng xé khổ hạnh của người phụ nữ sau khi sinh nở, để hiểu rằng: Trầm cảm sau sinh nói riêng và sức khoẻ tâm lý nói chung cần nhận được sự quan tâm hơn từ cộng đồng và xã hội.
I. Trầm cảm sau sinh - Câu chuyện không phải của riêng ai
Tôi gặp chị sau khi chị sinh con được 1 năm. Người phụ nữ hạnh phúc sáng ngời ôm chặt đứa con trên tay, thỉnh thoảng hít hà trên má con mùi sữa thơm phức. Chị có đầy đủ tất cả những gì mà một người vợ, người mẹ hiện đại mong muốn: Chồng yêu chiều, gia đình nhà chồng hỗ trợ hết sức, một đứa trẻ xinh xắn khoẻ mạnh và một công việc tuyệt vời giúp chị có thời gian để ở bên con.
Câu chuyện trở nên tăm tối khi chị chia sẻ về quãng thời gian sau khi sinh em bé và chị bị rơi vào trầm cảm. Tôi đã không tin vào tai mình. Chị nói rằng mình không thể hiểu nổi sự thống khổ của chính bản thân khi nhìn sinh linh đỏ hỏn trước mặt do chính mình dứt ruột đẻ ra. Chị không thể ngừng khóc và mất ngủ nhiều đêm liền, thậm chí chẳng thể ăn. Mỗi khi nghĩ về những áp lực trước mắt, những nỗi lo lắng và thậm chí là những kế hoạch dang dở, chị lại cảm thấy một sự thất vọng dâng trào và rằng việc có đứa trẻ này trên đời là một sai lầm tệ hại, mặc cho việc trước đó vài tháng chị vẫn hấp háy hạnh phúc ra sao khi nghĩ đến ngày được gặp em bé. Chị đã có những suy nghĩ rùng rợn, và ngay sau đó ghê tởm chính bản thân mình vì suy nghĩ ấy, để rồi tất cả lại trở thành một vòng tròn quẩn quanh không lối thoát. Kiệt sức, đau khổ và thất vọng, người phụ nữ ấy đã có lúc nghĩ đến việc tự tử.
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi mẹ chị vô tình bắt gặp chị quỳ sụp trong nhà vệ sinh một đêm nọ, khóc nức nở không ngừng và tay thì đấm thùm thụp vào ngực như một cách tự tra tấn. Có lẽ, nếu mọi thứ được phát hiện muộn hơn, tôi đã mất đi một người bạn và câu chuyện buồn đó sẽ in hằn đến tất cả những người xung quanh chị.
Nhưng câu chuyện của người bạn ấy không phải là duy nhất. Các bạn, trong lúc đọc bài viết về vụ việc thương tâm của em bé 33 ngày tuổi, hãy thử kéo xuống comment và đọc xem có biết bao nhiêu người phụ nữ đã lên tiếng thừa nhận chính tình trạng trầm cảm sau sinh của mình. Các báo cáo cho biết, 80% phụ nữ sau sinh phải đối mặt với tình trạng thay đổi cảm xúc và 1 trong 5 người mẹ trẻ đối diện với trầm cảm sau sinh - Điều đó có nghĩa là nếu không phải bạn đối mặt với nó, người ấy có thể là bạn bè bạn, chị gái - em gái bạn. Và điều đó cũng có nghĩa là: Trầm cảm sau sinh không còn là một khái niệm xa lạ, một tình trạng hiếm gặp hay sự áp lực của cơm áo gạo tiền - nó là một căn bệnh, một hiểm hoạ có thật và rất gần chúng ta, một con quái vật đi kèm với niềm hạnh phúc khi chào đón đứa trẻ ra đời.
II. Mặc cảm tội lỗi đến từ những định kiến xã hội
Nếu bạn cảm thấy rùng mình khi đọc những comment của các bà mẹ trẻ, chia sẻ rằng họ cũng đã trải qua những giây phút căm ghét chính con mình, thậm chí là có những suy nghĩ sai trái đến cùng cực - Chào mừng bạn đến với hiện thực, nơi mà cơn trầm cảm có thể biến người phụ nữ hiền lành trở thành một mối tơ vò (nhẹ) hoặc một mối nguy hiểm (rất nặng). Những phụ nữ gặp chứng trầm cảm sau sinh - nếu không ý thức được sự nguy hiểm và bất ổn trong tâm lý của mình, rất có thể họ sẽ tự trầm trọng hoá và càng ngày càng đưa bản thân vào ngõ cụt, để rồi - trong trường hợp xấu nhất - có thể bùng phát và tạo nên một bi kịch đau đớn, tang thương.
Có đến hàng tỉ lý do để người phụ nữ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Có người cảm thấy mình không đủ tốt với chính đứa trẻ mình vừa sinh ra. Có người sợ hãi khi nghĩ đến hành trình làm mẹ thiêng liêng và vĩ đại phía trước. Có người chưa sẵn sàng để từ bỏ đời sống cá nhân đầy ắp những cuộc phiêu lưu. Tất cả đều là những mong muốn, những nỗi lo lắng rất bản năng mà bất cứ ai trong chúng ta đều sẽ trải qua - nhưng với những người mẹ, những người vừa mang đến thế giới một sinh linh bé nhỏ với đầy ắp những trách nhiệm và việc phải làm - nỗi sợ hãi là có thật, và nó được nhân lên gấp nhiều lần.
