TP.HCM: Sở Y tế lên tiếng về việc sử dụng 'phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai'
Theo văn bản của Sở Y tế TP.HCM gửi đến tất cả các bệnh viện thành phố, quận, huyện, bệnh viện ngoài công lập về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai, Sở chỉ rõ một số trường hợp không được thực hiện gây tê tủy sống.
Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày 26-6, Sở có nhận công văn số 3614/BYT-BM-TE của Bộ Y tế về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mô lấy thai.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn trên, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện có thực hiện phẫu thuật mổ lấy thai cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bản trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sàn giật… Ở các trường hợp này, không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ, có thể kể ra như: tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bản trung tâm khi phẫu thuật mổ lấy thai cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quân. (Ảnh minh họa).
Trước đó, thông qua một văn bản kết luận từ việc theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị y tế, Bộ Y tế đã nhận định, một số trường hợp phẫu thuật lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến sau sinh. Thông tin này được báo chí – truyền thông đăng tải sau đó đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, gay gắt trong dư luận.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã phải làm rõ chuyện văn bản đưa ra là không cấm hoàn toàn việc thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ mà chỉ mang tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế về việc không thực hiện phương pháp này trong một số trường hợp đã nêu vì dễ xảy ra tai biến, nguy hiểm cho sản phụ.
Chỉ một số trường hợp đặc biệt không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống vì dễ xảy ra biến chứng. (Ảnh minh họa)
Được biết, tỉ lệ những trường hợp đặc biệt được chỉ định không gây tê tủy sống ở cả Việt Nam và trên thế giới là khá thấp, chỉ dưới 5%. Những trường hợp này khi sử dụng phương pháp nêu trên có thể xảy ra tình trạng băng huyết hay tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn.
Cũng trong văn bản ban hành mới đây, Sở Y tế TP. HCM cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện chỉ đạo này, nếu có vướng mắc, các đơn vị phải báo cáo về Sở Y tế để nơi này tổng hợp báo cáo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế.