Trung thu và nước mắt của 4 anh em mất mẹ vì COVID-19: 50 ngày không còn “người số 1” cuộc đời
“Mẹ là người rất tuyệt vời, một người có thể bao dung nhường nhịn người khác mọi thứ. Mẹ là tất cả, là số 1 với em” – cô bé Phan Quyên Tuyền Định nghẹn ngào chia sẻ sau 50 ngày vĩnh viễn mất đi người sinh ra mình.
Gần 2 tháng qua, căn nhà trọ tại số 160B, phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) vẫn chưa hết tang thương. Trên bàn thờ, di ảnh của cô Lý Thị Thùy Dung (51 tuổi) như đang mỉm cười với Phan Quyên Tuyền Định (15 tuổi). Nhưng đối diện mẹ, đứa con gái mới vào lớp 10 lại "giọt ngắn, giọt dài".
Mẹ mất, cả nhà 6 người nhiễm COVID-19
Phan Quyên Tuyền Định kể, em là con thứ 2 trong gia đình có 4 người con rất nghèo.
17 năm qua từ khi rời Đồng Nai, cha em là chú Võ Văn Đức (62 tuổi) dắt díu vợ và các con sống lang bạt qua rất nhiều căn nhà trọ ở Sài Gòn.
Cuộc sống khó khăn, Tuyền Định sớm theo mẹ đi làm thêm, phụ quán ăn từ nhỏ.
Lên đến lớp 7, lớp 8, em không khác gì một "trụ cột gia đình". Nhất là khi năm 2017, cha Định lên cơn tai biến khiến một bên tay liệt và thoát vị đĩa đệm, không thể làm công việc nặng.
Còn người anh lớn Võ Quyên Định (17 tuổi) lại bị hen suyễn từ nhỏ, sức khỏe rất yếu không thể đỡ đần phụ cha mẹ lo cho các em.
Từ ngày lâm bạo bệnh không còn sức khỏe như trước, chú Đức cố tìm một chỗ trọ gần đường để bán nước, bán đồ ăn sáng cũng như có chỗ rộng rãi cho các con đang lớn dần sinh sống.
Tiền trọ mỗi tháng ngốn của họ 5 triệu đồng. Cộng thêm tiền thuốc, tiền ăn học của 4 anh em, ít khi vợ chồng chú Đức, cô Dung dành dụm được nhiều tiền để mua cho các con những món ngon, những bộ quần áo mới.
Một ngày giữa tháng 7/2021, cuộc sống vốn đã khó khăn của họ như lâm vào khủng hoảng khi bi kịch ập đến. Cả nhà 6 người đều có kết quả xét nghiệm nhiễm COVID-19.
Từ đây, các thành viên trong gia đình chịu cảnh ly tán.
"Tôi chở vợ qua Trung tâm Hồi sức COVID-19 ở Bệnh viện (BV) Ung bướu cơ sở 2 nhưng họ báo chỉ tiếp nhận những trường hợp nặng. Vợ tôi lúc đó sốt ho, mệt mỏi lắm" - chú Võ Văn Đức kể.
Sau đó Tuyền Định và mẹ được chuyển vào khu cách ly tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Chú Đức cùng các anh em còn lại phải vào BV dã chiến điều trị COVID-19 số 6 (TP Thủ Đức).
Chỉ ít ngày sau, bệnh của cô Dung đã diễn biến xấu, phải chuyển gấp vào BV điều trị COVID-19 Thủ Đức. Lúc này, Tuyền Định cũng phải chịu cảnh xa mẹ và dần mất liên lạc.
"Đến ngày 27/7 em âm tính nên được cho về. Lúc đó cha và anh lớn, 2 em vẫn còn đang cách ly. Cha dặn không được ra ngoài, nhà cũng không còn tiền nên mấy ngày đó em chỉ ăn mì gói cầm hơi" - Tuyền Định nhớ lại.
3 ngày sau, hầu hết các thành viên trong nhà đã chiến thắng được COVID-19, ngoại trừ người vợ.
Lập tức họ tìm cách liên lạc với BV để biết cô Dung hiện ra sao.
