Trả hàng trăm triệu để nhận quà từ "trai tây" - chiêu lừa xưa như trái đất, nhưng vẫn không ít chị em dính bẫy tình!

Mạn Ngọc (T/H),
Chia sẻ

Một ngày, bạn bỗng nhận được những lời tán tỉnh có cánh của tài khoản Facebook nước ngoài. Rất nhanh sau đó là hứa hẹn về món quà giá trị cực lớn mà bạn chẳng phải làm gì ngoài việc bỏ ra "chút chi phí" để nhận.

Có lẽ những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội đã không còn gì lạ lẫm với cư dân mạng. Bên cạnh những người tỉnh táo để nhận biết được kẻ xấu thì cũng không ít người dính phải chiếc bẫy được đặt ra ngày càng tinh vi, ngày càng khó phân biệt.

Nhưng có lẽ đáng để chú ý hơn cả là những màn lừa đảo "tình-tiền", mà nạn nhân thường là các chị em phụ nữ. Đến khi nhận ra sự thật thì tình chẳng có mà tiền cũng đã cao chạy xa bay.

Với tâm lý "sinh ngoại" của 1 số bộ phận người dân, chiêu trò phổ biến những năm gần đây, được sử dụng liên tục nhưng vẫn dễ dàng móc túi chị em phụ nữ lại đến từ các tài khoản Facebook của chàng trai ngoại quốc.

Tiếp cận nạn nhân bằng tiếng nước ngoài cùng những lời có cánh

Rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng mạng xã hội Facebook sẽ ít nhất 1 lần nhận được lời mời kết bạn đến từ các tài khoản Facebook nước ngoài. Từ đây, những tài khoản này liên tục có những cách tiếp cận không quá vồn vập nhưng lại luôn có sự tương tác cao với nạn nhân để lấy được sự chú ý cũng như lòng tin.

Sau 1 khoảng thời gian nói chuyện bằng ngôn ngữ nước ngoài, những chàng trai ngoại quốc với ảnh đại diện ưa nhìn này sẽ buông lời tán tỉnh có cánh với mục tiêu. Bằng việc tự giới thiệu mình là người có địa vị và tiền tài nhưng lại có tình cảm đặc biệt với mục tiêu, rất nhiều chị em phụ nữ nhanh chóng mắc vào cái bẫy mà những kẻ lừa đảo này đã bài binh bố trận.

Trả tiền để nhận quà từ "trai tây": Màn lừa đảo đã quá quen thuộc nhưng vẫn móc được túi tiền của nhiều phụ nữ cả tin - Ảnh 1.

Chàng Phi công Quốc tế bị nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng hình ảnh.

Không quá vồn vập, không quá vội vã với mục tiêu. Thậm chí, với 1 số đường dây lừa đảo chuyên nghiệp, các tài khoản Facebook kẻ lừa đảo sử dụng không giống như 1 Facebook ảo, chính vì vậy, độ tin tưởng vào tình cảm đặc biệt của "trai tây" với các chị em lại càng tăng cao.

Những đối tượng này tìm hiểu khá kĩ về mục tiêu thông qua trang cá nhân của họ, nhiều trường hợp nạn nhân thấy các tài khoản Facebook này lần tìm về các bài viết của họ đã từ nhiều năm trước đây.

Nắm được tâm lý, hoàn cảnh của mục tiêu, các đối tượng càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, lấy lòng tin và khiến họ mất dần đi sự cảnh giác. Những đối tượng này thường hứa hẹn sẽ đến Việt Nam thăm hỏi, thậm chí là đón nạn nhân sang đất nước của mình để du lịch, đôi khi còn hứa hẹn sẽ giúp họ nhập quốc tịch để đổi đời tại 1 miền đất mới.

Trả tiền để nhận quà từ "trai tây": Màn lừa đảo đã quá quen thuộc nhưng vẫn móc được túi tiền của nhiều phụ nữ cả tin - Ảnh 2.

Liên tục tiếp cận các mục tiêu để tiến hành lừa đảo.

Không ít chị em liên tục nhận được những tin nhắn làm phiền, thậm chí là quấy rối của các chàng trai ngoại quốc này.

Chị P.M.P chia sẻ thời gian gần đây chị liên tục nhận được những tin nhắn "mùi mẫn" từ 1 tài khoản Facebook nước ngoài. Bản thân là phụ nữ đã có gia đình nên chị hoàn toàn không muốn trả lời.

