Đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng cho - nhận con nuôi: 20 triệu đồng cho một sinh linh (Phần 1)
300 triệu là chi phí cho dịch vụ mang thai hộ. Ngày 11/4, một đường dây chuyên mang thai hộ cho người Trung Quốc đã bị triệt phá ở Quảng Ninh. Tuy nhiên nhiều gia đình hiếm muộn lại chọn cách "mua" những đứa trẻ mới sinh. Họ công khai giá cả của một em bé chỉ từ hai đến ba mươi triệu đồng.
Đường dây buôn bán trẻ em núp bóng cho và nhận con nuôi : 20 triệu đồng cho một đứa trẻ (Phần 1)
Ngày 11/04/2019, một đường dây bà bầu chuyên mang thai hộ cho người Trung Quốc vừa bị triệt phá ở trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 300 triệu là chi phí phải trả để "thuê" người làm hộ thiên chức phụ nữ, một con số cũng gọi là lớn, "vừa công" cho 9 tháng mang nặng đẻ đau hộ những con người khác.
Lần mò trên Facebook để tìm hiểu về loại hình dịch vụ mới này, chúng tôi vô tình khám phá ra thêm kiểu dịch vụ khác, mang tính "ăn liền" hơn và một con số gây sốc hơn. Những đứa trẻ sơ sinh, bằng một vài lý do, ra đời trong sự không mong muốn của cha mẹ bỗng nhiên trở thành món hàng mà người có nhu cầu "mua" có thể lựa chọn với cái giá chỉ vào khoảng… 20 đến 30 triệu đồng.
Nhu cầu này nảy sinh khi ngày càng nhiều gia đình có nhu cầu nhận con nuôi nhưng lại không muốn phải qua các thủ tục rườm ra, và hơn cả, được quyền cắt đứt hoàn toàn với phia gia đình cho con nuôi thông qua những bản cam kết dã man.
Dịch vụ "môi giới trẻ sơ sinh" núp bóng công việc tưởng chừng rất thiện nguyện
Qua một vài thông tin từ những người sành chơi mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhanh chóng có được 1 "suất" tham gia "Nhóm cho và nhận con nuôi – Ươm mầm cây sống". Nhóm này có khoảng 1.300 thành viên, cách xét duyệt thành viên cũng không quá rắc rối, kể từ lúc bắt đầu đăng ký vào nhóm cho tới khi được xét duyệt thành công chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ, mọi việc khá dễ dàng kể cả khi bạn sử dụng tài khoản ảo.
Đăng tải của P.N trên nhóm hội
Dưới danh tính một đôi vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi đăng bài với nội dung mong muốn tìm một bé gái làm con nuôi. Chỉ chưa đầy 5 phút đã có người tiếp cận. Đây là một tài khoản hoạt động khá thường xuyên trong nhóm tên là P.N.
Thông tin về các em bé có sẵn của P.N
Người này ngỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi tìm con, và chỉ dám xin một khoản "bồi dưỡng" dành cho mẹ bầu để sinh nở, ở cữ. Bản thân người này cũng có trong tay 3 bé dự sinh vào tháng sáu, bảy và tám; tùy nhu cầu của người tìm đến, P.N sẽ "se duyên" cho bé và gia đình mới. Trong trường hợp chúng tôi muốn được nhận nuôi bé luôn, P.N cho biết mình đang có sẵn một bé vừa sinh ở Ninh Bình, tuy đã có người "đặt" trước nhưng đến phút cuối lại không thấy tăm hơi.
Em bé được P.N cho biết có sẵn tại Ninh Bình.
Lấy lý do tiện đường di chuyển vì đặc thù sức khỏe, chúng tôi chọn một mẹ bầu đang sống tại Xuân Mai. Thoáng thấy khách có sự chần chừ, P.N cho biết vẫn còn nhiều mẹ bầu khác sẵn sàng cho chúng tôi lựa chọn. Mạng lưới của người này đủ để đáp ứng gần hết yêu cầu từ mọi gia đình tìm đến. Chúng tôi tạm thời vẫn chọn mẹ bầu ở Xuân Mai. Mọi nội dung tư vấn lúc này vẫn thông qua phương thức chat trực tuyến, chưa có bất kỳ sự thỏa thuận nào đạt được.
