Lừa tiền bằng cách chào bán bạc thật giá... 10.000 đồng trên xe bus
Dây chuyền bạc thật được rao bán với giá 10.000 đồng/sợi trên xe bus Chiều ngày 20/11, chúng tôi bắt tuyến xe bus 54 từ Điện Biên Phủ về bến xe miền Đông đã chứng kiến vở kịch lừa tiền, mời chào hành khách mua dây chuyền bằng bạc "thật". Cụ thể, tại điểm xe bus đi Điện Biên Phủ có thanh niên khoảng 25-28 tuổi lên đứng ở đầu xe và xin mọi người ít phút để giới thiệu về “món quà tặng người thân”.
Theo quan sát, anh này nói giọng miền Tây, nói rất trơn tru, không va vấp: “Công ty em cháu hiện gia công mặt hàng dây chuyền với số lượng lớn. Vì nhân công là người nhà nên không tính phí sản xuất. Chỉ tính phí nguyên liệu. Công ty em cháu là công ty lớn, gia công dây chuyền uy tín, chất lượng”.
Lừa tiền tinh vi bằng cách treo dây chuyền lên để thử lửa và mài "vô tư" không sợ xỉn màu
Và để minh họa cho lời nói của mình, anh này rút từ trong túi ra một sợi dây chuyền rồi buộc lên thanh sắt treo trên xe bus. “Dây chuyền bằng bạc thật được công ty em cháu sản xuất chỉ có giá 25.000 đồng. Nhưng vì không có phí gia công nên mỗi sợi dây được bán khuyến mãi 10.000 đồng cho các anh chị trên xe mình. Quý vị có thắc mắc sao biết bạc thật hay bạc giả? Rất đơn giản, cháu xin thử cho quý vị biết”.
Tiếp tục, anh ta lấy ra chiếc bật lửa màu trắng, hơ nhanh trên dây bạc và bảo: “Bạc thật không sợ lửa”. Chưa hết, anh ta còn mài luôn sợi dây bạc để khẳng định đây là bạc thật, không dễ bị xỉn màu, bong tróc. Tất cả các thao tác này được thực hiện nhanh gọn trong vòng 5 giây.
“Quý vị các anh chị đi đường xa, chưa có quà tặng người thân có thể mua dây chuyền bạc này để tặng. Rất đẹp và thời trang, và chỉ với mức giá 10.000 đồng được công ty em cháu cam kết bán giá rẻ nhất thị trường”. Vừa quảng cáo, anh ta vừa phát cho những người trên xe một bọc dây chuyền lớn để xem.
Có khá đông người hỏi mua, đa phần là chị em phụ nữ.
“Dây chuyền này đẹp mà giá có 10.000 đồng mua cũng được”, Thanh, 20 tuổi, quê Trà Vinh cho biết. Cô gái này lấy 2 dây và được người bán khuyến mãi thêm lời khen tặng: “Em dễ thương vậy đeo thêm dây chuyền đắt chồng lắm đó nha”.
Tên công ty sản xuất dây chuyền không có thực - chiêu lừa tiền đầy sơ hở Sau khi bán được kha khá, anh ta tiếp tục giới thiệu thêm về dòng dây chuyền mới có giá 25.000 đồng, mảnh hơn, nhỏ hơn nhưng đẹp hơn dây cũ. Tất nhiên, vẫn có thêm người hỏi mua.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài thông tin được ghi với cái tên Công ty liên doanh vàng bạc đá quý TPHCM (công ty này không hề có thật) thì sản phẩm này không có địa chỉ nơi chế tác. Dây tuy màu bạc nhưng lại sáng kiểu... mỹ ký rẻ tiền. Đem thắc mắc hỏi người bán, anh này lảng tránh ngay câu hỏi và rất nhanh chuyển sang hàng ghế khác để chào mời.
Nghe điện thoại xong tới khúc quẹo Đinh Tiên Hoàng anh ta vội xuống xe: lừa tiền thành công những người thích của rẻ
Đến điểm dừng trên ở khúc quẹo trên đường Đinh Tiên Hoàng giao với Nguyễn Văn Lượng, anh này xuống xe và tiếp tục leo lên chuyến xe sau để chào hàng. Theo như phụ lái xe bus cho biết thì hầu như ngày nào cũng gặp anh ta. Lúc thấy anh này đi từ bến xe Chợ Lớn, khi lại xuất hiện ở bến xe miền Đông để dụ khách mua.