"Vốn tiếng anh của mình không tốt nên không thể từ chối rõ ràng, sau vài ngày không thấy mình trả lời thì tài khoản đó đã gửi cho mình 1 hình ảnh nhạy cảm. Vừa bất ngờ vừa khá là sợ nên mình đã ngay lập tức xóa hết tin nhắn và chặn Facebook đó".

Những món quà giá trị lớn chỉ phải bỏ ra 1 chút phí để nhận

Tiếp sau những lời tán tỉnh, khi đã cảm thấy mục tiêu phần nào đã tin tưởng mình, các đối tượng sẻ chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Đó là tặng quà có giá trị lớn để thể hiện tình cảm "chân thật" của mình.

Thường thì các món quà này sẽ có giá trị vật chất khá lớn, thậm chí là tiền mặt. Đôi khi, thay vì tặng quà, các chàng ngoại quốc này sẽ tỏ vẻ tin tưởng nạn nhân tuyệt đối và nhờ vả nạn nhân tìm mua động sản, bất động sản tại Việt Nam giúp mình và sẽ chuyển tiền tận nơi, thậm chí có trích thêm phần trăm cảm ơn.

Trả tiền để nhận quà từ "trai tây": Màn lừa đảo đã quá quen thuộc nhưng vẫn móc được túi tiền của nhiều phụ nữ cả tin - Ảnh 3.

Mới đây, 1 bà mẹ đơn thân trẻ tuổi đã kể về sự việc bản thân bị lừa mất 12 triệu.

Sau khi nhận lời, các đối tượng này sẽ yêu cầu nạn nhân bỏ ra 1 khoản chi phí rất nhỏ so với tổng giá trị món quà mà chúng vẽ lên để họ có thể nhận được chúng.

Thông thường khoản chi phí nhận quà này sẽ không quá lớn, tuy nhiên không ít những trường hợp mà chị em phụ nữ bị lừa 1 số tiền không hề nhỏ.

Chị Nguyễn Thị P. (trú tại thị xã Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam) đã tố cáo với cơ quan Công an địa phương về việc bản thân bị lừa đảo.

Vào tháng 4-2017, qua Facebook, chị kết bạn với một người nước ngoài có tên là Muller Fuy. Người này giới thiệu bản thân là "Tổng tham mưu Quân đội Hoa Kỳ" đang đóng quân tại Afghanistan.

Trả tiền để nhận quà từ "trai tây": Màn lừa đảo đã quá quen thuộc nhưng vẫn móc được túi tiền của nhiều phụ nữ cả tin - Ảnh 4.

Để tăng lòng tin, chúng sẽ gửi nhưng chứng từ, hóa đơn giả như thế này cho nạn nhân.

Sau thời gian làm quen, Muller Fuy tỏ tình với chị P. và tâm sự rằng muốn gửi một số tiền về cho chị P., bởi anh ta có số tiền lớn, nhưng không còn cha mẹ, vợ con, và hứa khi hoàn thành nghĩa vụ, anh ta sẽ rời chiến trường sang Việt Nam thăm chị P. Tuy nhiên, sau đó, do vướng mắc giao dịch nên phải nộp phạt để nhận được tiền.

Nghe vậy, chị P. liền nộp tiền phạt vào tài khoản mang tên Vũ Văn Linh theo yêu cầu của nhân viên này. Tiếp theo, Muller Fuy điện thoại bảo chị P. đóng hàng loạt "phí" với số tiền 900 triệu đồng. Đâm lao đành phải theo lao, không có tiền, chị P. bèn cầm cố nhà đất để đóng phạt, đóng phí, với mong muốn sớm nhận được "quà" của người bạn Tây.

Tuy nhiên, chờ mãi vẫn không thấy giấy mời nhận quà, chị P. liên lạc với Muller Fuy thì anh ta đã biến mất khỏi mạng xã hội. Biết mình bị lừa, chị P. làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, nhờ xác minh xử lý theo pháp luật...

Không khó để nhận biết kẻ lừa đảo nếu đủ tỉnh táo

Vào một ngày tháng 4-2019, một phụ nữ khoảng 50 tuổi rụt rè tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh trình báo vừa bị lừa tiền qua mạng Fecabook. Chị H. cho biết, trú tại phường Giếng Đáy - TP Hạ Long, bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook tên "Ankush Lihe" lừa đảo chiếm đoạt số tiền 673.800.000 đồng.

