Trong giai đoạn đỉnh điểm của bệnh cúm, 3 món ăn này bạn nên ăn nhiều: Nấu dễ lại tăng cường miễn dịch, dưỡng phổi và tiêu đờm, giúp phục hồi nhanh

Huệ Lan (T/h),
Chia sẻ

3 món ăn này được lựa chọn cẩn thận và giàu chất dinh dưỡng, có thể cung cấp năng lượng cũng như chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp cải thiện khả năng miễn dịch, giảm bớt sự khó chịu do bệnh cúm gây ra.

Hiện tại là thời điểm mùa đông, không khí lạnh, hanh khô, nhiệt độ chênh lệch lớn cùng với tình trạng ô nhiễm không khí khiến cho nhiều người mắc bệnh cúm. Thời điểm này khiến cho hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu, đối diện với nhiều thách thức. Để đối phó với dịch cúm trong giai đoạn này, ngoài việc điều trị y tế kịp thời, một chế độ ăn uống hợp lý cũng có thể mang lại hiệu quả gấp đôi mà chỉ tốn một nửa công sức. Đặc biệt, bạn có thể nấu một số món hầm bổ dưỡng không chỉ có tác dụng nhuận phổi, tiêu đờm mà còn tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm triệu chứng cảm lạnh, thúc đẩy quá trình phục hồi. Hôm nay chúng tôi giới thiệu 3 món hầm tốt cho sức khỏe, đặc biệt thích hợp để ăn khi bị cúm. Các món ăn đó bao gồm thịt nạc hầm nấm đông trùng hạ thảo, nấm tuyết hầm lê và đường phèn, canh thịt ức bò và củ cải trắng. Những món ăn này được lựa chọn cẩn thận và giàu chất dinh dưỡng, có thể cung cấp năng lượng cũng như chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp cải thiện khả năng miễn dịch, giảm bớt sự khó chịu do bệnh cúm gây ra.

1. Thịt nạc hầm nấm đông trùng hạ thảo

Nguyên liệu: 50-80g nấm đông trùng hạ thảo tươi, 200g thịt nạc (thịt lợn, thịt bò hoặc ức gà), 8g kỷ tử, 5 quả táo đỏ, rượu nấu ăn, 1 nhánh gừng, lượng muối thích hợp.

Cách làm món thịt nạc hầm nấm đông trùng hạ thảo

Bước 1: Nấm đông trùng hạ thảo rửa sạch, để ráo nước. Theo Đông y, nấm đông trùng hạ thảo có tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng ích phế, thận, cầm máu, tinh tủy và hóa đờm. Nấm đông trùng hạ thảo rất giàu protein, có vai trò nhất định trong việc tăng cường, điều hòa chức năng miễn dịch và nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. 

Thịt nạc rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông, gừng rửa sạch, thái lát. Kỷ tử và táo đỏ rửa sạch rồi vớt ra để ráo. Cho lượng nước vừa đủ vào nồi, thêm thịt nạc vào rồi đun sôi. Sau đó bạn dùng muôi hớt bỏ bọt. Chần thịt trong khoảng 3 phút thì vớt ra, rửa sạch với nước ấm. 

Bước 2: Cho một chút dầu ăn vào nồi hầm, đun nóng rồi thêm gừng thái lát, xào đến khi dậy mùi thơm. Tiếp theo bạn cho các khối thịt nạc đã chần vào, đảo nhanh tay rồi thêm nấm đông trùng hạ thảo, táo đỏ, đảo đều. Sau đó thêm một lượng rượu nấu ăn thích hợp để khử mùi tanh. Đảo đều một lúc rồi cho lượng nước thích hợp vào ngập nguyên liệu khoảng 2-3cm, đậy nắp nồi lại.

Bước 3: Đun sôi trên lửa lớn sau đó bạn chỉnh về mức lửa vừa và thấp rồi hầm trong khoảng 1 giờ. Hầm đến khi thịt nạc mềm, mùi thơm từ nấm tỏa ra. Tiếp đó bạn nêm lượng muối thích hợp, đảo đều rồi cho kỷ tử vào. Lấy canh ra tô là có thể thưởng thức.

2. Nấm tuyết hầm lê và đường phèn

Nguyên liệu: 1/2 cây nấm tuyết, 1 quả lê, lượng đường phèn thích hợp, một ít kỷ tử, lượng nước thích hợp.

Cách làm nấm tuyết hầm lê và đường phèn

Bước 1: Nấm tuyết ngâm trong nước khoảng 30 phút đến khi nở mềm. Sau đó bạn rửa sạch, cắt bỏ phần gốc vàng rồi xé nấm tuyết thành các miếng nhỏ. Nấm tuyết có tác dụng trong việc trị chứng khô miệng, ho khan, ho có đờm, sau khi ốm dậy bị suy nhược cơ thể. Lê rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng miếng nhỏ. Bạn cũng có thể chọn loại bỏ lõi lê hoặc giữ lại; lõi lê có chứa một số chất dinh dưỡng nhất định. Ngâm kỷ tử trong nước khoảng 5-10 phút, rửa sạch và để riêng. 

Bước 2: Cho nấm tuyết, lê cắt khối vào nồi hầm, thêm lượng đường phèn thích hợp. Thông thường, có thể thêm 20-30 gam đường phèn tùy theo lượng nấm tuyết và lê. Đường phèn giúp món ăn ngọt hơn và dưỡng ẩm cho phổi. Sau đó bạn thêm lượng nước vừa đủ vào sao cho ngập nguyên liệu khoảng 2-3 cm. Bật mức lửa nhỏ, đun từ từ trong khoảng 1-1.5 giờ, cho đến khi nấm tuyết mềm và nước súp rút bớt, sánh lại. Bạn có thể thêm một lượng nước thích hợp vào giữa chừng để tránh cạn, cháy nồi. Sau đó bạn cho kỷ tử vào là có thể thưởng thức.

Lưu ý: Sau khi hầm xong, bạn kiểm tra độ ngọt theo khẩu vị cá nhân. Nếu cần thì cho thêm một chút đường phèn để điều chỉnh độ ngọt. Món nấm tuyết hầm lê và đường phèn với phần nước có vị ngọt, pha chút chua chua của quả lê, đặc biệt là nấm tuyết mềm mịn, giòn, kỷ tử đẹp mắt và bổ dưỡng.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của bệnh cúm, 3 món ăn này bạn nên ăn nhiều: Nấu dễ lại tăng cường miễn dịch, dưỡng phổi và tiêu đờm, giúp phục hồi nhanh - Ảnh 6.

3. Canh thịt ức bò và củ cải trắng

Nguyên liệu: 500g thịt ức bò, 1 củ gừng, 1 cây hành lá, lượng đường phèn vừa phải, lượng muối thích hợp, một chút rau mùi, rượu nấu ăn.

Cách làm món canh thịt ức bò và củ cải trắng

Bước 1: Rửa sạch thịt ức bò, sau đó cắt thành từng khối vuông. Tốt nhất nên chọn ức bò có chút mỡ, nước hầm sẽ ngon hơn. Cho ức bò vào nồi nước lạnh, đun trên lửa lớn khoảng 3-5 phút rồi vớt ra, rửa sạch với nước ấm, để ráo.

Bước 2: Cắt gừng thành từng lát mỏng, xắt hành lá thành đoạn ngắn để sử dụng sau. Những lát gừng có thể giúp khử mùi tanh, còn những đoạn hành lá có thể tạo thêm hương vị cho món súp. Gọt vỏ củ cải và cắt thành lát dày hoặc khối vuông. Kích thước có thể điều chỉnh theo sở thích cá nhân. Củ cải có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tạo hương vị thơm ngon. Rau mùi rửa sạch, xắt nhỏ.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của bệnh cúm, 3 món ăn này bạn nên ăn nhiều: Nấu dễ lại tăng cường miễn dịch, dưỡng phổi và tiêu đờm, giúp phục hồi nhanh - Ảnh 8.

Bước 3: Cho một chút dầu ăn vào nồi, đun nóng rồi thêm hành, gừng vào xào thơm. Sau đó bạn cho thịt ức bò vào đảo đều một lúc. Tiếp đó bạn cho 1 thìa nhỏ rượu nấu ăn để khử mùi tanh, vặn lửa vừa và bắt đầu đun sôi. Sau khi đun sôi, vớt hết bọt để giúp nước dùng trong. Đậy nắp nồi, giữ lửa ở mức vừa phải và đun 1.5 giờ cho đến khi thịt ức bò mềm và thơm. Nếu dùng nồi áp suất thì thời gian có thể rút ngắn xuống còn khoảng 40 phút.

Bước 4: Sau khi thịt ức bò được hầm mềm thì cho củ cải và một lượng đường phèn thích hợp vào. Đường phèn giúp tăng thêm vị ngọt cho món canh, không chỉ cải thiện mùi vị mà còn giúp bổ phổi. Tiếp tục đun nhỏ lửa trong 20-30 phút, cho đến khi củ cải mềm và nước dùng đậm đà. Lúc này, bạn có thể thêm một lượng kỷ tử thích hợp để tăng dinh dưỡng và màu sắc cho món canh, tiếp tục nấu trong 5 phút. Cuối cùng cho lượng muối thích hợp, điều chỉnh theo khẩu vị cá nhân, đảo đều rồi tắt bếp.

Những món hầm bổ dưỡng này không chỉ giúp làm ẩm phổi, tiêu đờm mà còn cung cấp dưỡng chất toàn diện cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giúp người bệnh khỏi cảm cúm nhanh hơn. Tất nhiên, ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, việc rửa tay thường xuyên, tránh nơi đông người và chú ý giữ ấm, cũng có thể giảm nguy cơ lây bệnh một cách hiệu quả. Chúng tôi hy vọng những món ăn này có thể giúp bạn ngăn ngừa và điều trị bệnh cúm một cách hiệu quả và nhanh chóng khỏe mạnh càng sớm càng tốt.

Chia sẻ