Những cuộc gọi dồn dập của P.N
Tiếp đó, người này yêu cầu liên lạc với chúng tôi thông qua video call. Mặc dù vài lần chúng tôi từ chối vì bận và hẹn sẽ gọi lại sau, P.N vẫn rất đúng giờ hẹn dồn dập gọi lại. Chúng tôi nhấc máy, kết nối với người này.
P.N hiện lên là một phụ nữ có vẻ khá từng trải. Khác với thái độ trên messenger, lúc này cô ta hỏi thăm chúng tôi khá nhiều thông tin, từ chỗ ở cho đến nơi công tác hiện tại, tuy nhiên vẫn có sự e dè nhất định của những kẻ lạ mặt. Tâm sự với nhau một lúc, cuối cùng các hàng rào khoảng cách cũng dần được gỡ bỏ, P.N bớt dè dặt hơn và chúng tôi bắt đầu thương lượng về chi phí bồi dưỡng.
Hình ảnh được cắt từ cuộc gọi video call.
Hai mươi triệu đồng là con số mà người phụ nữ này đưa ra để một gia đình có thể đón em bé về, bao gồm đủ các giấy tờ chứng sinh, kể cả tiền viện phí để đưa bà bầu đi đẻ.
"Giấy tờ gì chị cũng làm được" là khẳng định chắc nịch mà P.N khăng khăng với chúng tôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra câu hỏi về tính pháp lý của các giấy tờ này và cách giải quyết ra sao nếu như có chuyện xảy ra trong tương lai, bà môi giới này liên tục bỏ qua câu trả lời, hoặc trấn an theo kiểu "cứ yên tâm" cho qua chuyện.
Được biết thêm rằng P.N hiện đang có một số mẹ bầu đang tập trung ở Hà Phong, Hạ Long, Quảng Ninh chờ đến ngày sinh. Các mẹ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một con đường là không có điều kiện nuôi dưỡng một đứa trẻ. Theo lời kể, P.N tiếp cận các cô gái này khi họ lỡ mang bầu nhưng lại không thể bỏ thai, hứa nuôi dưỡng họ, cho ăn, cho ở đến khi họ lâm bồn, rồi lại đi tìm cha, tìm mẹ mới cho những đứa trẻ ấy.
Các mẹ bầu có sẵn tại địa bàn của P.N
Mặt khác, P.N chỉ nhận các mẹ bầu ở giai đoạn gần sinh nở, còn các mẹ mới ở giai đoạn đầu thì cô ta yêu cầu giữ liên lạc về sau. Nhóm chúng tôi ngỏ ý muốn được gặp mẹ của cháu bé mà chúng tôi chọn, tuy nhiên người phụ nữ đó liên tục khéo léo từ chối.
Chúng tôi hẹn cọc trước tiền, mong muốn được gặp gỡ tận mặt mẹ bầu, cuối cùng nhân vật P.N đồng ý gặp gỡ chúng tôi ở Quảng Ninh – nơi đang có vài mẹ bầu đang sinh sống cùng cô ta. Ở mô hình nuôi dưỡng này, chúng tôi xin phép được gọi bằng "trại nuôi bà bầu".
Trại nuôi dưỡng bà bầu
Cuộc hành trình đến "trại" chăm nuôi mẹ bầu cơ nhỡ này nhanh chóng được triển khai ngay sau đó. Qua sự chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại thành phố Hạ Long. Theo sự hướng dẫn khá lằng nhằng của P.N, chúng tôi được đưa đến một căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại xã Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đón tiếp chúng tôi chính là người phụ nữ mà chúng tôi đã liên lạc hôm trước – P.N.
Theo chân nhân vật P.N
Căn nhà mà P.N đón tiếp chúng tôi hiện tại đang có hai bà bầu sinh sống và đều đã có người đặt bé trước. Cả hai đều mang vẻ mặt tiều tụy, rất kiệm lời. Sự mệt mỏi day dứt hiện lên khá rõ trên gương mặt họ.
