Trì hoãn làm việc này khiến tôi suýt mất mạng vì ung thư cổ tử cung
Frankie Apleyard, một phụ nữ người Anh, suýt phải trả giá bằng chính mạng sống của mình vì không thực hiện xét nghiệm này.
Như nhiều cặp đôi khác, tôi và bạn trai, Tom, thường trò chuyện về tương lai – và về khả năng có con. Tuy nhiên, đó vẫn là kế hoạch của vài năm nữa. Dù vậy, tôi thậm chí cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được tham gia vào cuộc trò chuyện như vậy.
Thế mà cơ hội lần đầu tiên được làm mẹ đã gần như tuột khỏi tầm tay tôi.
Đầu năm 2012, tôi được mời làm xét nghiệm soi tế bào cổ tử cung đầu tiên của mình tại phòng khám của bác sĩ phụ khoa của mình. Thời điểm đó, tôi đang làm quản lý bán lẻ ở Leeds, công việc vô cùng bận rộn và vì ở khá xa phòng khám của bác sĩ nên tôi dường như chẳng bao giờ sắp xếp được thời gian đi khám theo hẹn. Tất nhiên, cũng kèm trong đó là cảm giác ngượng ngùng nếu phải trút bỏ nội y trước mặt một người lạ.
Frankie Apleyard từng trải qua khủng hoảng khi phải quyết định cắt bỏ hoàn toàn tử cung.
Frankie Apleyard từng trải qua khủng hoảng khi phải quyết định cắt bỏ hoàn toàn tử cung.
Mặc dù trong tâm trí, tôi biết mình phải thực hiện xét nghiệm này nhưng dường như ung thư cổ tử cung vẫn là thứ gì đó mà tôi nghĩ không dành cho mình.
Thật sai lầm. Cuối cùng, tôi đã đến làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung, hơn 1 năm sau lịch hẹn, vào tháng 6 năm 2013. Tôi bị sốc nặng khi được thông báo rằng có những tế bào bất thường nghiêm trọng xuất hiện ở cổ tử cung của tôi. Tôi đã khóc rất nhiều trước khi một người bạn đến đón tôi.
Vài ngày sau, tôi tới Bệnh viện St Jame’s ở thành phố Leeds để soi cổ tử cung, mục đích là cắt bỏ tế bào và lấy sinh thiết. Bác sĩ nói trông không có vẻ như những tế bào bất thường đó đã phát triển thành ung thư. Kết luận sẽ chưa có trong vòng 6 tuần tới.
Thời gian trôi đi, tôi bắt đầu tự cho phép mình được thả lỏng - không có tin gì là tin tốt. Một ngày trước thời hạn 6 tuần, tôi gọi cho phòng khám và một bác sĩ thông báo: “Tôi rất tiếc nhưng chị đã bị ung thư cổ tử cung”.
Tôi mới 26 tuổi.
Khi nghe thấy hai từ “ung thư”, tôi có cảm giác đang thấy hiện lên hình ảnh trong các quảng cáo về căn bệnh này: đó là lúc bệnh nhân bắt đầu không còn nghe và hiểu bác sĩ đang nói gì nữa, đôi mắt họ cũng mờ dần đi.
Frankie Apleyard và chị gái của cô - người mong muốn cô tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung và hứa sẽ mang thai hộ.
Frankie Apleyard và chị gái của cô - người mong muốn cô tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung và hứa sẽ mang thai hộ.
Bác sĩ nói, tôi mắc ung thư giai đoạn 1 nhưng tôi không biết thế nghĩa là gì. Bác sĩ giải thích rằng, sẽ có một cuộc họp nhằm quyết định phương pháp điều trị cho tôi sau khi tôi chụp cộng hưởng từ.
Tôi bèn gọi cho chị gái tôi, Petra, 33 tuổi. Chị lập tức bắt đầu từ York đến. Thế rồi tôi trở lại với công việc và không biết phải làm gì nữa.
Hai tuần sau, tôi được chụp cộng hưởng từ nhưng phải được khoảng 1 tháng mới gặp được chuyên gia tư vấn về phương pháp điều trị cho tôi. Thời hạn 1 tháng kết thúc, bác sĩ hỏi liệu tôi có biết về cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung của mình vào tuần tới hay không.
Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Tôi không hề hay biết đây sẽ là bước tiếp theo. Lúc đó, tôi thậm chí còn chưa có bạn trai, nói gì tới có con. Và giờ thì tương lai của tôi đang bị tước đoạt. Tôi đã dành nhiều giờ sau đó để đọc về các biện pháp điều trị cũng như nói chuyện với các bệnh nhân khác trên trang web Jo’s Cervical Cancer Trust.
Đúng là may mắn trời cho khi được tiếp xúc với những người đang mắc phải rắc rối tương tự, cũng phải trải qua nhiều ca phẫu thuật và phương pháp điều trị khác nhau. Cũng chính tại đây, tôi đọc được về một loại phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung nhưng không lấy đi toàn bộ tử cung.
Khi còn ở tuổi quá trẻ đến vậy, tôi không bao giờ nghĩ mình lại phải đối mặt với bất kỳ kiểu phẫu thuật nào như thế.
Khi tôi giải thích điều này với chuyên gia tư vấn, cô ấy đã mời một bác sĩ khác vào và vị bác sĩ đó khẳng định, họ có thể làm như vậy. Nhưng khối u, với kích cỡ bằng 1 quả nho, ở vị trí khá cao nên họ rất quan ngại việc tất cả các tế bào đều bị ảnh hưởng. Chị gái nài nỉ tôi hãy thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung để tránh nguy cơ bệnh ung thư tái phát. Khi chúng tôi nói chuyện trong căng-tin bệnh viện, chị Petra bảo, chị sẵn sàng làm người mang thai hộ cho tôi nếu tôi vẫn muốn có con trong tương lai.
Nhưng tôi biết tôi vẫn muốn giữ tử cung của mình. Tôi muốn lựa chọn được tự mang thai đứa con của mình một ngày nào đó.
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là việc làm mà mọi phụ nữ trước khi kết hôn nên thực hiện.
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là việc làm mà mọi phụ nữ trước khi kết hôn nên thực hiện.
1 tuần sau, tôi trải qua phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung. U bạch huyết được mang đi xét nghiệm xem nó có khả năng di căn không. 2 tuần sau đó, kết quả xét nghiệm âm tính – tôi sẽ không cần phải hoá trị hay xạ trị nữa. Tôi lâng lâng người trong cảm giác vui sướng.
Nhưng quả thực tôi đã vô cùng may mắn. Nếu tôi trì hoãn xét nghiệm tế bào cổ tử cung lâu hơn, tôi có thể mất đi cơ hội có con, hay thậm chí chính mạng sống của mình.
Tôi rất mong mọi phụ nữ trẻ đều sẽ thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung càng sớm càng tốt, ngay khi nhận được lời mời. Nó có thể cứu sống họ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, đi xét nghiệm để phát hiện dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung mỗi lần được mời là cực kỳ cần thiết đối với nhóm phụ nữ độ tuổi 25-64. Hơn 1.900 người đã được cứu sống nhờ xét nghiệm tế bào cổ tử cung.
Tôi cũng muốn thấy các em nữ sinh được tiêm chủng vắc xin HPV để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Nữ sinh độ tuổi 12-13 có thể tiêm mũi vắc xin này. Tuy nhiên, có một số lo ngại từ phụ huynh về tác dụng phụ của vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung. Nhưng bất kể tác dụng phụ đó là gì, chúng chắc chắn không tệ bằng việc bị mắc ung thư.
Tôi thực sự hài lòng vì mình đã giữ lại tử cung. Tom và tôi lúc đó mới chỉ là bạn nhưng anh ấy đã luôn ở bên ủng hộ tinh thần cho tôi. Tôi đoán đó là một phần nguyên do tại sao tôi phải lòng anh ấy. Giờ thì chúng tôi đang mong chờ một tương lai hạnh phúc phía trước. Và rất hi vọng, tương lai ấy sẽ đến cùng với trẻ con.
(Nguồn: MiR)