TS tâm lý Lê Minh Thuận: “Nam sinh thường dậy thì muộn hơn nữ giới, nên khi bị lạm dụng suy nghĩ vẫn chỉ như đứa trẻ”
Theo chuyên gia, nhiều phụ huynh dù biết chuyện thầy giáo có hành vi sờ vùng kín của con nhưng vẫn bỏ qua có thể là vì văn hóa người Việt chưa phân định rõ đâu là dâm ô, đồng thời vẫn còn mang tư tưởng chỉ tiếp xúc với người khác giới mới không an toàn.
Ngày 10/4, dư luận lại một phen bàng hoàng trước sự việc một thầy giáo tại Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị tố có hành vi dâm ô với 7 học sinh đang bồi dưỡng thi HSG.
Điều đáng nói, theo thông tin của một phụ huynh có con nghi bị thầy giáo trên xâm hại là dù biết sự việc, nhiều phụ huynh vẫn ngoan cố cho con đi học tiếp thay vì phản ánh ngay cho nhà trường. Lý do được đưa ra là vì họ nghĩ thầy dạy giỏi.
Trước đó, cũng có rất nhiều vụ việc dâm ô xảy ra trong chính môi trường học đường, bản thân các em học sinh dù còn tiểu học hay THCS, thậm chí THPT đều rất ngại trong việc tố cáo. Điển hình là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô nhiều nam sinh suốt 1 thời gian dài ở Phú Thọ đã gây chấn động dư luận. Vậy điều gì dẫn đến tâm lý e ngại, cho cả phụ huynh lẫn học sinh dù biết có sự việc dâm ô xảy ra.
Trường THCS Trần Phú nơi được cho là diễn ra sự việc thầy giáo dâm ô học sinh nam.
Không tố cáo dâm ô vì "văn hóa"?
Trao đổi về sự việc trên, TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết, để lý giải vì sao phụ huynh phát hiện con mình đã có dấu hiệu bị dâm ô nhưng không phản ánh, trước hết chúng ta nên xét một chút về mặt tâm lý.
Thứ nhất, theo văn hóa người phương Đông việc dâm ô chưa được xác định rõ ràng, việc gắn kết giữa cha mẹ cũng như họ hàng, người thân và trẻ con rất thân thuộc chặt chẽ, khác các nền văn hóa khác.
Chính văn hóa này làm người ta mất đi ý thức thế nào là lợi dụng, dâm ô trẻ em. Lâu nay chúng ta chưa ý thức được câu chuyện này.
TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, BV Quận 2 (TP.HCM).
Thứ hai, về giáo dục giới tính, chúng ta chưa cho trẻ biết rõ đâu là tiếp xúc bình thường giữa người với người, đâu là đụng chạm bình thường và không bình thường, đâu là dâm ô và không dâm ô. Đến khi xảy ra chuyện thì chúng ta mới quy kết nhưng không hiểu rõ bản chất vấn đề.
Tại sao cùng một lúc 7 trẻ có dấu hiệu bị dâm ô nhưng không trẻ nào dám báo nhà trường? Trong giáo dục, những đứa trẻ được dạy về hành vi, cảm xúc và trẻ tương tác với nhau phụ thuộc vào nhóm trẻ cùng nhóm tuổi.
Có thể, trẻ vẫn chưa phân biệt được cách tiếp xúc với người lạ thế nào là phù hợp, đâu là những vùng nhạy cảm hay không nhạy cảm. Những điều này rõ ràng vẫn chưa được hình thành trong lối sống của trẻ.
Ngoài ra do khác biệt về độ tuổi, về cách tương tác với con cái, về những nội dung được giảng dạy trong nhà trường, các ứng xử, quan niệm về quấy rối tình dục để giúp cho trẻ con biết thế nào là xâm hại tình dục để bảo vệ chính mình. Thậm chí cả người lớn cũng có thể không nhận định được bày tỏ tình cảm thế nào là đúng hay sai.
Bà Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú mong báo chí thận trọng thông tin, đăng tin khi đã kiểm chứng.
Ví dụ như khi người lạ tới nhà mình chơi, thấy con nít dễ thương thì đưa tay nựng má. Với đứa nhỏ là bé trai dễ thương họ có thể theo thói quen mà nói, "à cục vàng dễ thương quá" rồi tiện tay đưa vào bộ phận sinh dục của trẻ.
Tất cả những hành xử như vậy vô tình hình thành thói quen, nếp nghĩ trong đầu mọi người rằng mình được làm những câu chuyện như vậy.
Nhưng khi cũng hành xử như vậy mà với người không phải bà con, họ hàng, cháu chắt thì chúng ta đã vi phạm. Có thể Việt Nam và văn hóa phương Đông chấp nhận nhưng những nền văn hóa khác không chấp nhận.
Thầy giáo sai, nhưng phụ huynh và chính học sinh có vô can?
Trước câu hỏi hành vi của vị giáo viên trên nếu đúng như những gì phụ huynh phản ánh, liệu đó có phải là dâm ô không? TS Thuận cho biết trước hết đây là hành vi không phù hợp.