Vậy những nỗi sợ hãi ấy có phải là sự ích kỷ không? “Chị đã sợ rằng mình không phải là một người mẹ tốt khi ngay vừa lúc ôm con trên tay, chị đã thấy đây là một sai lầm". Người bạn của tôi chia sẻ. Trầm cảm sau sinh chính là sự giằng xé giữa niềm hạnh phúc mà người phụ nữ nghĩ rằng cô ấy nên cảm thấy, và cơn trầm cảm tuyệt vọng mà cô ấy đang thực sự cảm nhận bên trong mình.
Nhưng có một sự thật rằng, hầu hết những phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh - đều từ chối công khai tình trạng của mình khi đang gặp phải. Rất nhiều người chấp nhận sống chung với nó, chịu đựng nó hàng ngày mà không dám chia sẻ, dẫn đến hoang mang vì chính bản thân mình. Họ sợ cái nhìn từ xã hội, từ chính người thân của mình.
Người chị của tôi nói: “Em không thể hiểu được cảm giác sợ hãi khi phải thừa nhận rằng em thấy tồi tệ khi có con, em thấy việc làm mẹ là một điều quá sức với mình" khi mà em được bố mẹ hai bên chăm sóc, được quan tâm đến từng bữa ăn và thậm chí còn chẳng phải giặt tã". Giữa những êm ấm và tiện nghi vật chất ấy, cùng với niềm hạnh phúc của những người xung quanh về sự xuất hiện của đứa trẻ, người phụ nữ mặc định “không có quyền được buồn", người phụ nữ “phải hạnh phúc, phải sung sướng”, vì họ đang được làm đúng bổn phận và thiên chức của mình, giữa tình yêu thương của những người thân.
III. Tiến về phía trước
Chúng ta cần gì khi đã biết về trầm cảm sau sinh, về những đau khổ và bi kịch nó có thể mang đến cho những gia đình vô tội? Điều trị tâm lý cho người mẹ, hẳn rồi. Sự cảm thông và lắng nghe, chắc chắn. Nhưng chừng đó đã đủ chưa?
Ngoài mặc cảm xã hội, người mắc trầm cảm sau sinh còn gặp phải nỗi cô độc khi không có ai ở bên cạnh từng trải qua những gì mình đang trải qua. Với tâm lý mặc cảm, đa số phụ nữ trầm cảm sau sinh từ chối nói về cuộc đấu tranh của mình, và điều đó vô hình chung tạo nên một “điểm trống" khi những người đang vật lộn với cơn trầm cảm đi tìm kiếm người đồng cảnh ngộ. Họ cảm thấy cô đơn khi chia sẻ cảm giác của mình, như thể chính họ là người duy nhất trên Trái đất này mang tội lỗi không thể rửa sạch.
Với những người phụ nữ thành thị, họ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các điều trị tâm lý, cũng như có vòng tròn xã hội gồm những người hiểu biết hoặc đã từng nghe qua về trầm cảm sau sinh để có thể ngồi xuống nói chuyện, lắng nghe và đưa ra lời khuyên. Nhưng còn những phụ nữ ở các vùng quê xa xôi? Khi cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh với gia đình và những vất vả đời thường, bên cạnh nếp sống vẫn còn mang màu sắc gia trưởng, cũ kỹ - thì việc gánh vác thêm một gánh nặng tâm lý kinh hoàng sẽ giống như đeo đá hàng ngày, và có thể khiến họ bùng phát bất cứ lúc nào.
Tôi tin rằng, điều quan trọng hơn tất thảy lúc này chính là chúng ta không thể lờ đi trầm cảm sau sinh nói riêng và các bệnh lý tâm lý nói chung - thêm một chút nào nữa. Tâm lý của con người không bao giờ là một câu hỏi có lời giải đáp chắc chắn, và không có một mẫu số chung cho kịch bản tồi tệ nhất của một cơn trầm cảm. Tôi đã hoảng hốt nhận ra chị bạn của mình đã phải chịu đựng trầm cảm sau sinh, hay tận mắt mình thấy và nghe những người bạn xung quanh đổ sụp vì đấu tranh với trầm cảm trong suốt một thời gian dài. Nhịp sống càng hiện đại, con người càng có xu hướng đối mặt nhiều hơn với những lo âu cá nhân và áp lực cuộc sống, từ đấy nảy sinh những ức chế và trầm cảm chính là hệ luỵ của những dồn nén ấy.
Điều quan trọng nhất lúc này ư? Những ai đang đối mặt với trầm cảm: Đừng lo sợ, các bạn không phải là người duy nhất. Đừng cảm thấy tội lỗi vì mình buồn chán, đau đớn và lo sợ dù đang có một cuộc sống ổn thoả. Hãy chấp nhận những cơn ốm yếu về tâm lý của mình như thể bạn chấp nhận một cơn cảm cúm, một cơn sốt cao. Hãy cho bản thân mình được quyền yếu đuối, đừng sợ hãi. Lắng nghe tiếng nói, lắng nghe sự mỏi mệt bên trong và cho mình quyền được đứng lên phía trước, thừa nhận rằng tôi không ổn để được nhận giúp đỡ. Sự can đảm của bạn lúc này không chỉ giúp chính bản thân bạn, mà còn truyền can đảm tới hàng trăm, hàng nghìn những người khác đang ngày đêm vật lộn với các chứng bệnh tâm lý, trầm cảm và lo âu. Và tôi tin rằng, khi tất cả chúng ta dũng cảm nhìn nhận những đau yếu của bản thân mình, bệnh lý tâm lý sẽ có được cái nhìn đúng đắn từ xã hội về mức độ nguy hiểm, và rồi, những bi kịch vì trầm cảm sẽ dần chỉ là một vết cứa hằn sâu trong quá khứ.