Lừa tiền hành khách bằng vỉ thuốc rởm 30.000 đồng
Hỏi thăm một số hành khách trên chiếc xe bus cùng tuyến, anh Vinh, quê Bến Tre cho biết: "Trước đây lúc đi xe bus số 10 từ bến xe miền Tây về Thủ Đức, tôi cũng từng bị dụ mua mấy vỉ thuốc giả, hết hạn sử dụng từ lâu giá 35.000 đồng/vỉ".
Hỏi ra mới biết, anh được một người bán chào hàng là thầy thuốc mở phòng mạch tại gần vòng xoay Phú Lâm, Quận 6 có phương pháp trị bệnh bằng thuốc nam rất hay. Nghe nói bùi tai, lại được cho xem những bài thuốc quý miễn phí, anh và nhiều người khác không ngại ngần mua thêm 1 số vỉ về dùng thử, vì bản thân anh cũng bị sưng khớp.
Ai dè, đến khi ông này xuống trạm dừng anh và mấy người mở ra xem thấy mặt sau của thuốc bị mốc xanh, đỏ. Sợ hãi, anh và nhiều hành khách liền vứt hết đi. "Lúc đấy biết là bị lừa tiền nhưng chẳng làm gì được, vì biết ở đâu mà tìm", anh Vinh nói tiếp.
Vật vã xin tiền, làm trò thương hại
Chưa hết, theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh các bến xe bus lớn như Bến Thành, bến xe miền Tây, bến xe miền đông hay khu làng Đại học Thủ Đức luôn có nhiều đối tượng vật vờ xin tiền của người đi xe bus. Chiêu trò bọn chúng thường sử dụng là giả bộ hết tiền, hay mới bị mất ví, xin 4.000 -5.000 đồng để đi.
Tất nhiên, hiếm có người từ chối vì số tiền lẻ, không đáng là bao. Nhưng cứ thử nhẩm tính một ngày, xin đều đặn sáng chiều, được hôm "đắt hàng" số người rút ví lên đến trên dưới 50 thì số tiền lừa được cũng không ít. Tinh vi hơn, chúng thường di chuyển ở những địa điểm khác nhau, địa bàn xin thay đổi liên tục để tránh bị nhớ mặt, tiếp tục các chiêu lừa tiền khác.
Minh Tuấn, sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết, cậu thường xuyên gặp những người xin ăn kiểu này.
"Một, hai lần còn được, nhiều lần xin mình khó chịu lắm. Nhưng không cho thì họ lại rơm rớm nước mắt khiến mình rất xấu hổ với người xung quanh nên đành phải móc ví đấy", Tuấn nói thêm.
Một số lưu ý để tránh bị lừa tiền, móc túi khi đi xe bus:
* Đối với những người hàng ngày phài di chuyển bằng xe bus để đi học, đi làm, cần lưu ý:
-
Tuyệt đối tránh để ví (bóp), điện thoại trong túi quần hay ngăn ngoài
của ba lô, túi xách, vì kẻ gian dễ lợi dụng móc túi, lấy trộm đồ bằng
cách dùng dao lam rạch túi. - Không mang theo nhiều tiền bạc, giấy tờ quan trọng khi đi xe bus. -
Chuẩn bị sẵn tiền lẻ để đi xe bus, vừa tiện trả tiền vé xe, vừa tránh
lúc lấy tiền từ trong túi, không cảnh giác khiến kẻ gian chú ý
* Đối với những chiêu quảng cáo dụ mua sản phẩm hay tiếp thị nhãn hàng... thì:
- Tuyệt đối không được mua, vì đa số là hàng giả mạo, kém chất lượng - Không hỏi chuyện hay xem hàng vì rất dễ bị người bán dụ dỗ, chèo kéo -
Nếu kẻ gian liên tục chào hàng và mời gọi, hành khách có thể báo trực
tiếp với lái xe hoặc gọi điện tới đường dây nóng của bến xe nhờ can
thiệp.
Hiện tại, các tuyến xe bus trong thành phố đều có biển đề
số điện thoại đường dây nóng, vì vậy, khi gặp phải sự cố, hành khách
nên gọi tới tổng đài để được tư vấn và hỗ trợ thêm. Nhưng trước hết, tự
bản thân mỗi người đều phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản
cá nhân, đặc biệt, không nên quá tò mò, bởi kẻ gian có thể lợi dụng tâm
lý này của hành khách để "tung chiêu" lừa tiền.
|