Hằng ngày trò chuyện qua lại, hai người đã thân thiết, cảm tình chị H. dành cho đối phương cũng tăng lên. Chính vì vậy sau nhiều lần kể khổ của "trai tây", chị H, đã không chút đề phòng mà chuyển cho đối tượng không biết mặt số tiền không hề nhỏ nêu trên.

Trả tiền để nhận quà từ "trai tây": Màn lừa đảo đã quá quen thuộc nhưng vẫn móc được túi tiền của nhiều phụ nữ cả tin - Ảnh 5.

Nguyễn Thị Quỳnh Như khai nhận trước Cơ quan điều tra.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng như giấy xác nhận chuyển tiền mà chị H. cung cấp, quá trình điều tra, các trinh sát của Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Quảng Ninh xác định, Nguyễn Thị Quỳnh Như là đối tượng đã đứng ra lập các tài khoản ngân hàng, rút tiền tại nhiều cây ATM trên địa bàn TP.HCM, sau đó đưa cho đối tượng khác, giữ lại một phần hưởng lợi.

Bên cạnh những vụ việc đã đưa ra ánh sáng, không ít sự việc các chị em phụ nữ bị lừa tình, lừa tiền nhưng vẫn đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Các đối tượng lợi dụng sự cả tin của phụ nữ khi trót có tình cảm cũng như tâm lý mong muốn đổi đời ở trời Tây. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo không khó để phát hiện ra những chiêu trò của kẻ lừa đảo.

Chị N.D chia sẻ đã từng ít nhất 2 lần gặp phải những đối tượng lừa đảo với những chiêu thức này, tuy nhiên với tâm lý đề phòng, "chẳng ai cho không ai cái gì" mà chị D. đã nhanh chóng phát hiện ra những điểm đáng ngờ.

Ngoại ngữ không chuẩn; tài khoản Facebook ít tương tác; vận chuyển "quà cáp" không đúng với luật pháp... là 1 vài biện pháp để nhận diện "trai tây" lừa đảo.

"Đầu tiên, mình cảm thấy tiếng anh của họ không ổn lắm. Ví dụ như khi khen mình đẹp họ là sử dụng từ 'look-handsome'. Tuy mình không quá giỏi tiếng anh nhưng vẫn nhận thấy từ này chỉ để khen đàn ông.

Tiếp theo, tài khoản Facebook họ sử dụng cũng không có nhiều bạn bè, chỉ có vài hình ảnh, thậm chí không có bất kì bài đăng tải nào.

Cuối cùng, khi họ ngỏ ý chuyển 1 số tiền lớn, thậm chí có cả hóa đơn của bên vận chuyển thì mình cũng nhận ra rằng tiền tệ là mặt hàng cấm vận chuyển. Nhất là với khoản tiền lớn, chỉ có thể giao dịch qua các ngân hàng".

Rất nhanh sau khi chị D. trao đổi về thắc mắc của mình, đối tượng đã hiển thị "người dùng Facebook" với chị.

Kết

Những chiêu trò lừa đảo với phương thức như thế này không còn hiếm lạ, tuy nhiên, nếu đối tượng lừa đảo đủ tinh vi thì vẫn dễ dàng móc túi các chị em phụ nữ.

Việc làm quen, giao tiếp trên mạng xã hội luôn cần những sự tỉnh táo để nhận định vấn đề, đối tượng mà chúng ta đang tiếp xúc. Từ đó, có thể nhìn ra những điểm "gợn" của những kẻ mang mác "chàng trai ngoại quốc" nhưng lại đi lừa đảo tình-tiền của phái yếu.

Trước khi các cơ quan cơ chức năng có thể vào cuộc và xử lý những kẻ tội phạm công nghệ cao này, mỗi chúng ta cần nâng cao hơn ý thức đề phòng, không quá dễ dàng tin tưởng người lạ. 

Cuối cùng, trước khi xuất ra khoản tiền nào đó, bạn cần biết chắc chắn địa điểm, đối tượng mà tài sản của chính bạn sẽ đến. Đừng để tiền mất rồi mới đi tìm. Nâng cao cảnh giác là cách tốt nhất để mỗi chúng ta tự bảo vệ mình và tài sản của mình.

Chia sẻ