Những đứa trẻ Việt Nam bị bán sang châu Âu làm nô lệ: Bị nhồi nhét trong xe tải và bị coi là một tội phạm, không được bảo vệ khỏi những kẻ buôn người

Diệp Lục,
Chia sẻ

Hàng ngàn trẻ em Việt Nam đang trở thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người trái phép nhưng các em lại không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Trang Guardian đưa tin, hàng ngàn trẻ em bị buôn bán từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đang bị lạm dụng và khai thác mà không nhận được sự bảo vệ nào. Các nạn nhân thường bị buôn bán thông qua 8 quốc gia trước khi đến Vương quốc Anh và tại mỗi nơi những đứa trẻ đặt chân đến chúng đều bị bóc lột sức lao động.

Tuy nhiên, chính phủ tại các quốc gia này coi việc trẻ em Việt Nam bị buôn bán là trách nhiệm của các quốc gia khác, theo một báo cáo được công bố vào hôm 24/10 bởi Anti-Slavery International, Tổ chức Liên kết Thái Bình Dương và Tổ chức giúp đỡ nạn nhân buôn người (Ecpat UK). Do vậy, trẻ em Việt Nam có mặt trên khắp châu Âu đều không được xác định là nạn nhân. Các em không thể tiếp cận được những biện pháp bảo vệ, thoát khỏi những kẻ buôn người. Vì thế, trẻ em Việt Nam dễ dàng bị lợi dụng và lạm dụng nhiều hơn.

Ông Debbie Beadle, đại diện của Ecpat UK cho biết: "Những gì chúng tôi nhận ra từ cuộc nghiên cứu là các chính phủ nhìn thấy trẻ em Việt Nam đang đi qua các quốc gia của họ để đến Tây Âu và Vương quốc Anh. Vì vậy họ cho rằng đó không phải là vấn đề của quốc gia mình và từ đó dẫn đến vòng xoáy bi kịch".

Trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang châu Âu làm nô lệ: Đi bộ xuyên rừng, bị nhồi nhét trong xe tải và bị coi là một tội phạm, không được ai bảo vệ - Ảnh 1.

Trẻ em Việt Nam không được bảo vệ dù chúng là nạn nhân của những kẻ buôn người

Chính phủ các nước không coi những đứa trẻ ấy là một nạn nhân của nạn buôn người. Chúng đều bị bắt giữ và coi là tội phạm nhập cư trái phép. Theo luật quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người và bóc lột. Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam bị buôn bán không thuộc vấn đề mà những đất nước này quan tâm.

Công dân Việt Nam thường xuyên được biết đến là một trong ba quốc tịch hàng đầu được nhắc đến nhiều nhất về vấn nạn buôn người. Từ năm 2009 đến năm 2018, 3187 trẻ em và người lớn Việt Nam được xác định là nạn nhân của những kẻ buôn người. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn.

Sự nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em Việt Nam dễ bị dụ dỗ, lợi dụng và trở thành một món hàng bị buôn bán, bóc lột. Trong số những trẻ em Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài, phần lớn là các bé trai bị bóc lột sức lao động trong các tiệm nail hay trang trại trồng cần sa. 

Dựa trên kết quả nghiên cứu của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các quan chức chính phủ và các thành viên của cộng đồng người Việt trên khắp châu Âu cho thấy, trẻ em thường xuyên bị buôn bán từ Việt Nam sang đến Nga, sau đó các em sẽ bị bán sang các nước Belarus, Ukraine, Ba Lan, Séc Cộng hòa, Đức, Hà Lan và Pháp.

Trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang châu Âu làm nô lệ: Đi bộ xuyên rừng, bị nhồi nhét trong xe tải và bị coi là một tội phạm, không được ai bảo vệ - Ảnh 3.

Một người Việt bị bóc lột tại trang trại trồng cần sa ở Anh.

Trong một số trường hợp, trẻ em Việt Nam buộc phải đi bộ qua các cánh rừng để vào các nước EU để thoát khỏi cuộc truy bắt của chính quyền. Ở những nơi khác, các nạn nhân di chuyển bằng xe ô tô hoặc xe tải. Nợ nần là một vấn đề ràng buộc lớn đối với trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang châu Âu. Các khoản nợ thường có giá trị từ 10.000 - 40.000 USD. Những kẻ buôn người thường dùng bạo lực để đe dọa những đứa trẻ và người thân của các em liên quan đến số nợ khổng lồ ấy.

Tuy nhiên, lỗ hổng của luật pháp khiến chính quyền các nước bối rối trong việc xử lý các trường hợp này. Dung (tên nhân vật đã thay đổi), là một thành viên người Việt của nhóm Ecpat UK, bị buôn bán từ Việt Nam sang Trung Quốc, sau đó đến châu Âu. Trên đường di chuyển, chính quyền đã không thể can thiệp và giúp cô đòi lại công lý.

"Tôi là một đứa trẻ bị bắt đi khắp Châu Âu. Tại Pháp, cảnh sát đã không giúp tôi và những kẻ buôn người đã tìm thấy tôi một lần nữa. Khi ở Anh, tôi bị đối xử như một tên tội phạm. Một điều tôi muốn nói với người dân ở châu Âu rằng, nếu điều đó xảy ra với con cái của các bạn, liệu bạn có làm ngơ hay không? Một điều nữa tôi muốn hỏi chính phủ Anh rằng tại sao nạn nhân như chúng tôi lại bị coi là tội phạm?".

Nguồn: The Guardian

Chia sẻ