Nhưng khi nhận lại tin báo vào ngày 30/7, cả gia đình bàng hoàng.
"Họ báo mẹ em mất 2 ngày rồi, kêu lên nhà thiêu Thủ Đức nhận tro cốt. Trước đó khi còn liên lạc được, người ta báo sức khỏe mẹ ổn hơn rồi. Em còn mơ thấy cả nhà đoàn tụ, cùng nhau ăn cơm vui vẻ. Không hiểu sao lại như vậy..." - cô con gái khóc nức nở.
50 ngày không còn "người số 1" cuộc đời
Chú Đức kể lúc vợ mất, TP.HCM vẫn đang siết chặt giãn cách nên việc làm ảnh thờ của vợ gặp rất nhiều khó khăn.
Đường cùng, họ phải vào một trường tiểu học nhờ in khổ lớn ảnh di ảnh của vợ.
Những ngày đầu tiên, cả nhà ai cũng đau đớn, hụt hẫng. Riêng Tuyền Định được các hàng xóm gần nhà khuyên phải cứng rắn để làm chỗ dựa cho cho cha đang yếu, em thơ.
Vậy là em nuốt nước mắt, cố lo vun vén chuyện gia đình. Bởi giờ đây, em sẽ thay người mẹ đã khuất gồng gánh mọi thứ.
"Hồi còn sống mẹ dặn phải luôn thương yêu các anh em trong nhà. Nên giờ có mâu thuẫn gì với anh, có muốn la mắng các em, nhớ lại lời mẹ là em cố kìm nén lại" – Tuyền Định tâm sự.
Hỏi về những khoảnh khắc vui nhất lúc mẹ còn sống, Tuyền Định nói thích nhất là được đùa giỡn với cô Dung, vì mẹ không bao giờ giận em hết.
"Mẹ là người rất tuyệt vời, một người có thể bao dung nhường nhịn người khác mọi thứ. Mẹ là tất cả, là số 1 với em" – cô bé Phan Quyên Tuyền Định nghẹn ngào chia sẻ sau 50 ngày vĩnh viễn mất đi người sinh ra mình.
Theo cô gái nhỏ, điều em hối tiếc nhất là vẫn chưa hỏi và biết được ước mơ của mẹ là gì.
"Mẹ chỉ sống hết cho gia đình mà chưa làm điều gì cho bản thân. Cứ đi làm về là mẹ lại tranh thủ nhặt ve chai. Nhiều lần em ngại kêu mẹ ở nhà đừng đi nữa.
Mẹ nói lượm để kiếm tiền lo ăn học cho tụi em, đâu phải lo cho mẹ. Gần nhà có lò bánh mì, mẹ canh họ bán không hết là xin về để dành hấp cho mấy cha con ăn" – Tuyền Định chia sẻ.
Nghe con gái tâm sự, chú Đức cũng đứng dậy, mắt hướng về bọc bánh mì vẫn chưa ăn hết, còn dang dở trên nóc tủ gần cầu thang lên gác.
Mấy tháng nay, bánh đã thiếu người chế biến, khô khốc và lạnh lẽo.
Tuyền Định nói dù khó khăn vẫn sẽ cố gắng nghiệp đèn sách để sau này được làm luật sư, giúp đỡ cho những ai khó khăn và bất hạnh giống em.
Lên lớp 10, cô bé học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của TP Thủ Đức. Mấy ngày trước - thời điểm nhập học, trường nói sẽ có chính sách hỗ trợ cho học sinh mồ côi vì COVID-19.
Tuyền Định rất mong chờ lời hứa trên sớm được thực hiện. Bởi nếu trường nhắc học phí, em và cha cũng chưa biết đào đâu ra tiền bạc trong thời điểm này để đóng.
Mới đây, Tuyền Định vừa được đại diện Thành đoàn TP.HCM đến nhà tặng một chiếc máy tính bảng dùng cho việc học online.
Nó là một món quà ý nghĩa và cần thiết với cô bé để nuôi dưỡng tương lai.
Nhưng nếu có một điều ước, Tuyền Định ước món quà mà mình nhận được những ngày cận Tết Trung thu - là có một phép màu để đưa mẹ yêu quý trở về.