Nhưng chúng ta thử đặt giả thuyết, rằng nếu ngay từ ban đầu khi mới thực hiện hành vi trên, vị giáo viên trên bị ngăn chặn và các trẻ em đều phản ứng thì liệu sự việc có kéo dài và đi đến hậu quả như hiện tại không.
Chúng ta đã không rõ ràng nên đến giờ, hành vi sai trái đã có điều kiện diễn ra.
Chuyên gia cho rằng văn hóa và vấn đề giáo dục giới tính tại Việt Nam chưa ổn nên tạo điều kiện cho những hành vi dâm ô.
"Chúng ta không bàn lỗi cụ thể ở người nào, nhưng chúng ta thấy có nhiều lý do dẫn đến hành vi này. Là văn hóa, là vấn đề giáo dục giới tính. Cả 7 trẻ đều không phản ứng chống trả tức là chúng không biết điều này là điều sai trái. Kế nữa, cảnh báo từ gia đình cũng không rõ ràng để cho trẻ biết hành vi đụng chạm trẻ con nào là không được phép. Lâu dần, những người lạm dụng trẻ em sẽ cho những hành vi xâm phạm trẻ em là bình thường".
Do đó vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường với trẻ con rất quan trọng, để chúng ta ngăn ngừa không chỉ hiện tượng mà cả những hậu quả có thể xảy đến trong tương lai. Không thể để đứa bé suy nghĩ rằng sờ bộ phận sinh dục là bình thường và ai cũng có thể sờ bộ phận đó", TS Thuận nói.
Về phía người giáo viên, TS Thuận cho rằng để biết chính xác ông này bình thường hay có vấn đề về tâm lý, giới tính, có bệnh hay không thì cần phải thăm khám cụ thể.
Về truyền thông, việc chúng ta đăng tải quá nhiều, quá chi tiết về sự việc cũng không tốt. Bởi sau này dù sự việc có được giải quyết thì dấu vết vẫn còn lại, khiến trẻ gặp khó khăn, khó hòa nhập với cộng đồng. Chúng ta phải giải quyết từ bản chất chứ không thể nhìn vào từng ca mà kết luận đúng hay sai.
Trẻ nam bị xâm hại, dâm ô khác gì với trẻ nữ?
Về giới tính, TS Thuận cho biết trẻ nam bị dâm ô có một số khác biệt so với trẻ nữ. Bản thân nam học sinh thường dậy thì muộn hơn trẻ nữ, cho nên có thể lúc bị lạm dụng thì suy nghĩ vẫn chỉ như đứa trẻ.
Tuy nhiên sau khi phát hiện bị dâm ô, hậu quả về mặt tâm lý là tương đương nhau. Trẻ có khi nhỏ bị lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi, bị bạo hành thể hung hăng khi lớn lên, không phân biệt được giới tính. Trẻ có thể mặc cảm, tự ti hoặc thậm chí buông xuôi cuộc sống.
Nữ có thể bị hậu quả nặng nề hơn nhưng nam nguy cơ cũng không kém. Bởi ở Việt Nam, sự dâm ô khác giới dễ xác định hơn là đồng giới. Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ chỉ là tiếp xúc với người khác giới mới không an toàn trong khi người cùng giới lại không có hàng rào đủ an toàn.
Trong bối cảnh xảy ra sự việc, cũng có khả năng học sinh sợ khai báo sự việc vì thành tích. Tuy nhiên muốn xác định rõ nguyên nhân phải trao đổi, hỏi kỹ ngay nạn nhân, rằng "tại sao con không báo cho nhà trường" để xác định đúng chứ không thể phỏng đoán.
Chính những hậu quả này nên các nước phương Tây ban hành luật về dâm ô trẻ em rất nghiêm khắc.
Cả phụ huynh và học sinh đều cần tham vấn tâm lý.
Chúng ta nên nhìn lại những lỗ hổng về giáo dục, xây dựng trong nhà trường, xã hội để điều chỉnh thay vì chỉ tập trung chỉ trích một cá nhân. Điều này không sai nhưng làm sao để phòng ngừa sự việc mới cần thiết hơn giải quyết khi sự việc xảy ra.
"Để các em có thể ổn định tinh thần, thứ nhất đừng để thông tin bị thổi phồng. Điều này chẳng giúp được gì cho trẻ cả mà có thể gây thêm hại. Điều cần làm đầu tiên là cắt đứt sợi dây liên hệ giữa người thầy và các học sinh để sự việc không diễn ra nữa.
Sao đó tư vấn, thăm khám tâm lý cho các em học sinh và kể cả phụ huynh, thầy giáo. Chúng ta không làm cho các em tự phản kháng, bảo vệ bản thân về những hành vi không đúng thì không thể nào ngăn ngừa tất cả những mối nguy hiểm cho trẻ.
"Chúng ta thường nói nam nữ thụ thụ bất thân để quan niệm sự an toàn liên quan đến giới tính. Nhưng biết đâu ông thầy dạy bồi dưỡng học sinh giỏi ấy bản chất là nữ, có vấn đề về giới tính thì sao", TS Thuận đặt giả thuyết.
Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!
Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là thỏa hiệp với tội ác.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.