Theo nhân vật P.N chia sẻ thì trung bình 1 tháng cô ta "giúp đỡ" khoảng mười mẹ bầu ở các địa phương khác nhau đến đây sinh nở và tìm bố mẹ nuôi cho con.
Nơi dùng để nuôi dưỡng các mẹ bầu sắp sinh là một căn nhà cấp bốn lụp xụp, ẩm thấp. Trong phòng kê bộ bàn ghế cũ, nơi nghỉ ngơi của các mẹ chỉ độc là mấy tấm giát giường được phủ tấm chiếu sờn cũ.
Ngày chúng tôi đến thăm, trời có chút nóng đầu hè thôi mà ai cũng cảm thấy ngột ngạt khó chịu. Vậy đến khi cao điểm, cùng một lúc có tới 4 mẹ bầu tá túc tại đây (theo lời P.N nói), sức khỏe của các mẹ rồi sẽ ra sao thì chắc chỉ có nội tình những người đàn bà này biết với nhau.
Căn nhà nơi P.N nuôi dưỡng các mẹ bầu.
Sau những câu chuyện thân tình và hẹn "cọc tiền" trước, P.N bắt đầu cởi mở hơn, bạo dạn trong câu chuyện và cũng kể nhiều hơn.
Cũng theo lời kể của cô này, bản thân cô ta vì muốn toàn tâm toàn ý cho công việc "se duyên" đã bỏ việc làm trước đó, chỉ quanh quẩn ở nhà nấu ăn và chăm sóc cho các thai phụ. Còn về phần các mẹ bầu thường chỉ sinh hoạt trong phạm vi căn nhà.
Mỗi thai phụ đến với P.N đều phải trải qua quá trình "làm tư tưởng" để sau này không bao giờ tìm lại con đẻ của mình nữa. Họ buộc phải ký kết một bản cam kết sẽ tự nguyện từ bỏ quyền cha mẹ một khi đã giao con cho bố mẹ nuôi.
Khi chúng tôi thắc mắc, liệu tờ cam đoan này có giá trị hay không khi xảy ra tranh chấp sau này, trong trường hợp người mẹ đổi ý muốn tìm lại con, thì P.N khẳng định rằng cô ta có "đủ quan hệ" để xin dấu xác nhận của địa phương, còn người mẹ thì không cần phải lo lắng vì cũng chỉ là thường dân không vai không vế.
Nhân vật P.N cho biết, tất cả những bà bầu đến đây đều được cho đi đăng ký tạm trú tạm vắng. Còn việc cô ta có đưa những bà bầu này đi đăng ký tạm trú hay không thì chỉ có người trong cuộc và cơ quan chức năng địa phương mới biết.
Trong suốt cuộc hội thoại này với chúng tôi, khi nhắc đến số tiền "bồi dưỡng’’ 20 triệu đồng thì cô ta yêu cầu làm việc riêng và không liên quan đến mẹ bé.
Điều này càng khiến chúng tôi thắc mắc liệu số tiền thực sự khi đến tay những thai phụ là bao nhiêu? Bao nhiêu tiền để dứt tình máu mủ ruột già, bao nhiêu tiền cho một sinh mạng con người? Sau khi trừ đi mọi khoản chi phí thì số tiền còn lại cho một đứa trẻ còn lại thật sự không quá nhiều.
Tin được không? Chỉ với 20 triệu đồng những người nuôi bà bầu này có thể ‘’phù phép’’ một đứa trẻ xa lạ thành con ruột của bất kỳ ai.
Và cách P.N thực hiện "phép màu" ấy, xin đón đọc vào kỳ 2 của phóng sự.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10. Quốc hội ban hành Luật nuôi con nuôi. Tại chương I, những quy định chung có chỉ rõ:
Trong điều số 9 mục 1 về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Ngoài ra, trong điều 11 mục 1 và 2 có ghi rõ về việc bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc:
1. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.
Đặc biệt, trong điều 13 mục 1 và 2 chỉ ra những hành vi bị cấm như sau:
1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.